Tải đạn trong Chiến dịch Mậu Thân 1968.
Trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của các LLVT nhân dân Sài Gòn - Gia Định thì đây là thời điểm thử thách cao nhất; cũng là thời cơ mà LLVT Sài Gòn - Gia Định thể hiện sức mạnh, ý chí và sức sống mãnh liệt của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của Đảng bộ, quân và dân thành phố Sài Gòn - Gia Định.
Trước hết, về nghệ thuật tổ chức chiến trường, xây dựng lực lượng và chuẩn bị đón thời cơ chiến lược. Sau khi quân và dân miền Nam đánh bại chiến dịch phản công mùa khô của Mỹ (1966-1967) làm phá sản chiến lược 2 gọng kìm: “tìm diệt” và “bình định” của chúng, tình thế mở ra triển vọng to lớn, đánh bại một bước rất cơ bản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Tháng 1-1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 thông qua Nghị quyết Hội nghị Bộ Chính trị tháng 12-1967 về: “Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng lên một bước phát triển cao hơn bằng phương pháp tổng công kích, tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”. Quán triệt và thực hiện ý định, phương hướng chiến lược của Bộ Chính trị, ngay từ tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam và Bộ chỉ huy Miền chỉ đạo quân và dân trên các chiến trường, đặc biệt là mặt trận Sài Gòn - Gia Định ra sức chuẩn bị mọi mặt cho “Tết Mậu Thân” 1968. Cuối tháng 10-1967, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định tổ chức hội nghị mở rộng để tiếp thu Nghị quyết của Bộ Chính trị và Trung ương Cục, đề ra kế hoạch, mục tiêu tổng tiến công và nổi dậy. Trước mắt là phải khẩn trương xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, tổ chức lại chiến trường, thực hiện 2 nhiệm vụ lớn. Đánh chiếm các căn cứ đầu não của địch tại Sài Gòn - Gia Định. Phát động quần chúng nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền; cùng với lực lượng của phân khu và của Miền tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.
Mặc dù bị thất bại trong 2 cuộc phản công chiến lược mùa khô, Mỹ vẫn tiếp tục tăng quân, chuẩn bị mở cuộc phản công mùa khô lần thứ 3 (1967-1968). Nhưng lần này vừa mới ra quân, chúng đã phải đối phó với các chiến dịch lớn của ta. Đến cuối tháng 1-1968, phát hiện quân chủ lực của ta ở vùng trung tuyến, Mỹ vội vã hủy bỏ cuộc hành quân “Hòn đá vàng” ở Tây Ninh, chuyển về phòng ngự xung quanh Sài Gòn. Trước tình hình còn nhiều khó khăn và nhiệm vụ được giao hết sức nặng nề, các đơn vị vũ trang thành phố vẫn tràn đầy khí thế, quyết tâm coi đây là niềm vinh dự, tự hào được trực tiếp chiến đấu giải phóng Sài Gòn, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước nên sẵn sàng xả thân hy sinh vì thắng lợi cao nhất của cách mạng. Ba thứ quân của thành phố phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bạn và lực lượng nổi dậy từ ngoại thành đến nội đô, đều ở tư thế sẵn sàng tiến công vào hang ổ của kẻ thù.
Hai là, nghệ thuật tạo bất ngờ về thời cơ, sử dụng lực lượng tiến hành tổng tiến công và nổi dậy. Cùng với các lực lượng bộ đội chủ lực (Quân Giải phóng miền Nam) các LLVT địa phương Sài Gòn - Gia Định chọn thời khắc đêm giao thừa tết Mậu Thân 1968 đồng loạt nổ súng mở màn tổng tiến công là nét đặc sắc của nghệ thuật tạo bất ngờ; bởi đây là lúc địch sơ hở và chủ quan nhất. Cân nhắc, nghiên cứu và tính toán rất kỹ, cụ thể từng chi tiết, ta đã chủ động chọn và sử dụng các đơn vị mũi nhọn và biệt động của ta từ 2 đến 3 giờ sáng đồng loạt nổ súng tiến công nhiều mục tiêu ở nội, ngoại thành Sài Gòn - Gia Định.
Thứ ba, nghệ thuật tạo bất ngờ về hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu. Vào thời điểm trước cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, địch còn rất mạnh cả về thế và lực, nên chúng ta không thể sử dụng toàn bộ lực lượng chủ lực để đánh vào các thành phố lớn. Do vậy, chủ trương của Đảng ta là căng, kéo, lừa địch trải lực lượng ra khắp chiến trường miền Nam, nhất là đến địa bàn có lợi để dùng những quả đấm mạnh đánh những đòn bất ngờ tiêu diệt lớn, bẻ gãy các cuộc hành quân “tìm diệt” của chúng. Trong khi đó, về phía địch, giới chức chỉ huy quân sự Mỹ và Sài Gòn cho rằng bộ đội chủ lực ta có rất ít kinh nghiệm tác chiến trong thành phố, lực chưa đủ mạnh để tiến công vào các cơ quan đầu não của chúng; bởi, đây là những mục tiêu được canh phòng cẩn mật, với hệ thống thiết bị cảnh giới tinh vi, hỏa lực mạnh và dày đặc nhiều tầng, nhiều lớp. Từ đánh giá sai về ta, lại “tuyệt đối hóa” sức mạnh của vũ khí, trang bị, nên từ chỉ huy đến binh sĩ của quân đội Mỹ cũng như quân đội ngụy chủ quan, mất cảnh giác. Do vậy, ta chọn đô thị Sài Gòn - Gia Định là hướng tiến công chủ yếu đánh vào điểm yết hầu, hiểm yếu của địch.
Bốn là, nghệ thuật tạo bất ngờ ở thời điểm tiến công. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương quyết định chọn thời điểm giao thừa là “giờ G” làm hiệu lệnh nổ súng mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Để bảo đảm bí mật, bất ngờ tuyệt đối, hiệu lệnh khởi phát cuộc tổng tiến công của ta được ấn định vào thời điểm giao thừa, lúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc thơ chúc mừng năm mới trên Đài tiếng nói Việt Nam, một phương tiện thông tin đại chúng, có độ lan tỏa rộng, nhanh và ít bị địch chế áp, theo dõi. Vì thế, lời chúc tết Mậu Thân của Bác trở thành một sự kiện gây bất ngờ đối với quân thù. Như vậy, hiệu lệnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân cũng thực sự là một hiện tượng thật đặc sắc, góp thêm một bất ngờ nữa đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn.
Hơn 50 năm trôi qua, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, là bài học lịch sử của một quá trình đánh giá đúng tình hình, có tầm nhìn chiến lược, kiên định mục tiêu cơ bản và lâu dài của dân tộc, của cách mạng mới có thể phân tích đúng tình hình, tạo ra thời cơ và nắm bắt thời cơ, tổ chức sử dụng LLVT nhân dân cùng bộ đội chủ lực bí mật bất ngờ tổng công kích, tổng tiến công đồng loạt giành thắng lợi, tạo bước ngoặt quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa xuân 1975.