Trên hầu hết những nẻo đường của đất nước in dấu chân ông. Đặc biệt là những nơi có chiến sự ác liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông là người tổ chức và chỉ đạo các lực lượng quân y tham gia phục vụ trong tất cả các chiến dịch lớn của quân đội, và cũng là người góp phần không nhỏ vào sự trưởng thành của ngành dân y. Ông là Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn, nguyên Cục trưởng Cục Quân y đầu tiên, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.
Xây dựng ngành quân y từ con số 0
Bác sĩ Vũ Văn Cẩn sinh ngày 15-10-1915 trong một gia đình nhà nho hiếu học tại Bạch Sam, Yên Mỹ, Hưng Yên. Từ nhỏ ông là một học sinh rất chuyên cần, học giỏi và có chí tiến thủ. Năm 1936, Vũ Văn Cẩn vào học tại Trường đại học Y Dược khoa Hà Nội, tốt nghiệp bác sĩ chuyên khoa về mắt năm 1943.
Là một trí thức đào tạo dưới chế độ thực dân Pháp, ông bước vào cuộc cách mạng từ phong trào của lớp trí thức da diết tìm đường đấu tranh cho độc lập dân tộc với những hoạt động rất sôi nổi trong Tổng hội sinh viên yêu nước. Ông tham gia viết bài cho tờ báo “Tiếng gọi sinh viên”, đặc trách mục “Truyền bá vệ sinh và tân y dược học” của Tạp chí Thanh Nghị- tờ báo có tiếng của giới tri thức Việt Nam lúc ấy. Ông cũng có những đóng góp hết sức tích cực trong việc vận động sinh viên, học sinh tham gia vào phong trào truyền bá Quốc ngữ, tuyên truyền nếp sống vệ sinh trong các tầng lớp nhân dân lao động... Cho đến cuối năm 1944, thực dân Pháp trưng tập ông cùng một số bác sĩ khác vào quân đội của chúng, nhưng chỉ 3 tháng thì xảy ra cuộc đảo chính Nhật – Pháp, chúng buộc ông chạy sang Trung Quốc. Ông may mắn trốn được về Hà Nội, tiếp tục hoạt động trong Tổng hội sinh viên. Do chống đối thuyết Đại Đông Á của Nhật, ông bị chúng bắt giam tại hầm nhà dầu Shell, phố Gambetta (nay là phố Trần Hưng Đạo, TP Hà Nội).
Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn giới thiệu với Bác Hồ về những sáng kiến của ngành quân y tại triển lãm quân y năm 1956 . Ảnh tư liệu
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bác sĩ Vũ Văn Cẩn gia nhập quân đội, được cử làm Giám đốc Ban y tế giải phóng quân, rồi Giám đốc Ban y tế Vệ quốc đoàn toàn quốc. Ngày 25-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 35/SL bổ nhiệm ông làm Cục trưởng Cục Quân y đầu tiên. Nhận nhiệm vụ xây dựng ngành quân y từ con số không, mọi thứ đều thiếu thốn, ông đã từng bước thực hiện chủ trương xây dựng một ngành quân y chính quy và hiện đại, với nhiệm vụ cơ bản là bảo vệ sức khỏe cho quân đội, cứu chữa, điều trị cho thương binh, bệnh binh (TBBB) với 5 phương châm sáng tạo để chỉ đạo có hiệu quả mọi hoạt động của ngành trong suốt hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng hòa bình. Ông đã lấy dụng cụ, thuốc men từ phòng mạch cũ của mình và từ bệnh viện Đồn Thủy (lúc đó do quân Tàu Tưởng quản lý; cùng với quyên góp, đi vay nóng tại các hiệu buôn bán lớn ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang... lấy kinh phí để phục vụ kháng chiến.
Đặc biệt khoảng giữa năm 1946, ngành quân y rất thiếu thuốc và các phương tiện để cứu chữa TBBB, buộc phải cử người đi Hồng Kông tìm mua. Nhưng Nhà nước không có tiền, Cục trưởng Vũ Văn Cẩn sau nhiều ngày “xoay sở” ở nhiều nơi nhưng vẫn không đủ, ông liền “huy động” vốn nhà. Vợ ông, bà Từ Thị Giốc đã trao toàn bộ tài sản giá trị trong nhà là số tư trang bằng vàng, kể cả nhẫn cưới của hai ông bà đựng trong một túi vải nhỏ đưa cho ông để có kinh phí đi mua thuốc và thiết bị y tế kịp phục vụ cho cuộc kháng chiến nổ ra hơn nửa tháng sau đó.
Cho đến năm 1954, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của đồng chí Vũ Văn Cẩn, Cục Quân y đã phát triển từ không đến có, liên tục trưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy, chỉ đạo tổ chức bảo đảm quân y cho chiến đấu. Hệ thống lý luận về y học quân sự đã được hình thành, từ bảo đảm quân y cho đánh tiêu diệt một cứ điểm độc lập có trên dưới một tiểu đoàn địch, đến bảo đảm thắng lợi quân y cho một chiến dịch tiến công trận địa, hiệp đồng binh chủng, tiêu diệt cả một tập đoàn cứ điểm mạnh, phức tạp, kiên cố của địch...
Đồng chí Vũ Văn Cẩn (đầu tiên, bên trái) trong một lần tháp tùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng đi thăm, kiểm tra các bệnh viện quân y. Ảnh tư liệu
Người Cục trưởng tận tụy
Hơn 30 năm đứng đầu ngành quân y rồi sau đó là Bộ Y tế, bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã có những đóng góp rất lớn trong việc hoàn thiện cả về kỹ thuật, chất lượng và hiệu quả của công tác chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân. Cùng các đồng sự, Cục trưởng Vũ Văn Cẩn cần mẫn làm việc, hoàn thành mọi nhiệm vụ căn bản của ngành theo từng thời kỳ.
Trong rất nhiều đóng góp của bác sĩ Vũ Văn Cẩn cho ngành quân y có thể kể đến quyết định kịp thời của ông của sau “Sự cố Dốc Bùa” xảy ra hồi trung tuần tháng 1-1951 trong chiến dịch Trần Hưng Đạo khi lần đầu tiên quân y phải đương đầu với thách thức mới: Cứu chữa thương binh trong vận động chiến đấu. Do các đội điều trị mới được thành lập nên chưa cơ động nhanh, triển khai chậm dẫn đến tình trạng ùn tắc rất đông thương binh. Khi các phẫu thuật viên nhận bệnh nhân thì đã quá muộn. Sau sự việc, Cục trưởng Vũ Văn Cẩn liền trực tiếp xuống các đội điều trị, phân tích sâu sắc những thiếu sót trong các khâu, sau đó ngay lập tức chỉ đạo mở đợt tập huấn ngắn ngày về tổ chức chiến thuật quân y cho cán bộ chỉ huy quân y đơn vị và diễn tập tổ chức bậc thang điều trị ở các sư đoàn chủ lực, bao gồm: Sơ cứu tại đại đội, bổ sung cấp cứu tại tiểu đoàn, phẫu thuật khẩn cấp tại quân y trung đoàn và phẫu thuật cơ bản tại đội điều trị sư đoàn. Ở các chiến dịch tiếp theo, công tác tải thương và cấp cứu điều trị thương binh dần tiến bộ, lần đầu mô hình bậc thang điều trị được hình thành ở cấp sư đoàn.
Cục trưởng Cục Quân y Vũ Văn Cẩn. Ảnh tư liệu
Trên cơ sở mô hình này, từ đó về sau, Cục Quân y luôn bố trí sẵn sàng một mạng lưới quân y hoàn chỉnh bao gồm các đội vệ sinh phòng dịch, nhiều kho dã chiến tiếp tế thuốc và hệ thống tổ chức bậc thang điều trị thương binh, bệnh binh theo các hướng tác chiến của bộ đội. Nhờ đó giảm thiểu tỷ lệ tử thương vong của TBBB.
Với quan điểm “người chiến sĩ quân y trước hết phải là người kiên định, có đạo đức phẩm chất và tình thương của người thầy thuốc với các đối tượng phục vụ là chiến sĩ, thương binh, bệnh binh và người lao động. Mỗi cán bộ phải phấn đấu không ngừng để trở thành người thầy thuốc giỏi, đồng thời phải “như người mẹ hiền” theo lời dạy của Bác Hồ...”, Cục trưởng Vũ Văn Cẩn đã tổ chức và đào tạo nên một đội ngũ cán bộ quân y với đủ các chức danh, có lệnh là đi. Trong 10 năm (từ 1954-1964), dưới sự lãnh đạo của Bộ Quốc phòng và sự chỉ đạo sâu sát của Cục trưởng Vũ Văn Cẩn, ngành quân y đã đào tạo được khoảng 70 bác sĩ chuyên ngành sau đại học, 10 chuyên ngành sâu như: Chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật răng, lồng ngực, bỏng chiến tranh... Điều này đã làm cho tổ chức quân y thêm vững mạnh để bước vào thử thách lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những thầy thuốc khoác áo lính có mặt trên tất cả các chiến trường, đóng góp công sức không nhỏ vào chiến thắng của dân tộc trước hai đế quốc lớn cũng như công cuộc xây dựng đất nước sau này.
Để bảo đảm sức khỏe bộ đội, Cục quân y dưới sự chỉ đạo của cục trưởng Vũ Văn Cẩn đã chỉ huy, chỉ đạo hệ thống vệ sinh phòng dịch chủ động triển khai công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, chủ yếu là: Phòng chống sốt rét, phòng chống các dịch bệnh đường tiêu hóa, dịch bệnh đường hô hấp, các bệnh lây truyền đường da niêm mạc, các dịch do thiếu vitamin B. Đây là công tác trung tâm xuyên suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ. Cục đã chỉ đạo quân y các cấp cố gắng vượt bậc, vừa nghiên cứu khoa học, vừa vệ sinh môi trường, sử dụng thuốc dự phòng và điều trị hiệu quả, từng bước đẩy lùi bệnh sốt rét, sốt rét ác tính ở hậu phương và các chiến trường.
Trong kháng chiến chống Mỹ, quân đội ta phải đương đầu với kẻ địch có tiềm lực mạnh về kinh tế, quân sự, trình độ kỹ thuật hiện đại; lại phải hoạt động trong điều kiện hết sức khó khăn ở chiến trường miền núi, trong môi trường có nhiều ổ bệnh thiên nhiên, chủ yếu là sốt rét. Cục Quân y đã chỉ huy, chỉ đạo toàn ngành phấn đấu đẩy mạnh công tác nghiên cứu và phát triển kỹ thuật, bảo đảm cấp cứu điều trị một số lượng rất lớn TBBB, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ sức khỏe cho bộ đội chiến đấu trên các chiến trường; đồng thời đã đưa trình độ khoa học kỹ thuật của Ngành Quân y phát triển lên một bước mới tương đối toàn diện, một số chuyên ngành đạt trình độ cao ngay trong chiến tranh.
Hết lòng với công tác y tế nước nhà
Năm 1960, đồng chí Vũ Văn Cẩn được bổ nhiệm kiêm giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế. Bên cạnh công tác quản lý, đồng chí vẫn không ngừng nghiên cứu, tiếp thu những tinh hoa của nền y học Xô viết, những thành công trong quân y bảo đảm chiến đấu của Giải phóng quân Trung Quốc và qua nhiều lần rút kinh nghiệm tại các chiến dịch, các chiến trường, ông đã ứng dụng sáng tạo, bảo đảm quân y theo cách đánh của Quân đội nhân dân Việt Nam, đã kiến tạo được bậc thang điều trị có quy tắc, bảo đảm quân y theo khu vực, kết hợp công tác quân y với dân y. Trên cương vị Tư lệnh ngành Quân y, kiêm Thứ trưởng Bộ Y tế (1960); Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (1965), bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã tham mưu cho Bộ Quốc phòng và Tổng cục Hậu cần xây dựng được một hệ thống tổ chức quân y hoàn chỉnh từ cấp chiến lược đến cấp chiến thuật; bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ ngành phát triển toàn diện, đáp ứng được yêu cầu của chiến trường, cụ thể là: Điều hành toàn ngành hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu chữa, vận chuyển TBBB ở các chiến trường miền Nam, chiến trường C, K và ở miền Bắc; xây dựng hệ thống y học dự phòng đủ mạnh về mọi mặt đảm bảo sức khỏe bộ đội ngày một nâng cao và vững chắc; các loại dịch bệnh sốt rét, sốt rét ác tính, bệnh đường tiêu hóa, đường hô hấp… được khống chế và đẩy lùi. Tỷ lệ quân số khỏe ở cả hai miền được giữ vững. Công tác huấn luyện và nghiên cứu, nhất là lĩnh vực y học quân sự có nhiều thành tích nổi bật với hơn 2.000 đề tài được công bố, trong đó có 10 công trình được thưởng huân chương; đặc biệt, có 2 công trình sau này được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và 4 công trình được tặng giải thưởng Nhà nước.
Năm 1971, ông nhận chức Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế. Cả nước phải ứng phó với trận lũ lụt lớn cuối hè năm 1971, tàn phá nặng nề đồng bằng, một phần trung du miền núi phía Bắc. Tình hình y tế nông thôn hết sức khó khăn, phần lớn các công trình vệ sinh, các trạm y tế xã, nhiều bệnh viện và hiệu thuốc huyện bị hủy hoại, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh đe dọa khắp nơi. Ông đã khẩn trương huy động lực lượng toàn ngành đi đến các vùng lũ. Bản thân ông là quyền Bộ trường đã đến những nơi bị nặng nhất, ăn ở tại xã, đến từng thôn, từng nhà, kiểm tra, giúp đỡ khắc phục hậu quả. Ông đã động viên tinh thần tự lực cánh sinh, vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng ngành tham gia phục hồi công tác y tế nông thôn. Ông đã chủ trương phát động và xây dựng bồi dưỡng điểm, nhân điểm, nhanh chóng đưa y tế nông thôn và tuyến huyện đi vào hoạt động.
Đầu tháng 5-1975, ngay sau khi miền Nam được giải phóng, ông đã động viên tinh thần chiến thắng của cán bộ, nhân viên kháng chiến, giáo dục, ổn định tư tưởng cho đại bộ phận cán bộ y dược mới được giải phóng an tâm làm việc, tổ chức lại các cơ sở y tế quan trọng ở các tỉnh, thành phố, bố trí hợp lý cán bộ chủ chốt, đoàn kết được nội bộ, đưa hoạt động y tế mau chóng đi vào ổn định. Ông đã kết hợp đi đôi củng cố và nâng cao trình độ các viện, các chuyên khoa đầu ngành, công tác dược vật tư, trang thiết bị, ông vẫn tiếp tục chỉ đạo phong trào y tế xã, huyện, đặc biệt ở miền Nam.
Trên cương vị quyền Bộ trưởng (1971), Bộ trưởng Bộ Y tế từ năm 1975-1982, ông đã đề ra nhiều biện pháp tích cực kết hợp chặt chẽ công tác chuyên môn, phát triển khoa học kỹ thuật với phong trào quần chúng; phát động và đẩy mạnh phong trào 5 dứt điểm về công tác y tế; xây dựng y tế xã, huyện phục vụ sản xuất nông nghiệp; chú trọng chỉ đạo xây dựng y tế miền Nam sau ngày giải phóng; xây dựng y tế phổ cập gắn liền với việc từng bước phát triển y tế chuyên sâu. Các cán bộ cùng thời đều có chung đánh giá, ông là một cán bộ lãnh đạo luôn sâu sát cơ sở, kịp thời giải quyết những khó khăn do thực tiễn đặt ra. Và những vấn đề ông đề ra và giải quyết đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay...
Với chủ trương nhất quán là xây dựng từng bước ngành quân y chính quy và hiện đại, ngay từ những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã góp phần không nhỏ vào việc đào tạo đội ngũ cán bộ quân y. Ông là người lãnh đạo táo bạo, khơi nguồn cán bộ, mạnh dạn giao việc, có sự hướng dẫn, bồi dưỡng, đào tạo bằng vừa làm, vừa học. Đặc biệt, ông rất quan tâm chăm sóc mối cân bằng Y – Dược và việc xây dựng nền y học cổ truyền của dân tộc. Ông là người được Trung ương Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ phụ trách Hội đồng sức khỏe, chăm sóc và cứu chữa bệnh tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những cống hiến đặc biệt xuất sắc của đồng chí Vũ Văn Cẩn - Cục trưởng Cục Quân y đầu tiên của Ngành Quân y Quân đội nhân dân Việt Nam đã được ghi nhận bằng quyết định số 2689 truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân ngày 21-10- 2014 do Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký
TUẤN TÚ
Nguồn: qdnd.vn