Để thể hiện thành công những ca khúc cách mạng như: Cô gái mở đường; Đường tôi đi dài theo đất nước, Cô gái Sài Gòn đi tải đạn… các nữ ca sĩ của đoàn không ngừng học hỏi, chắt lọc và tiếp thu những tinh hoa, tinh túy của các thế hệ đi trước kết hợp với sự sáng tạo, kỹ thuật thanh nhạc để làm nên “chất” riêng, “thương hiệu” riêng của tốp ca nữ Đoàn Văn công Quân khu trong từng bài hát.

Tốp ca nữ Đoàn Văn công luôn nỗ lực đổi mới để đến gần hơn với khán giả.
Hiện nay, phần lớn độ tuổi của các diễn viên ca Đoàn Văn công được trẻ hóa từ 19-25 tuổi, do vậy việc tiếp nối, gìn giữ và thể hiện dòng nhạc truyền thống vừa là niềm vinh dự, tự hào nhưng cũng đầy trách nhiệm. Để theo đuổi dòng nhạc này, bản thân người diễn viên phải tự trau chuốt, tỉ mỉ, tập luyện kĩ lưỡng, quan trọng hơn cả là biết điều tiết giọng hát, cảm xúc, hơi thở để tạo nên sự thống nhất, một khối tổng thể hòa hợp khi đứng biểu diễn trong tốp.
Là một ca sĩ trẻ nhưng Nguyễn Thị Phương Anh đã chọn cho mình dòng nhạc khó chinh phục này, cô chia sẻ: “Để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khán, thính giả, những ca sĩ trẻ hát nhạc cách mạng, ngoài kế thừa những kinh nghiệm của anh chị đi trước thì không quên làm mới mình, nỗ lực thay đổi bản thân theo phong cách trẻ trung, hiện đại để đến gần hơn với khán giả. Dù có thể những giọng ca trẻ chưa đạt “đỉnh” như thế hệ trước nhưng chúng tôi vẫn luôn cố gắng từng ngày để góp phần giữ sức sống cho dòng nhạc đỏ.
Khi hát tốp ca, thời gian luyện tập cũng nhiều hơn gấp 2, gấp 3 lần một ca sĩ hát đơn. Đòi hỏi mỗi ca sĩ phải thể hiện được cá tính riêng, không mờ nhạt nhưng phải tạo nên sự kết hợp thật chỉn chu, chuyên nghiệp. Ngoài luyện tập giai điệu chính, diễn viên còn tập thêm vũ đạo, diễn xuất để tiết mục hấp dẫn, sinh động hơn. Đồng thời, người dàn dựng ca khúc cần phân bè chính, bè phụ. Các bè phải phối hợp ăn ý, quyện vào nhau để bài hát được “tròn đầy”. Người hát bè không chỉ là người phụ họa mà phải xem đó là giai điệu chính để có thể “thả hồn” vào bài hát.
Trung tá QNCN Lê Thị Nhã Trúc, diễn viên ca Đoàn Văn công tâm sự: “Là người có nhiều năm thể hiện dòng nhạc truyền thống, tôi không ngừng truyền cảm hứng cho các ca sĩ trẻ thêm yêu, đam mê dòng nhạc này. Dòng nhạc không chỉ đẹp bởi ca từ mà còn đậm chất bi tráng, hào hùng về một thời hoa lửa của dân tộc. Dẫu có nhiều đổi mới trong hòa âm, phối khí, dàn dựng để phù hợp với thị hiếu, thời đại nhưng mục đích cuối cùng vẫn là giáo dục truyền thống cho cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân bằng âm nhạc”.
Dòng chảy của các ca khúc cách mạng chưa một giây phút nào ngưng đọng. Tiếp nối thế hệ anh chị, các ca sĩ trẻ đang thử sức với dòng nhạc này bằng nhiều cách làm mới cũng như thể hiện các thể loại nhạc khác nhau.
Mới đây nhất, tại Liên hoan ca, múa, nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2 năm 2021 tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, tốp ca nữ Đoàn Văn công mang đến một sáng tác mới của Nhạc sĩ Đức Trịnh kết hợp vũ đạo, ca khúc “Những thiên thần thành phố” góp phần vào kết quả chung Huy chương Vàng toàn đoàn. Đây được xem là sức sống mới, làn gió mới mang hơi hướng hiện đại mà các ca sĩ trẻ Đoàn Văn công Quân khu mang đến.