Thực hiện Nghị định 165 ngày 22/12/2003 của Chính phủ và các thông tư, hướng dẫn về biệt phái sĩ quan, Bộ Tư lệnh Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ sở giáo dục đào tạo định hướng và thống nhất việc quản lý, bố trí, sử dụng SQBP. Quân khu hiện biệt phái hơn 50 sĩ quan tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng – an ninh Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Sư phạm TPHCM, Đại học Y Dược TPHCM, Đại học Đà Lạt, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Long An.
Đội ngũ SQBP thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực toàn diện, có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sư phạm, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho học sinh, sinh viên. 100% SQBP có trình độ đại học trở lên, trong đó 28,8% trình độ sau đại học.
Đồng chí Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo TPHCM cho biết: Các SQBP về công tác tại sở phát huy tốt kiến thức, kĩ năng, kịp thời tham mưu những chủ trương, giải pháp thiết thực hiệu quả để nâng cao chất lượng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh tại hơn 200 trường THPT trên địa bàn. SQBP thực sự là cầu nối giữa Sở Giáo dục Đào tạo với Bộ Tư lệnh Thành phố và cơ quan quân sự các địa phương.
Để thực hiện tốt công tác giáo dục quốc phòng, an ninh đặt ra yêu cầu ngày càng cao trong xây dựng đội ngũ SQBP. Đại tá Phạm Phú Ý, Phó Tham mưu trưởng Quân khu cho biết: Đến nay, chỉ mới 4/9 tỉnh, thành phố trên địa bàn Quân khu có SQBP tại ngành giáo dục. Do đó, cần nghiên cứu bố trí đủ SQBP tại tất cả sở giáo dục và đào tạo cấp tỉnh để thực hiện tốt công tác tham mưu quản lý, triển khai giảng dạy môn học giáo dục quốc phòng, an ninh. Các địa phương cần quan tâm phối hợp đào tạo văn bằng 2 cho giáo viên đảm nhiệm bộ môn giáo dục quốc phòng, an ninh ở các trường THPT; đầu tư kinh phí trang bị đầy đủ giáo án, mô hình học cụ để tăng tính trực quan sinh động cho môn học.
Theo Tiến sĩ Đỗ Đại Thắng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh, Đại học Quốc gia TPHCM, để nâng cao chất lượng biệt phái sĩ quan, đáp ứng yêu cầu giáo dục đào tạo trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, Quân khu cần quan tâm nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật thông tin thời sự cho SQBP; mạnh dạn bố trí sĩ quan trẻ làm công tác biệt phái để tạo nguồn cán bộ chỉ huy, quản lý, đồng thời kéo dài thời gian biệt phái từ 5 đến 10 năm với những cán bộ chuyên môn tốt để phát huy kiến thức, kinh nghiệm.