(QK7 Online) - Bỏ lại một chân ở chiến trường, mang về hàng chục vết thương, không tiếc máu xương chiến đấu giành độc lập dân tộc, đến hôm nay những thương binh “tàn nhưng không phế” vẫn là người chiến sĩ kiên trung trên mặt trận xây dựng gia đình no ấm, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Thương binh Trần Đức Hòa cùng con trai út xem những tấm ảnh đồng đội của ông
Giữa cánh đồng lúa xanh mướt của làng quê ấp Nhựt Tân-xã Nhựt Ninh-huyện Tân Trụ-Long An, chúng tôi đến nhà thương binh ¾ Trần Đức Hòa vào một trưa hè tháng 7. Trong ngôi nhà ba gian rộng rãi, xung quanh nhiều hoa kiểng, ông mang cho chúng tôi xem những tấm ảnh đồng đội mà trong đó có cả người còn sống, người đã hi sinh, người lắm gian nan trong cuộc sống. Kỷ vật gắn với cuộc đời chinh chiến của ông là chiếc nón cối đã sờn nhưng ông luôn cất giữ cẩn thận. Dù tuổi đã cao cộng thêm nhiều vết thương trên người, tai không nghe rõ, trò chuyện với ông chúng tôi phải viết giấy nhưng ký ức của người lính đơn vị từng bảo vệ Thành ủy, bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt, về những trận đánh Cốc Rinh, Vườn Cau Đỏ, Sân bay Tân Sơn Nhất… vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của ông. Kỷ niệm sâu sắc về tình đồng chí đồng đội, của người chỉ huy đối với chiến sĩ là khoảng thời gian ông về nhận công tác tại đơn vị Sư đoàn 2-Trung đoàn 115, trên cương vị chỉ huy phó chính trị. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị có nhiệm vụ đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất. Cán bộ, chiến sĩ ngày đêm trầm mình dưới kinh, lội bưng biền hàng tháng ròng tập kết vũ khí chờ lệnh chiến đấu. Trong trận đó, gần 200 anh em đơn vị hi sinh, riêng ông bị thương nặng.
Mấy hôm nay ông vui đến mất ngủ khi đọc báo hay tin đội K70 của Quân khu 7 đã tìm kiếm, quy tập nhiều khu mộ liệt sĩ tập thể trên địa bàn sân bay Tân Sơn Nhất đưa về nghĩa trang Thành phố. Ông tin chắc rằng đồng đội của mình sẽ được qui tập về nghĩa trang trong thời gian sớm nhất.
Trải qua nhiều nhiệm vụ, nhiều cương vị, năm 1985 ông về hưu. Ông lao vào làm công tác xã hội ở địa phương, vận động bà con cùng chung tay làm các tuyến đường vào thôn xóm khang trang sạch đẹp, đi lại thuận tiện. Hàng năm, ông dành lương hưu tổ chức tết Trung thu, đỡ đầu các cháu học sinh nghèo trường Tiểu học Lũ Văn Khá, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn trên địa bàn và những đồng đội nghèo… Riêng 5 người con của ông đã lớn khôn, thành đạt và các cháu chăm ngoan, học giỏi. Ông bày tỏ: Chiến tranh vô cùng khốc liệt, tất cả sống chết trong gang tấc và hậu quả rất lớn. Chúng tôi là người lính đã sống, chiến đấu trong thời kì đó nên rất trân trọng cuộc sống hôm nay, quý giá trị của hòa bình. Bản thân tôi dù tuổi cao sức yếu nhưng tôi luôn đóng góp với khả năng của mình để xây dựng xóm làng, quê hương mình phát triển hơn và khuyên dạy con cháu sống tốt trong gia đình và xã hội.
Thương binh 2/4 Lê Văn Mai trao đổi cùng đoàn viên thanh niên địa phương việc hỗ trợ học sinh chuẩn bị mùa tựu trường
Cũng trên quê hương “đám lá tối trời” Nhựt Ninh, chúng tôi về thăm thương binh 2/4 Lê Văn Mai. Bỏ lại một chân trên chiến trường Campuchia vì thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao đẹp, trở về với một chân còn lại ông đã vượt qua vô vàn khó khăn vươn lên phát triển kinh tế gia đình, trở thành một trong những nông dân sản xuất giỏi của xã. Khi chúng tôi đến ông vừa đi chở ga giao cho khách hàng, không giấu được niềm vui ông chia sẻ: “Mấy hôm nay trời bão, chân bị đau nhức nhưng tôi ở không là không chịu được. Cô con gái lớn tôi vừa hoàn thành khóa huấn luyện tân binh hiện về nhận nhiệm vụ tại tòa án Quân sự Quân khu 7, tuần trước cháu được về thăm nhà. Cháu tiếp tục thực hiện con đường binh nghiệp của tôi, mừng lắm. Cuộc sống được bây giờ vợ chồng tôi phải trải qua rất nhiều gian nan, không ngoại trừ chuyện nợ nần. Nhưng là người lính Cụ Hồ tôi quyết tâm bỏ công, bỏ sức và quyết tâm phải vươn lên làm giàu ngay trên quê hương của mình. Riêng với đồng chí đồng đội, giúp đỡ những cựu chiến binh trong chi hội, đóng góp xây dựng quê hương gia đình tôi luôn sẵn sàng. Điều tôi trăn trở là làm sao đồng đội tôi ở Tiểu đoàn Vàm Cỏ tổ chức được buổi họp mặt để còn biết tin nhau, động viên, chia sẻ với nhau trong cuộc sống, nhất là với những đồng đội nghèo”.
Tìm hiểu chúng tôi được biết bên cạnh cùng gia đình kinh doanh đại lý thức ăn gia súc, ga ông còn nuôi heo, trồng thanh long và xen canh dừa với trồng ổi… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt ông luôn quan tâm công tác khuyến học ở địa phương. Hàng năm ông tự nguyện đóng góp quỹ mua đồ dùng học tập cho các cháu trường mầm non Nhựt Ninh, cùng với đoàn viên thanh niên của xã tặng quà cho các em học sinh nghèo học giỏi, các em thi đậu đại học…
Thương binh Nguyễn Văn Dữ dạy cháu ngoại làm toán
Để có được căn nhà khang trang, kinh tế ổn định, thương binh 2/4 Nguyễn Văn Dữ-ấp Nhựt Tân đã phải vượt qua chính mình, đi bằng một chân vượt lên nghèo khó làm giàu chính đáng. Bên hiên nhà, ông chậm rãi kể cho chúng tôi câu chuyện về ông: năm 1983 tôi nhập ngũ vào Quân đoàn 4 nhận nhiệm vụ sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế, đến năm 1986 bị thương trong trận đánh bỏ lại một chân trên mặt trận Battambang-Campuchia. Lúc đi bộ đội thì vợ ở nhà sinh con đầu lòng được 1 tháng tuổi, đi miết đến khi trở về thì con gái đã tròn 4 tuổi không cho cha ẵm vì lạ. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tôi được tặng nhà tình nghĩa cùng với tiền gia đình dành dụm cất căn nhà trị giá 300 triệu đồng. Ngoài làm bốn công ruộng, nuôi thêm vịt, gà… mỗi tháng bình quân tôi thu nhập khoảng 15 triệu đồng. Hàng tháng tôi đều đóng góp vào quỹ “nghĩa tình đồng đội” do chi hội cựu chiến binh ấp phát động, giúp đỡ bà con trong ấp về kỹ thuật nuôi vịt đẻ trứng mang lại hiệu quả cao... Việc gì người bình thường cố gắng một thì những thương binh chúng tôi phải cố gắng gấp hai gấp ba mới thực hiện được bởi cơ thể mình không còn nguyên vẹn...
Sự cần cù, ý thức vươn lên, không đòi hỏi, trông chờ vào Đảng, Nhà nước… những người thương binh ấy góp phần tỏa sáng phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, gieo vào xã hội những mầm xanh tươi đẹp.
Thùy Trang