Ảnh minh hoạ
Ông Vương Duy Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, thời gian qua, các cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội, Luật Nhà ở và Nghị định hướng dẫn quy định cụ thể bố trí quỹ đất, thủ tục đầu tư hoạt động tính toán giá, lựa chọn đối tượng, trong việc mua bán… đều được sửa đổi, tháo gỡ nhiều.
Khi luật được ban hành, Bộ Xây dựng, Cục Quản lý Nhà có nhiều thông tin trao đổi, chia sẻ với báo chí. Cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội tháo gỡ hết vướng mắc trước đây. Hiện tại, nội dung quy định mới, các Nghị định hướng dẫn, được Bộ Xây dựng triển khai, hướng dẫn.
Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản đã có cải thiện. Theo thống kê 2024 của Bộ Xây dựng có tổng hợp, báo cáo về tình hình bất động sản, nguồn cung tăng dần, từ đầu năm 2024 đến quý sau cao hơn quý trước.
“Cơ chế chính sách được sửa đổi ban hành đã tác động trực tiếp, gián tiếp đến tâm lý nhà đầu tư, họ thấy chính sách rõ ràng, minh bạch, không chờ đợi, đưa vào thị trường”, ông Dũng nói.
Cũng theo vị này, Chính phủ, bộ ngành đang rất quyết liệt thực hiện các đề án 1,2 triệu nhà ở xã hội.
Để triển khai, Bộ Xây dựng cũng thực hiện chỉ tiêu nhà ở xã hội ở từng địa phương, cụ thể hàng năm. Đó là một trong những cơ sở để giúp nhà ở xã hội được triển khai tích cực hơn để gói 145.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội được giải ngân tốt hơn trong thời gian tới.
Về vấn đề nên chăng nhà nước đầu tư hay doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, ông Dũng cho rằng cần huy động mọi nguồn lực kể cả Nhà nước lẫn xã hội, kể cả phân khúc nhà ở giá rẻ, cao cấp. “Chúng ta thấy rằng nhu cầu nhà ở cho người dân phù hợp còn rất lớn, do đó rất cần thiết có thêm nhiều nguồn lực, cần có sự hỗ trợ cơ chế, chính sách, vốn”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng chủ trương để doanh nghiệp làm nhà ở xã hội là rất đúng.
Thực tế, Nhà nước đã hỗ trợ thông qua miễn giảm thuế đất đối với nhà ở xã hội và có chính sách để cho vay với lãi suất thấp. Đặc biệt, với người mua nhà ở xã hội được thông qua các chính sách nhà ở xã hội. Như vậy, là nguồn lực Nhà nước đã hỗ trợ rất nhiều, chứ không nhất thiết cần phải Nhà nước lập doanh nghiệp mới để thực hiện dự án nhà ở xã hội.
“Tôi cho rằng, kỳ vọng trong tương lai và chắc chắn sẽ làm được hàng triệu căn nhà ở xã hội, khi Chính phủ giao chỉ tiêu và đốc thúc theo dõi chỉ đạo các địa phương triển khai sẽ thực hiện được.
Tiếp đó, Ngân hàng cũng đã sẵn sàng dành nhiều nguồn lực có các gói mức vay ưu đãi lãi suất thấp để thực hiện dự án. Nếu có gói vay này, khi hoàn thiện thủ tục rồi, kỳ vọng có thể triển khai đầu tư nhà ở xã hội rất nhanh. Kỳ vọng thời gian tới nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp sẽ tiếp cận được, đảm bảo đến năm 2030 có đủ 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội”, ông Hùng nói.
Tâm An