Trung tá Phạm Hồng Nga, một cựu sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, sau khi tốt nghiệp năm 1995 cô được phân về công tác tại Khoa Văn hóa, Trường Quân sự Quân khu 7 hiện là Chính trị viên đại đội nữ trong đợt huấn luyện này cho biết: Tuy mới một thời gian ngắn, nhưng các em đã có nhiều tiến bộ. Các bài chính trị ở hội trường cho đến các khoa mục quân sự ngoài trời như tập bắn súng AK, ném lựu đạn, điều lệnh đội ngũ… các em nhận thức, tiếp thu nhanh, ít sai sót trong thực hành qua kiểm tra nhiều em đạt khá, giỏi.
Các chiến sĩ nữ tập đội ngũ
Binh nhì Đỗ Thị Kim Ngọc, sinh năm 1993, tiểu đội 5, Trung đội 2 quê ở Ninh Gia, Đức Trọng, Lâm Đồng tâm sự, đã ba tháng rồi nhưng có lẽ ấn tượng nhất đối với em khi mới bước chân vào đơn vị là chúng em được các chị, các anh ở đây tiếp đón thân tình như người thân ruột thịt. Theo đó, là những dãy nhà khang trang với những đường đi lối lại rợp mát bóng cây, những những bồn hoa, cây cảnh, sân chơi thể thao, đâu đâu cũng xanh, cũng sạch đẹp tựa như công viên, khác xa với suy nghĩ của em trước ngày lên đường.
Chiến sĩ nữ vui văn nghệ
Còn với chiến sĩ Tô Thị Thảo Nguyên quê ở Hòa Thuận Tây, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng thì cho biết: Đây là lần đầu em sống xa gia đình, xa người thân, mấy ngày mới về đơn vị nhớ nhà, nhớ ba má đến phát khóc, nhưng nay thì quen rồi, được mọi người đi trước động viên, chỉ bảo đến nay đã thành thạo với cách gấp chăn, mùng mền, xếp đặt giày dép, ba lô, thậm chí là cả cách thắt, buộc dây giày rồi nên không còn lóng ngóng mất thời gian như những ngày đầu nữa.
Có dịp được làm quen, được nghe các em thổ lộ nỗi niềm chúng tôi mới hiểu được phần nào những điều sâu lắng của phận má hồng làm lính: Họ đến từ nhiều vùng, miền của đất nước, nên cũng rất phong phú về tính cách. Trước ngày nhập ngũ mỗi người một công việc khác nhau, nhưng hầu như phần lớn vẫn là những “cô chiêu, cậu ấm” vừa mới rời ghế nhà trường, nhiều người khi còn ở nhà một bước cũng đi xe, cơm nước ít khi nấu, thế mà giờ đây đã biết cầm cuốc, cầm xẻng chăm sóc cây cảnh, xách nước tưới rau, vệ sinh doanh trại, tập luyện thể dục, thể thao. Hơn thế nữa là những ngày học đội ngũ hay những tuần xạ kích dưới cái nắng chói chang của mùa hè phương Nam. Nhiều người còn cho biết vui nhộn nhất là những đêm liên hoan văn hóa văn nghệ, đơn vị tổ chức sinh nhật đồng đội cho những người cùng sinh trong tháng. Đó cũng là lúc chị em có dịp trổ tài, một buổi văn nghệ có đủ các làn điệu “Dân ca 3 miền”, không chỉ có vậy, nhiều người còn có năng khiếu sáng tác tự biên, tự diễn khá tốt.
Đảng viên Phan Lê Huệ Huyền, tốt nghiệp Đại học Luật, nhà ở Thành phố Vị Thanh, Hậu Giang cho hay: Lúc đầu chưa quen ai cũng nhường nhau, em cũng vậy hát trước đông người là thấy run, nhưng rồi các bài vọng cổ của vùng quê sông nước miền Tây quê em luôn được mọi người tán thưởng, nhưng giờ thì dạn rồi có muốn hát cũng khó đến lượt.
Tiếp xúc với chị em lâu thì càng được nghe nhiều chuyện. Đại loại là những mẫu chuyện góp nhặt của những ngày đầu nhập ngũ như ăn cơm phải xếp hàng, ăn đũa hai đầu, chén ( bát) của ai tự rửa lấy, sáu người một mâm, không được cười nói to khi ăn, đến giờ thì phải lên giường, không ngủ cũng nằm đấy; những khi gấp chăn mùng, vệ sinh cá nhân không kịp thời gian quy định nên mới có chuyện “vừa chạy vừa xếp hàng”. Do học tập, làm việc, ăn uống, ngũ nghỉ điều độ lại thường xuyên rèn thể dục, thể thao nên người nào cũng tăng cân, có người sợ mập đến bữa không dám ăn nhiều.
Thiếu tá Triệu Quang Khoa, đại đội trưởng, “sếp” của các chiến sĩ nữ như không giấu được niềm vui. Anh cho biết: Hiện nay có 7 chiến sĩ nữ đảng viên, còn lại 100% là đoàn viên, phần lớn các em có đều học vấn cao nên nhận thức tốt. Tuy ở nhiều đầu mối địa phương khác trong cả nước, nhưng mọi người đều đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Các em có tin vui hoặc chuyện buồn gì đó là các em đều biết và cùng chia sẻ, động viên. Nhiều em được biểu dương trong học tập, huấn luyện, xây dựng đơn vị. Vào các dịp như Quốc tế Phụ nữ ngày 8/3, được sự quan tâm của Nhà trường, đơn vị đã tổ chức cho các em thi tìm hiểu về truyền thống Phụ nữ Việt Nam, về gương các nữ anh hùng, liệt sĩ tiêu biểu quân đội; hội thi nấu ăn; giao lưu văn hóa, văn nghệ chào mừng đất nước thống nhất dịp kỷ niệm 30/4; sắp tới trong dịp kỷ niệm 127 năm ngày sinh Bác Hồ, Nhà trường cũng sẽ có cuộc thi “Nét đẹp quân nhân” cho đơn vị.
Dù nam nhi hay nữ giới, thời bình hay thời chiến thì cuộc sống quân ngũ lúc nào cũng vất vả gian truân, nhưng cũng đầy mộng mơ, thi vị. Năm tháng sẽ qua đi, tôi không biết trong số 100 bóng hồng kia mai này ai sẽ còn ở lại với đường binh nghiệp, nhưng những kỷ niệm của một thời “Ăn cơm tập thể, ngủ giường cá nhân” của những ngày đầu quân ngũ sẽ là một kỷ niệm đẹp trong đời con gái./.