Theo chiều dài lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP, mỗi mốc thời gian quan trọng là một dịp để những người lính mang quân hàm xanh ôn lại truyền thống của lực lượng hai lần vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, qua đó, góp phần đắp bồi khí chất, trui rèn bản lĩnh. Nhân kỷ niệm 58 năm Ngày truyền thống BĐBP (3/3/1959-3/3/2017) và 28 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2017), Trung tướng Phạm Huy Tập, Chính ủy BĐBP đã dành cho PV báo Biên phòng cuộc trò chuyện cởi mở xoay quanh những phẩm chất cao đẹp của thế hệ những người lính làm nhiệm vụ trấn ải biên thùy, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trung tướng Phạm Huy Tập thăm gia đình chính sách xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Ảnh: Hoàng Anh
PV: Thưa Trung tướng, trong lịch sử dựng nước và giữ nước vĩ đại của dân tộc, do đặc điểm địa - chính trị cùng nhiều yếu tố đặc thù khác nên ông cha ta thường phải tìm "kế sách", "phương lược" để giữ yên bờ cõi. Ngày nay, những kế sách và phương lược ấy được thể hiện như thế nào?
Trung tướng Phạm Huy Tập: Biên giới quốc gia của nước ta được hình thành và tạo dựng qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Xưa kia, do địa hình biên giới hiểm trở, nếu không có sự chuẩn bị trước thì khi có chiến sự không thể huy động kịp binh mã, lương thảo để bảo vệ bờ cõi. Do vậy, các triều đại luôn coi trọng biện pháp huy động sức dân vùng biên viễn nhằm thiết lập thế trận tại chỗ chống ngoại xâm...
Tiếp tục nghiên cứu, vận dụng kinh nghiệm của ông cha trong sự nghiệp xây dựng nền Biên phòng toàn dân để bảo vệ toàn vẹn từng tấc đất biên cương thiêng liêng của Tổ quốc và xác định rõ vị trí đặc biệt quan trọng của lãnh thổ, biên giới quốc gia, nên ở giai đoạn cách mạng nào, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia (BGQG) cũng được Đảng, Nhà nước coi là một bộ phận trọng yếu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, việc huy động sức mạnh toàn dân bảo vệ biên giới luôn được coi trọng và có ý nghĩa sống còn vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo vệ biên giới. Đó chính là sự kế thừa, phát triển các "kế sách", "phương lược" giữ vững quốc gia cương thổ của cha ông lên một tầm cao mới, phù hợp với tình hình đất nước cũng như khu vực và thế giới trong giai đoạn hiện nay...
PV: Hiện nay, cụm từ "Biên giới lòng dân" đã được sử dụng rộng rãi mỗi khi nói về nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới. Một cách khái quát nhất, Trung tướng có thể cho bạn đọc báo Biên phòng biết về những kết quả cơ bản mà việc xây dựng "Biên giới lòng dân" mang lại trong thời gian qua?
Trung tướng Phạm Huy Tập: Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, có thể thấy rõ, các triều đại hùng mạnh ghi dấu son lên những trang vàng vẻ vang cho dân tộc đều khởi nguồn từ tư tưởng "dân là gốc". Một trong những nguyên nhân quan trọng để ông cha ta có thể chiến thắng mọi kẻ thù xâm lấn biên giới chính là chiến lược "bách tính giai vi binh", có nghĩa là "trăm họ đều là lính".
Chúng ta cần nhớ rằng, để giữ gìn sự bình yên biên giới, không chỉ thực hiện các biện pháp vũ trang công khai như tuần tra, kiểm soát. Quan trọng hơn, phải làm sao giữ được sự bình yên nơi biên giới bằng lòng dân. Những năm qua, ngoài việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trung tâm là quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh BGQG và công tác đối ngoại biên phòng, BĐBP đã tích tham gia các hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân, cải thiện giáo dục, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giúp nhân dân định canh, định cư. BĐBP đã cùng các cấp, các ngành huy động thêm nguồn lực từ trong xã hội và toàn lực lượng, xây dựng hàng vạn "Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới, hải đảo" và "Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới". Đặc biệt, "Quỹ hiếm muộn" là tình cảm và tấm lòng của cán bộ, chiến sĩ dành để chăm lo đời sống riêng tư cho đồng chí, đồng đội... đã được hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận lòng dân tại những địa bàn trọng yếu, biên giới, hải đảo.
PV: Thưa Trung tướng, dường như, câu khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt", bất cứ cán bộ, chiến sĩ BĐBP, từ những vị tướng cho đến những binh nhì, ai cũng thuộc nằm lòng. Tiếp cận nội hàm của câu khẩu hiệu này một cách "đời thường" thì nên bắt đầu từ đâu và hiểu thế nào cho đúng?
Trung tướng Phạm Huy Tập: Thực tế đã chỉ ra rằng, xác lập và khẳng định chủ quyền BGQG đã khó, giữ vững chủ quyền BGQG còn khó hơn nhiều. Cái khó ấy không phải chỉ làm ngày một ngày hai, mà là cả một sự nghiệp bền bỉ, dài lâu và liên tục của nhiều thế hệ. Do vậy, nói một cách đơn giản và cụ thể nhất, phải xác định đồn là nhà, biên giới là quê hương thì cán bộ, chiến sĩ BĐBP mới yên tâm "an cư lạc nghiệp" nơi biên ải. Sự khái quát sâu sắc này được xuất phát từ chính thực tiễn công tác, chiến đấu của BĐBP.
Cũng cần nói thêm, để cắm được cột mốc quốc gia bề thế, vững chãi và kiên cố nơi đường biên phân định ranh giới chủ quyền quốc gia là cả một câu chuyện dài. Và cột mốc đó không chỉ để đánh dấu đường biên, mà là linh hồn Tổ quốc, là biết bao máu xương của chiến sĩ, đồng bào. BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong xây dựng, quản lý và bảo vệ biên giới, điều kiện sinh hoạt, học tập, công tác và chiến đấu trên địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Kể cả trong thời bình, cán bộ, chiến sĩ vẫn phải chịu đựng sự gian khổ hy sinh để bảo vệ đường biên cùng những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của quốc gia. Biết bao cán bộ, chiến sĩ phải xa hậu phương, gia đình để gắn bó với đồn, trạm, nhân dân trên các vùng biên giới. Câu khẩu hiệu "Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt" của lực lượng BĐBP đã thực sự trở thành mệnh lệnh từ trái tim của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
PV: Theo Trung tướng, "bệ đỡ" nào khiến cho tuyệt đại đa số cán bộ, chiến sĩ BĐBP thực hiện đầy đủ nội dung của câu khẩu hiệu truyền thống thoạt nghe thì tưởng đơn giản nhưng để làm tốt, được ghi nhận thì rất khó?
Trung tướng Phạm Huy Tập: Tôi có thuộc mấy câu thơ của nhà thơ Lưu Trùng Dương khắc họa khá rõ nét "chân dung" của những người lính mang quân hàm xanh: "Những chiến sĩ Biên phòng/Đứng chon von dưới trời cao biên giới/Chân đạp mây bay, tóc vờn gió núi...". Thực tế, với phương châm "bốn cùng": "Cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng của đồng bào", những người lính Biên phòng công tác ở khắp nẻo biên cương, hải đảo không chỉ là nòng cốt, chỗ dựa vững chắc trong thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân, bảo vệ sự bình yên vùng biên cương của Tổ quốc, mà còn in đậm trong lòng đồng bào các dân tộc những tình cảm khó phai về hình ảnh những người lính "Bộ đội Cụ Hồ".
Ở một khía cạnh khác, xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ và đặc thù hoạt động, BĐBP luôn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau và luôn trong trạng thái sẵn sàng nhận nhiệm vụ cao nhất. Phẩm chất ấy được hình thành, nuôi dưỡng từ truyền thống của các thế hệ cha anh. Hiện nay, đối với BĐBP, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong thực hiện học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là kế thừa, phát huy truyền thống hai lần Anh hùng của lực lượng để nâng lên một tầm cao mới. Nâng cao năng lực công tác, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, rèn luyện, bồi dưỡng phẩm chất tốt đẹp của người lính quân hàm xanh là cách để hiện thực hóa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác. Đảng ủy, Bộ Tư lệnh BĐBP luôn coi truyền thống là bệ đỡ, là "xương sống" trong giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ. Đó cũng là cách góp phần xây dựng động lực, niềm tin, sức mạnh tinh thần trong giai đoạn mới.
PV: Trở lại với "kế sách", "phương lược" giữ vững BGQG, từ những trang sử hào hùng của dân tộc cho thấy, việc chuẩn bị về sức mạnh chính trị - tinh thần cho nhân dân các dân tộc đã được tiền nhân hết sức coi trọng và là nhân tố then chốt của kế sách chủ động giữ vững cương thổ quốc gia. Hiện nay, với bề dày truyền thống của mình, BĐBP đã "thấm" cái tinh thần, đạo lý quý báu cha ông đã đúc kết - "Dân là gốc" như thế nào, thưa Trung tướng?
Trung tướng Phạm Huy Tập: Chúng ta biết rằng, nhiệm vụ xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền BGQG được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý điều hành thống nhất của Nhà nước và được tiến hành toàn diện, đồng bộ trên các lĩnh vực cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, ngoại giao... Trong đó, xây dựng tiềm lực về kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển với các nước láng giềng là những vấn đề cốt lõi. Đất nước đã thanh bình, những năm qua, Đảng, nhà nước, các cấp, các ngành đã quan tâm chăm lo với những chủ trương, chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực cả trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, khu vực biên giới, hải đảo vẫn là nơi gian khó nhất. Mặc dù vậy, cán bộ, chiến sĩ BĐBP ai cũng tự hào vì nhiệm vụ của mình, cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân kiên trì thực hiện mục tiêu: Dân biên giới phải giàu có, vùng biên giới phải ổn định, yên bình, xây dựng cho được "Biên giới lòng dân" để hội nhập và phát triển đất nước.
PV: Thưa Trung tướng! Những ngày này, không khí vui tươi, phấn khởi của "Ngày Biên phòng toàn dân" đang tràn ngập khắp nơi. Trung tướng có nhắn nhủ gì với cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh đang công tác ở tuyến đầu Tổ quốc?
Trung tướng Phạm Huy Tập: Việc tổ chức các sự kiện, hoạt động kỷ niệm Ngày Biên phòng toàn dân thật sự trở thành bài học lớn, là đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa sâu rộng, làm phong phú thêm văn hóa giữ nước, văn hóa bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ. Hơn ai hết, những người lính Biên phòng cần hiểu rõ một trong những nhiệm vụ quan trọng của người trấn giữ biên cương là phải nhân lên hào khí của dân tộc Việt Nam anh hùng và thắp lên ngọn lửa tình yêu quê hương đất nước trong mỗi người dân. Chúng ta cần quán triệt sâu sắc, đầy đủ quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về công tác biên phòng và từ hào khí chung của đất nước.
Trước mắt, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tập trung thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 09-01-2015 của Thủ tướng Chính phủ "Về tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới". Mỗi người lính Biên phòng, phải biết tự soi mình vào lịch sử, tiếp thu những giá trị tinh thần to lớn mà tiền nhân đã để lại nhằm bồi đắp tri thức, bản lĩnh, vốn sống, biến suy nghĩ thành hành động, việc làm có ích cho nhân dân, cho quốc gia, dân tộc...
Tiếp nối cội nguồn truyền thống, mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng BĐBP cần thấm nhuần sâu sắc lời huấn thị của Bác Hồ đối với lực lượng từ ngày đầu thành lập: "Đoàn kết cảnh giác/Liêm chính kiệm cần/Hoàn thành nhiệm vụ/Khắc phục khó khăn/Dũng cảm với địch/Vì nước quên thân/Trung thành với Đảng/Tận tụy với dân". Các đơn vị BĐBP trên các tuyến biên giới phải tập trung đẩy mạnh công tác giáo dục nâng cao nhận thức về truyền thống của lực lượng BĐBP gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và lời dạy của Bác Hồ với BĐBP, đồng thời thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua Quyết thắng trong đơn vị...
PV: Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!
PV (Thực hiện)
Nguồn: bienphong.com.vn