Nghĩa cử cao đẹp, nhân văn của những “chiến binh vận chuyển” được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao...
Từ “vùng đỏ” hành quân về các “vùng xanh” làm việc thiện, Nguyễn Anh Quốc cùng các cộng sự quá quen với chuyện phải đứng xếp hàng cả buổi chờ làm thủ tục khai báo y tế, lấy mẫu xét nghiệm, xin cấp giấy thông hành tại các chốt kiểm dịch. Để đảm bảo an toàn cho mình và mọi người, quá trình di chuyển, các anh luôn tự giác mang mặc trang phục bảo hộ, tuân thủ nghiêm ngặt quy định 5K, “một cung đường hai điểm đến”, tuyệt đối không dừng đỗ dọc đường hay rời khỏi ca bin, tiếp xúc với những người xung quanh. Trước mỗi chuyến đi, các anh phải dậy từ 1 - 2 giờ sáng, cơm nắm, cơm vắt mang theo suốt dọc hành trình nhưng ai cũng cảm thấy vui và hạnh phúc vì làm được điều có ích cho xã hội.
Tây Nguyên đang bước vào cao điểm của mùa mưa. Điểm nhận hàng thường ở vùng sâu, vùng xa, đèo dốc quanh co, mây mù ngập lối, đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Nhiều hôm trời có mưa to, gió lớn, giữa đồng không mông quạnh, ngồi trong “tổ ấm” có máy lạnh điều hòa thảnh thơi nghe nhạc, nhìn ra ngoài, thấy các chiến sĩ bộ đội, dân quân, thanh niên tình nguyện và bà con phải căng mình bê từng sọt rau, rổ trứng, bó măng xếp lên xe, tuy rất muốn xắn quần nhảy xuống hỗ trợ một tay, song biết mình là người “đến từ vùng dịch”, nguy cơ lây nhiễm bệnh luôn tiềm ẩn, các anh đành phải ngồi yên.
Có chuyến, các chốt kiểm soát bị quá tải, giao thông ách tắc cục bộ khiến xe đến vùng xanh trễ hẹn, các anh phải chờ suốt một đêm, qua khung giờ “giới nghiêm”, lực lượng tình nguyện mới có thể đến bốc hàng. Để thực phẩm luôn tươi ngon, hàng bốc xong, dù nửa đêm gà gáy, các anh vẫn quay đầu trở về tâm dịch, bởi nơi ấy bà con đang ngóng đợi. Thế nhưng có chuyến xe bất ngờ bị sa lầy, bể lốp ngay khu vực có đông dân cư, tuy rất nóng lòng, sốt ruột nhưng các anh vẫn phải ngồi im, chờ lực lượng cứu hộ đến giải cứu. Thương các anh vất vả, thi thoảng bà con lại móc lên cửa xe vài trái bắp luộc, mấy quả ổi xanh hay vài chục trứng. Chỉ vậy thôi mà ai cũng ấm lòng, xúc động vô cùng.
Ngần ấy thời gian gắn bó với những chuyến xe yêu thương chở nặng nghĩa tình là ngần ấy thời gian các anh tạm xa nhà, không được quây quần bên gia đình. Chiếc điện thoại là nhịp cầu gắn kết cả gia đình suốt những ngày xa cách. Những tin nhắn chúc thượng lộ bình an, may mắn, ngủ ngon, mạnh khỏe từ vợ và các con là niềm vui, hạnh phúc để anh luôn vững vàng tay lái, phục vụ đồng bào. Sau 3 tháng chung tay làm thiện nguyện, các anh trực tiếp vận chuyển được hơn 100 tấn lương thực, thực phẩm, vượt quãng đường hàng vạn km từ vùng xanh về tiếp tế cho quân dân vùng đỏ, góp phần nhỏ bé cùng cả nước từng bước ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Nhớ có lần, bà con ở vùng Quảng Trực, Tuy Đức, Đắk Nông chung tay gom được mấy tấn hàng, nhờ các anh hỗ trợ chuyển xuống Sài Gòn. Bốc hàng xong, thấy thùng xe còn rộng, anh bỏ tiền túi, nhờ bà con mua thêm 2 tấn gạo và một ít dầu ăn, mắm muối, cá khô chở về tâm dịch. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, những phần quà đơn sơ ấy thực sự rất giá trị, ý nghĩa đối với người dân trong các khu cách ly, phong tỏa.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Anh Quốc cho biết: “Đi đến đâu chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ, tạo điều kiện giúp đỡ rất nhiệt tình, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và Nhân dân các địa phương. Nhờ vậy công việc luôn suôn sẻ, thuận lợi. Đôi lúc, nhớ vợ thương con đến cồn cào nhưng thấy vẫn còn nhiều người đang cần mình, tôi lại động viên anh em cố gắng hơn. Những tin nhắn động viên, những lời cảm ơn chân thành của quân dân vùng xanh, vùng đỏ luôn là động lực để chúng tôi vững vàng tay lái trong suốt những ngày qua”.