(QK7 Online) - Đó là những câu hát trong nhạc phẩm “Một mùa xuân nho nhỏ” của nhạc sỹ Trần Hoàn, phổ thơ của nhà thơ Thanh Hải, một bài hát mà mỗi khi Tết đến, Xuân về luôn vang vọng và làm xao xuyến bao thế hệ người dân Việt Nam từ khi ra đời đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20 đến nay.
Chiến sĩ với mùa xuân.
Nhà thơ Thanh Hải, một người con xứ Huế viết mùa xuân về Huế nhưng toàn cảnh bài thơ ta lại cảm nhận thấy, đây là mùa xuân của đất nước, mùa xuân của dân tộc Việt Nam ta với dòng sông, bông hoa, con chim, người chiến sỹ cầm súng bảo vệ quê hương, người nông dân ra đồng xây dựng đất nước… mãi đến những câu cuối bài, ta mới cảm nhận rõ ràng nét rất Huế trong thơ ông với những câu hát của khúc Nam ai, Nam bằng xứ Huế: “Mùa xuân tôi xin hát, khúc Nam ai Nam bằng, nước non ngàn dặm tình, nước non ngàn dặm mình, đất Huế nhịp phách tiền”.
Những ngày cuối đời năm 1980, trên giường bệnh, nhà thơ Thanh Hải vẫn nhớ đến bút, không quên được thơ và chính trong những ngày này ông đã hoàn thành bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ”. Nhạc sỹ Trần Hoàn vào thăm, đọc được bài thơ, ông nói sẽ về phổ nhạc. Giữ đúng lời hứa với bạn, Trần Hoàn đã phổ xong nhạc cho bài thơ sau một tuần và trở lại Huế ngỡ sẽ hát cho Thanh Hải nghe nhưng lại phải tiễn đưa bạn như một lời ru để nhà thơ an giấc ngàn thu.
Nhà thơ Thanh Hải, một người con xứ Huế và nhạc sỹ Trần Hoàn một người con của vùng đất hoa lửa Quảng Trị đã kết hợp làm nên một ca khúc “Mùa xuân nho nhỏ”, thật hay, thật tuyệt vời… Bài hát càng nổi bật hơn qua giọng ca ngọt ngào của nghệ sỹ ưu tú Kim Phúc phát trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam mỗi khi Tết đến, Xuân về.
LLVT tỉnh Bình Phước tham gia "Tết quân - dân".
Mở đầu ca khúc là động từ “Mọc” đã cho chúng ta thấy được sức sống mãnh liệt của một mùa xuân đang đến, trải qua bao tháng ngày đông lạnh lẽo, cỏ cây trút lá để khi mùa xuân ấm áp trở về thì đâm chồi, nảy lộc, từ đó sẽ khai hoa, kết trái hứa hẹn một mùa bội thu trong năm. Động từ “Mọc” cũng cho ta thấy sức sống mùa xuân đang sinh sôi nảy nở, đang cựa quậy vươn mình của từng người, từng nhà và của cả dân tộc Việt Nam ta trong một năm mới đầy niềm tin và hy vọng.
Nhắc đến hoa, nhà thơ không hề nhắc đến các loài hoa rực rỡ biểu tượng cho mùa xuân trên mọi miền đất nước như hoa Mận, hoa Mơ của vùng núi phía Bắc, hoa Đào của miền Bắc, hoa Mai của miền Nam… mà nhà thơ miêu tả một bông hoa đồng nội giản dị được mọc lên giữa một dòng sông xanh nhưng vươn lên đầy sức sống với màu sắc tươi đẹp tím biếc. Hình ảnh dòng sông tác giả miêu tả ở đây là dòng Hương Giang xứ Huế nhưng người nghe cảm nhận đây là những con sông ở mọi miền đát nước Việt Nam ta cùng hòa nhịp với sức sống mới vào mùa xuân của dân tộc.
Giữa khung cảnh ấy, bỗng ta nghe thấy tiếng con chim chiền chiện hót vang trời, đây là một loài chim ở đồng quê có tập tính vừa hót vừa bay vút lên cao và báo hiệu rằng mùa xuân đã về. Mùa xuân, mùa của những giọt sương long lanh rơi đã xua tan cái lạnh giá của mùa đông vừa qua đi, lòng người náo nức đón xuân sang, đón một mùa xuân nho nhỏ của mỗi người cùng hòa quyện với mùa xuân lớn của đất nước. Từ hành động thôi thúc cảm xúc bên trong đến hành động thực tế “Tôi đưa tay hứng về” đã tạo nên một vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên khi mùa xuân về mà tất thảy mọi người không thể thờ ơ trước vẻ đẹp khung cảnh đất trời của mùa xuân dân tộc.
Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi dưa tay hứng về.
Kế tiếp mùa xuân của thiên nhiên là mùa xuân của đất nước với các hình ảnh “người cầm súng” và “người ra đồng”. Hình ảnh “người cầm súng” mô tả những người chiến sỹ chiến đấu bảo vệ nền hòa bình của dân tộc, hình ảnh “người ra đồng” lột tả những người nông dân lao động sản xuất xây dựng đất nước. Mùa xuân được khắc họa ở đây đã gắn với ý thức và tinh thần, trách nhiệm của mỗi người con đất Việt trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…. cùng với đó là các hình ảnh “lộc giắt đầy trên lưng” và “lộc trải dài nương lúa” cho thấy sức sống của mùa xuân đang căng tràn muôn nơi, từ biên giới, hải đảo đến xóm thôn, bản làng, ruộng đồng, nương rẫy, đâu đâu cũng thấy mùa xuân đang tràn đây. Nhưng trong vui xuân những người chiến sỹ không quên nhiệm vụ ngày đêm chắc tay súng giữ gìn non sông, người nông dân chăm chỉ trên ruộng đồng, người công nhân hăng say trong nhà máy, xí nghiệp để làm ra sản phẩm xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.
Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy trên lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương lúa.
Tiếp theo là hình ảnh của đất nước trải qua bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong suốt bốn ngàn năm đó đất nước đã trãi qua rất nhiều “vất vả” và “gian lao” chống chọi với bao thiên tai, địch họa giành được bao chiến công hiển hách nhưng cũng phải đổ biết bao mồ hôi, xương máu và nước mắt để giành và giữ nền độc lập của dân tộc… nhưng đất nước dù trải qua bao gian lao vẫn vững bước đi lên, vững vàng phía trước và sáng lấp lánh như vì sao trên bầu trời ban đêm, một vì sao sáng trên bầu trời cao mà ta phải ngước nhìn…trải qua bao gian lao, vất vả, dân tộc ta từ xưa đến nay vẫn kiên cường chiến đấu và lao động sản xuất bằng chính sức mình để sánh vai với các nước trên thế giới với một vị thế mới, thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam ta trong giai đoạn hiện nay đã được hun đúc và trưởng thành qua bốn ngàn năm lịch sử của dân tộc:
Đất nước bốn nghìn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Vững vàng phía trước
Tiếp đến là những lời bộc lộ chân thành của tác giả về khát vọng dâng hiến cuộc đời cho Tổ quốc thân yêu. Tác giả muốn hóa thân vào muôn loài vạn vật làm tươi đẹp, rộn ràng cho cuộc sống. Đó là “con chim hót” trong buổi sáng ban mai bắt đầu một ngày mới. Đó là “một nhành hoa” tô điểm cho cuộc đời. Và đó là “một nốt trầm” để tan biến trong hòa ca, nhập vào cái chung để cùng nhau cống hiến cho quê hương, đất nước:
Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Một nốt trầm xao xuyến
Tan biến trong hòa ca
Mỗi một người cống hiến “Một mùa xuân nho nhỏ”, khiêm tốn, lặng lẽ dâng cho đời… nhiều người cống hiến sẽ tạo nên sức mạnh to lớn, tạo nên một mùa xuân lớn của dân tộc, mùa xuân vĩ đại, đầy đủ và trọn vẹn, mọi người sống và cống hiến cho đất nước, đó là lẽ sống đẹp và cao cả để đất nước mãi mãi là mùa xuân, mùa sinh sôi nảy lộc đâm chồi, hứa hẹn một mùa bội thu, đem lại ấm no, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà và cho toàn dân tộc…đều bắt đầu từ mùa xuân.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Kết thúc bài thơ và ca khúc là tiếng hát đầy yêu thương, với lời nhắn nhủ ước vọng “Mùa xuân tôi xin hát”.. là lời của người con đất Huế muốn hát điệu Nam ai, Nam bằng của khúc ca Huế ngọt ngào say đắm, của nhịp phách tiền xứ Huế để lại dư âm vang đọng trong lòng người, trong suốt cuộc đời.
Mùa xuân tôi xin hát
Khúc Nam ai Nam bằng
Nước non ngàn dặm tình, Nước non ngàn dặm mình
Đất Huế, nhịp phách tiền
Cảm ơn nhà thơ Thanh Hải và nhạc sỹ Trần Hoàn, hai người con của dải đất khúc ruột miền Trung đất nước đã tạo nên ca khúc “Một mùa xuân nho nhỏ”, miêu tả chân thực bức tranh xuân thiên nhiên của đất nước, của con người thật đẹp đẽ đầy sức sống và tràn đầy năng lượng, thể hiện sức sống trường tồn của dân tộc, của mỗi người như là những mùa xuân nho nhỏ dâng hiến cho đời và cùng góp sức tạo nên một mùa xuân lớn của dân tộc.
Lê Huy Chung