Năm nay Ân hứa sẽ về nhà ăn tết. Mẹ cười bảo: “Để mẹ kể với mai. Để mai còn ủ nụ”. Như thể mai cũng thao thức nhiều đêm như mẹ. Cây mai này Ân mang về trồng trong vườn mẹ đã gần mười năm. Nó được ươm từ những hạt giống gửi ra từ miền Nam. Ân vẫn nhớ buổi sáng mùa xuân năm ấy, trời lất phất mưa bay. Bác bưu tá già ghé qua xóm trọ trao cho Ân hộp quà. Mở từng lớp giấy báo, ngỡ ngàng trước hạt hoa mai tứ quý đen láy như mắt người thương. Ngay cả khi đã ươm chúng xuống đất Ân vẫn như ngửi thấy cả mùi nắng ấm phương Nam đang muốn đơm chồi. Mười hạt giống chỉ mọc được một cây mai duy nhất. Ân mang về tặng mẹ. Cứ lo cây không hợp với vùng đất khô cằn sẽ còi cọc. Nhưng kỳ lạ thay cây cứ thế mà xanh, hoa cứ thế mà vàng tươi rực rỡ. Mẹ có mai làm bạn, thủ thỉ biết bao chuyện vui buồn. Những ngày sắp tết mẹ hay mang rổ gừng ra gốc mai ngồi cạo vỏ. Con vàng nằm bên cạnh vểnh tai nghe bà già kể chuyện. Nó không biết bà già đang nói với nó hay là lẩn thẩn nói một mình. Chuyện con gái bà cứ trời lạnh là hay bị ho, cổ họng sưng đỏ, có hôm gọi điện về giọng khản đặc nói không thành tiếng. Nên bà làm thật nhiều mứt gừng để trong lọ thủy tinh cho con ngậm mỗi ngày một miếng. Cạo xong gừng thì đến nạo dừa, thái bí đao, khứa từng quả táo. Con gái mẹ tính vẫn còn con nít, thích nhâm nhi quà vặt. Mứt mẹ làm đủ loại đâu chỉ để đãi khách khứa đến chơi. Mà còn để những buổi tối khi đã vãn khách hai mẹ con nằm trong chăn ấm vừa nhấm nháp mứt vừa hàn huyên đủ chuyện. Mẹ kể với mai “tết này có thêm cháu ngoại nhà còn vui hơn nữa”.
Từ lúc có con, Ân làm gì cũng thấy hình bóng mẹ. Trước kia Ân chỉ ham công việc mà chểnh mảng chuyện bếp núc. Nhưng giờ nấu một bữa ăn cũng nêm nếm bằng cả trái tim mình. Mẹ ngày xưa từng nghèo rất nghèo nhưng bếp mẹ luôn thơm mùi kẹo vừng, kẹo lạc, bánh đa sắn, chè lam… Trong chiếc làn nhựa đi chợ về luôn có gói kẹo bột, vài quả thị thơm len lỏi suốt tháng năm thơ ấu. Tết đến là lúc mẹ giấu nỗi lo toan trong mâm cơm có thịt, trong manh áo mới mấy chị em mặc chung, trong những bông hoa đẹp rực rỡ đến bơ vơ giữa căn nhà dột nát. Để tuổi thơ của các con được bằng chúng bạn và ánh mắt hồn nhiên không nhuốm muộn phiền. Ân từng cứ mong mình bé bỏng mãi thôi mà đâu biết tóc trên đầu mẹ không đợi được. Cái tết cuối cùng trước lúc Ân đi lấy chồng, mẹ ngồi dưới gốc mai gội đầu tất niên, tóc lẫn mây trời trắng xốp bay qua. Những bông mùi già vướng trên tóc mẹ như cũng biết ngậm ngùi. Trong miếng bánh chưng mới vớt chiều hai bảy tết Ân ăn thấy sạn kêu lạo xạo trong miệng. Bỗng nhói lòng thương mắt mẹ ngày càng mờ hơn, đãi gạo đã không còn nhìn thấy những viên sạn nhỏ. Ân bỗng tha thiết nhớ những buổi chiều cuối năm thơ ấu mẹ ngồi đầu hiên xâu kim khâu áo. Những bộ quần áo cũ được mẹ giặt sạch, vá víu khéo léo không để lộ đường chỉ. Mỗi mảnh vải chấp vá được mẹ cắt hình bông hoa hoặc chú chim ngộ nghĩnh để các con mặc chúng với niềm hân hoan. Giờ mẹ đã ngoài sáu mươi tuổi. Cây mai từng nhiều lần chứng kiến cảnh mẹ ngồi thở dài khi nheo mỏi mắt vẫn không xâu nổi kim để khâu những đường chỉ tuột.
Tết năm ngoái Ân về nhà chồng chỉ thích loanh quanh bên bếp lửa. Vì cứ nhóm lửa lên là Ân vơi đi đơn lạnh trong lòng. Mọi thứ đều có thể lạ xa riêng bếp lửa là dù ở nơi nào cũng mang lại cảm giác gần gụi và ấm cúng. Như thổi bùng lên ngọn lửa ký ức về những ngày tết ngồi trong bếp mẹ. Cùng nhau bóc hành làm dưa, mắt mẹ mắt con cay xè mà miệng cười không ngớt. Cùng nhau làm nem tai, gói giò, nấu thịt đông. Cùng nhau nấu những mâm cỗ cúng tổ tiên, đãi bạn hiền, tiếp khách phương xa. Ân thích cảm giác nếm những món ăn nóng hổi do mẹ nấu. Để hương vị tan trên đầu lưỡi. Để nghe mẹ mắng yêu, thấy mình như trẻ nhỏ. Vắng Ân, mẹ vẫn quanh quẩn trong căn bếp nhỏ đấy thôi. Những nàng dâu sẽ thay Ân nhóm bếp, nhặt rau, nêm nếm gia vị cho vừa. Nhưng chắc lúc nấu thịt bò sốt vang mẹ sẽ nhắc “nhỏ Ân thích nhất món này”. Lúc bố mổ gà cho vào nồi luộc mẹ khẽ thở dài “nhỏ Ân mà ở nhà sẽ mang rang sả ớt”. Lúc hầm bắp bò mẹ xuýt xoa “món này phải hầm với tiêu xanh thì nhỏ Ân mới thích”. Lúc mang nồi cá bống đi kho mẹ ước “giá mà có ít kiệu kho chung thì đúng ý nhỏ Ân. Người đâu mà khôn mồm thế…” Rồi lúc ngắm những nhành mai trơ trọi chắc thể nào mẹ cũng thầm gọi tên Ân.
Giao thừa đầu tiên ở nhà chồng Ân phải cố vui cười để nỗi nhớ nhung không bật thành tiếng khóc. Nhà chồng gần thành phố nên có thể nhìn thấy pháo hoa bắn lúc giao thừa. Mẹ gọi điện xuống đúng lúc những tia sáng cuối cùng trên bầu trời vụt tắt. Gió sông thổi ù ù bên tai, giọng mẹ nghe nghèn nghẹn nước mắt. Ân khoe “pháo hoa đẹp lắm mẹ ơi” mà chỉ thấy nước mắt trên má mình ấm nóng. Chồng uống rượu tất niên đã ngủ say. Mẹ chồng cúng giao thừa xong cũng vùi mình trong chăn ấm. Ân còn ngồi đó nhớ nhung những giao thừa sum vầy đầm ấm. Cùng chặt gà cúng, mở rượu ngon, nâng ly chúc mừng nhau. Những bao lì xì tươi rói được đút sẵn trong túi áo khoác như chỉ chờ giây phút được trao cho nhau. Nhìn mấy đứa nhỏ hồi hộp mở lì xì rồi reo vang ầm ĩ luôn khiến Ân thấy tết thật sự vừa mới bắt đầu. Dưới đường xe cộ ùn ùn kéo nhau ra đền thắp hương xin lộc. Mấy anh em Ân cũng rủ nhau đi hái lộc gần nhà. Cùng bước ra cổng rồi mỗi người mỗi hướng. Lộc lá xanh non mơn mởn. Lòng người cũng vì thế mà đâm chồi nảy lộc những ý nghĩ tươi xanh…
Năm nay Ân thu xếp công việc về nhà ăn tết sớm. Vừa về đến cổng đã thấy mai bung những cánh vàng tươi chào đón. Ân chạy lại hôn lên những cánh mai mừng vui như đứa trẻ gặp lại người bạn cũ. Đứa con gái mười tháng tuổi của Ân thích thú xòe những ngón tay bé bỏng bứt một bông mai để nghịch. Ngoài sân mẹt chuối mẹ phơi đã gần khô. Ân nhón một miếng để thấy vị nắng tỏa trên môi miệng. Em dâu đang dọn nhà, cuốn album ảnh gia đình được mở ra lau từng bức ảnh. Tấm ảnh duy nhất chụp vào ngày tết năm Ân mới sáu tuổi giờ đã ố vàng. Nhưng Ân coi nó như một thứ báu vật của ký ức. Bởi nhìn vào đó Ân thấy được hình ảnh của bố mẹ những năm còn trẻ. Tóc mẹ còn đen nhánh và nụ cười của bố tươi rói chứ không móm mém như bây giờ. Ân mặc chiếc áo len đỏ mẹ mới đan. Chân đi dép nhựa rách được mẹ hàn lại khéo léo bằng một miếng nhựa cùng màu. Em trai mặc chiếc quần xoăn tít như lò xo cầm bông hoa đồng tiền phụng phịu đứng bên cạnh. Ảnh chụp tại ngôi nhà cũ, tường thủng lỗ chỗ và toang hoang không cửa. Lấp ló đằng sau là cây đào bích đang nở rộ, những cánh hoa rụng đầy dưới gốc. Cây đào ấy đã chặt đi lúc san nền làm nhà mới. Nhưng mẹ đã kịp chiết cành nhân giống. Cứ cây này già cỗi hoặc bị sâu bọ chết đi là đã có nhánh cành khác ủ mùa xuân mới. Sau này mỗi lần xem lại ảnh mẹ đều ước giá như ngày ấy có tiền sẽ chụp thêm một vài kiểu nữa làm kỉ niệm.
Nghe tiếng Ân gọi mẹ chạy ra ôm cháu, nựng nịu bằng mắt môi hạnh phúc. Dưới bếp là nồi xương hầm măng vừa bắc xuống. Nồi cá kho đang sủi lục bục dậy lên mùi tương bần. Trên gác bếp treo tòn teng bánh chưng và những túm ngô đỏ rực. Ân ngồi bên ngọn lửa tưởng như có thể cảm nhận sự ấm giác bằng tất cả giác quan. Mẹ nói: “Các con về đông đủ thế này là tết đã thực sự bắt đầu”. Mẹ tất bật với dưa hành, kho quẹt, bánh trái và hoa lá trong vườn. Tiếng mẹ ru cháu à ơi lẫn trong tiếng đĩa nhạc hài chào xuân vừa mua của xe hàng rong chạy qua nhà. Chiều ba mươi tết sau khi cúng tất niên mẹ gọi cả nhà tập trung bên gốc mai để chụp một tấm ảnh có mặt cả gia đình. Đây là lần hiếm hoi đông đủ nên ai cũng rưng rưng. Mẹ bế cháu trên tay cười bên những bông mai vàng sắc nắng. Con gái Ân được đặt tên là Nhật Mai, tức là hoa mai nở ban ngày. Chồng Ân nói sẽ xin một cây mai tứ quý nhỏ để mang xuống thành phố trồng bên ngôi nhà vừa mới mua xong. Tuy không nói ra nhưng Ân biết chồng mình làm vậy để vợ lúc nào cũng thấy mẹ ngay ở bên cạnh đó thôi. Trong hình ảnh những bông mai rực rỡ…