Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định ra đời trong cao trào đấu tranh chính trị của toàn dân trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và Nam Bộ kháng chiến, được nhân dân đùm bọc, che chở, nuôi dưỡng, lực lượng biệt động đã trưởng thành từ không đến có, từ nhỏ đến lớn mạnh. Với nghệ thuật chiến đấu thông minh, sáng tạo và tinh thần dũng cảm vô song, lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định luôn đóng một vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chiến tranh nhân dân ở đô thị.
Tiền thân của biệt động là các tổ chức tự vệ quyết tử. Đầu năm 1946, khi toàn dân bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong thời gian đầu, nhiều đơn vị vũ trang và bán vũ trang tự phát mang nhiều tên gọi khác nhau, nhưng tính chất hoạt động mang nét đặc trưng của biệt động: bí mật, táo bạo, bất ngờ, luồn sâu, đánh hiểm. Về lực lượng, được tổ chức đa dạng và rất công phu, dựa trên nền tảng quần chúng được giác ngộ để xây dựng cơ sở, trận địa lòng dân phục vụ công tác, chiến đấu; thực hiện phương châm ba hóa: hợp pháp hóa, nghề nghiệp hóa, quần chúng hóa để tồn tại và phát triển trong lòng địch tại nội đô.
Biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn trong cuộc kháng chiến chống Pháp, tuy điều kiện còn nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng với tinh thần tự lực cánh sinh, với cách đánh hiểm, táo bạo, tiêu biểu là các ban công tác thành và sau này là Tiểu đoàn Quyết tử 950, đã gây cho quân đội Pháp và tay sai những tổn thất nặng nề về sinh lực và vật lực ngay tại trung tâm sào huyệt Sài Gòn, khiến kẻ thù vô cùng khiếp sợ. Những trận đánh như: đánh Câu lạc bộ, ám sát sĩ quan Pháp; đặc biệt là trận đánh kho bom Phú Thọ Hoà lớn nhất của địch ở miền Nam; chiến công của lực lượng Biệt động đã ghi những dấu son vào lịch sử đấu tranh oai hùng của quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Nếu như trong kháng chiến chống Pháp, lối đánh biệt động chưa thật rõ nét, hình thức chiến thuật chưa ổn định, thì bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng biệt động được xây dựng hoàn chỉnh, chiến thuật phong phú, đa dạng, nghệ thuật chiến đấu phát triển vượt bậc và đạt đến đỉnh cao tương xứng với tầm vóc của cuộc chiến đấu mới với đối tượng là đế quốc Mỹ và chư hầu trên địa bàn chiến lược, là đầu não của địch tại Sài Gòn. Mặc dù địa bàn chiến trường không thay đổi, nhưng đối tượng tác chiến là quân đội Mỹ có tiềm lực mạnh và quy mô cuộc chiến tranh ở mức độ cao hơn, đòi hỏi phương thức và cách đánh biến hóa nhằm thực hiện những đòn đánh phủ đầu vào cơ quan đầu não, guồng máy chiến tranh tại sào huyệt cuối cùng của chúng, nhất là từ khi quân Mỹ và chư hầu có mặt tại Sài Gòn.
Chiếc xe GA-0603 được đội 67 Biệt động Sài Gòn sử dụng trong một trận đánh. (Ảnh: sggp.org.vn)
Sự kiện chiến sĩ Biệt động Nguyễn Văn Trỗi gài mìn dưới cầu Công Lý giết hụt Bộ trưởng quốc phòng Mỹ MácNamara làm chấn động dư luận thế giới. Những gương sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam như: Nguyễn Đình Chính, Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Hai, Trần Văn Đang, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Thanh Xuân, Phạm Thị Mỹ, Lê Văn Việt, Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Thị Rí, Nguyễn Hoài Thanh, Tô Hoài Thanh, Lê Tấn Quốc, Nguyễn Thị Thanh Tùng, Nguyễn Thị Thu Trang, Đoàn Thị Ánh Tuyết… càng tôn vinh truyền thống lực lượng Biệt động anh hùng.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân Miền Nam là một sự kiện lịch sử có tầm vóc vô cùng to lớn, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh dấu một bước ngoặt có ý nghĩa chiến lược quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta. Những trận đánh biệt động diễn ra chớp nhoáng với hiệu suất rất lớn, là nỗi kinh hoàng của bọn xâm lược và tay sai trong suốt cuộc chiến tranh. Đặc biệt trong Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, lực lượng biệt động được tổ chức quy mô và chuẩn bị tốt về tư tưởng, niềm tin, cơ sở vật chất, đã bất ngờ đồng loạt tấn công vào các mục tiêu trọng yếu của Mỹ, ngụy. Gồm Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tổng tham mưu ngụy, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, vượt chỉ tiêu kế hoạch trên giao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại Sài Gòn, góp phần cùng quân và dân miền Nam giành thắng lợi to lớn; tạo bước ngoặt quan trọng, buộc Mỹ phải “xuống thang” chiến tranh ngồi vào đàm phán với ta tại Pari, đơn phương ngừng ném bom đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, tiến tới việc giải quyết vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Cùng với lực lượng vũ trang toàn Miền bước vào Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định liên tiếp tổ chức nhiều trận đánh bằng các phân đội nhỏ, các tổ biệt động. Chỉ tính từ tháng 12/1974 đến tháng 4/1975, các tổ, đội biệt động đã đánh 55 trận trong nội đô và 3 trận vùng ven, diệt trên 100 tên địch, thu nhiều vũ khí, trang bị và tài liệu quan trọng.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, lực lượng biệt động Sài Gòn được biên chế, tổ chức thành nhiều tiểu đoàn, phối hợp với các binh đoàn chủ lực đánh chiếm và giữ các mục tiêu quân sự, chính trị, kinh tế của địch trong thành phố, đặc biệt mục tiêu trọng điểm là các cầu trên trục đường vào thành phố, khống chế sân bay và các địa phận pháo của địch. Đồng thời, làm nòng cốt phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, tấn công bằng chính trị, binh vận vào tất cả các lực lượng của địch.
Lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 đã tham gia đánh những trận tiêu diệt nhiều sinh lực cao cấp của địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, những mục tiêu trọng yếu, có tiếng vang lớn như sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, tổng kho Long Bình, tòa đại sứ Mỹ, cầu Rạch Chiếc, căn cứ Bộ Tổng tham mưu Việt Nam Cộng hòa, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ đội 4 - Biệt động Sài Gòn trong trận đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân (1968) - Ảnh: Phạm Dũng
Kỷ niệm 45 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh cùng với đồng bào cả nước xúc động và rất đỗi tự hào nhớ đến những ngày tháng hào hùng của dân tộc. Chiến công của lực lượng biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định là một mốc son chói lọi trong lịch sử kháng chiến của dân tộc ta. Chúng ta đã đưa cuộc chiến đấu quy mô lớn vào tận sào huyệt cuối cùng của địch, làm chuyển biến nhanh chóng và mạnh mẽ cục diện chiến tranh, tạo thuận lợi cho cuộc đấu tranh muôn màu, muôn vẻ của các lực lượng yêu nước ngay tại sào huyệt của địch. Sau thất bại của Mỹ ở Việt Nam, nhà sử học Mỹ F.P.Ha - ri - xơn đã viết về dân tộc Việt Nam “Sinh ra từ lao động cần cù và chiến đấu dũng cảm, dân tộc Việt Nam là một dân tộc đặc biệt, rất đặc biệt. Đó là một dân tộc từng đánh Tần, dẹp Hán, chinh Tống, bình Nguyên, phá Minh, phạt Thanh, kháng Nhật, chống Pháp và thắng Mỹ cực kỳ oanh liệt".
Tổ quốc thiêng liêng, dân tộc anh hùng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Thành phố hôm nay và mai sau sẽ kế thừa và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của các bậc tiền nhân, của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm tháng sẽ qua đi, nhưng với cả nước, với miền Nam thành đồng, bất khuất, với Thành phố anh hùng mang tên Bác Hồ kính yêu, chiến công của biệt động Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định sẽ sống mãi với các thế hệ Việt Nam, sẽ mãi mãi tạc vào lịch sử như một tượng đài bất tử.
Phó Tư lệnh - Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh