Chia tay chiến sĩ về lại đơn vị.
Gần 2 tháng thực hiện nhiệm vụ, bác sĩ Nguyễn Bá Tấn trải qua nhiều thử thách, nhiều nỗi ám ảnh, nhưng đồng thời cũng cảm nhận thêm về tình quân - dân, tình người sâu sắc.
Trong khu cách ly, điều trị Phong Thạnh, Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, bác sĩ Tấn và đồng đội đã nhận được những lời cảm ơn, những tin nhắn, cuộc gọi, cả những món quà của nhân dân gửi tới. Người để lại ấn tượng đặc biệt với các anh là bệnh nhân Lê Thị Nga, công nhân cao su, người xã Tân Hưng, huyện Bàu Bàng. Ngày ra viện chị đã gửi tổ quân y một lá thư cảm ơn là lạ, nó không xuôi chiều, mà có cả “bực bội, ấm ức”: “Trong 17 ngày tôi phải chuyển phòng đến 4 lần, lúc đó cũng bực vì cứ chuyển tới, chuyển lui hoài, nhưng sau tôi suy nghĩ lại, các bác sĩ làm như vậy là tốt cho bệnh nhân…”; tác giả lá thư dẫn sự ra đi của một người nổi tiếng để thấy bản thân may mắn biết nhường nào khi được các bác sĩ quân y cứu chữa, giành lại sự sống. Phần cảm ơn thì rộng mênh mông: “Cảm ơn thủ trưởng của các anh, cảm ơn gia đình là hậu phương vững chắc để các anh có thể yên tâm công tác, đem lại sự sống cho chúng tôi…”.
Sau khi ra viện, chị Nga vẫn giữ liên lạc, thường xuyên thăm hỏi, động viên các y, bác sĩ; chị còn livestream khuyên mọi người không may bị nhiễm bệnh hãy yên tâm đi cách ly, tin tưởng vào sự chăm sóc, chữa trị của các y, bác sĩ. Ngày 10-10 vừa qua, chị chạy xe máy mang quà đến tặng tổ quân y, khiến các anh hết sức bất ngờ và xúc động. Lý do của chị rất hồn nhiên: “Tôi nghe nói các anh sắp rút quân, nay mai các anh ra Bắc rồi biết đâu mà tìm, muốn gặp cũng chẳng gặp được nữa…”. Bác sĩ Tấn tâm sự: “Món quà của chị nhỏ bé, nhưng với chúng tôi nó thật ý nghĩa, chất chứa tình cảm, đồng thời cũng là động lực để anh em chúng tôi nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Cùng công tác với các y, bác sĩ tại khu cách ly, điều trị Phong Thạnh còn có tổ thiện nguyện là các cô giáo Trường Mầm non Cây Trường (Bầu Bàng). Do hằng ngày trực tiếp tiếp xúc với người bệnh, nên 8 người trong số họ cũng bị nhiễm Covid-19, khi có ý kiến chuyển viện khác để điều trị, thì các cô dứt khoát xin ở lại khu cách ly, điều trị Phong Thạnh, bởi theo các cô ở đây đã có những bác sĩ, nhân viên quân y nhiệt tình, trách nhiệm - những người mà họ toàn toàn tin tưởng vào chuyên môn và y đức… Còn rất nhiều câu chuyện về sự cống hiến, vượt lên hoàn cảnh, tình người trong khó khăn mà đoàn y, bác sĩ của Quân đoàn 2 được trải nghiệm, chứng kiến, cảm phục...
Hiện nay dịch bệnh đã được kiểm soát, lực lượng tăng cường đang từng bước được rút về, rồi đây các anh sẽ trở lại với những công việc thường nhật. Những kỷ niệm trong thời gian làm nhiệm vụ tăng cường phòng, chống dịch hẳn mọi người sẽ không bao giờ quên. Dịch bệnh là điều không ai mong muốn, nhưng tình quân dân, nghĩa đồng bào hiện lên trong vùng tâm dịch lại là thứ rất đáng trân trọng, nhắc nhớ chúng ta gìn giữ, để cuộc sống càng thêm đáng yêu.