Tiếp tục kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, chiều 28/11, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc thừa ủy quyền Thủ tướng trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).
Thực tế, chính sách giảm 2% thuế VAT với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10% đang áp dụng tới cuối năm nay. Tuy nhiên, Chính phủ đề nghị kéo dài đến hết tháng 6/2025 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Những lĩnh vực tiếp tục không được giảm thuế này gồm bất động sản, chứng khoán, dịch vụ ngân hàng, viễn thông, công nghệ thông tin, than cốc, sản phẩm hóa chất, hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời gian áp dụng tới cuối năm nay.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc. Ảnh: Quốc hội
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết ước tính số giảm thu ngân sách Nhà nước trong 6 tháng đầu năm 2025 khoảng 26.100 tỷ đồng; tương ứng mỗi tháng ngân sách giảm khoảng 4.350 tỷ đồng. Trong đó khâu nội địa là 2.850 tỷ và nhập khẩu 1.500 tỷ.
Thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cho biết một số ý kiến không đồng tình việc kéo dài chính sách này, bởi đã thực hiện từ 2022. Trong khi giảm thuế VAT chỉ nên được coi là giải pháp tình thế trong thời gian nhất định để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Khi dịch Covid-19 kết thúc, các ưu đãi về thuế cần được xem xét thu hẹp.
Tuy vậy, đa số ý kiến trong cơ quan thẩm tra nhất trí tiếp tục giảm 2% thuế VAT tới giữa năm 2025, nhưng đề nghị Chính phủ đảm bảo thời gian chấm dứt và không tiếp tục đề nghị kéo dài thêm chính sách này.
Ủy ban Tài chính ngân sách cũng đề nghị đưa nội dung này vào nghị quyết của kỳ họp, thay vì tách riêng như kiến nghị của Chính phủ.
Tại Phiên họp, các đại biểu quốc hội đồng thuận với Tờ trình của Chính phủ đề xuất về tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT nhằm góp phần giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn sau đại dịch Covid-19 để ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, kích cầu tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo các đại biểu, bên cạnh việc giảm thuế thì cần có sự đánh giá tác động đối với chính sách cũng như các giải pháp bền vững khác.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng bày tỏ sự băn khoăn việc giảm 2% thuế VAT sẽ tác động đến ngân sách Nhà nước. Việc giảm thuế VAT trong 6 tháng đầu năm 2025 dự kiến làm giảm thu ngân sách khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng trong ngắn hạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là đối với ngân sách địa phương.
Theo ông Đồng, mặc dù giảm thuế giá trị gia tăng là giải pháp ngắn hạn, hiệu quả nhưng cần có các giải pháp đồng bộ, dài hạn nhằm cải thiện năng lực sản xuất trong nước, nâng cao chất lượng hàng hóa và đặc biệt là tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
“Song song với việc giảm thuế, cần tối ưu hóa nguồn thu ngân sách và Chính phủ cũng cần xây dựng và triển khai các biện pháp nhằm tăng cường thu ngân sách từ các nguồn thu khác ngoài thuế GTGT để bù đắp phần hụt thu này. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, giám sát thuế; phối hợp liên ngành, cơ quan thuế, hải quan và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm sát các hành vi trốn thuế, hành vi chuyển giá, đặc biệt là từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, ông Đồng kiến nghị.
Giải trình, làm rõ những ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế VAT tác động đối với doanh nghiệp đã góp phần tăng trưởng GDP nhưng vẫn đóng góp vào thu thuế của Nhà nước. Điều này cho thấy, chính sách của Chính phủ ban hành đã có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế và là sự động viên lớn để doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhằm tiếp tục ổn định và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, việc giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp không nên chỉ về giảm thuế VAT, mà còn cần giải quyết các vướng mắc vấn đề về thủ tục cấp phép hoạt động, thủ tục về đầu tư, đất đai, hỗ trợ tín dụng, nguồn nhân lực, công nghệ
Phương Vy