Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) đang được các đại biểu Quốc hội khóa XIV xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4. Theo các đại biểu, việc xây dựng Luật Quốc phòng (sửa đổi) là cần thiết, nhằm thể chế hóa các chủ trương của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 về bảo vệ Tổ quốc, khắc phục những bất cập trong thực hiện luật hiện hành. Xin trích đăng ý kiến của đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Đại biểu ĐẶNG NGỌC NGHĨA (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên-Huế): Xây dựng Luật Quốc phòng để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới
Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa.
Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) dựa trên cơ sở Luật Quốc phòng năm 2005 và tình hình thực tiễn thế giới, khu vực, trong nước, nhằm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị để xây dựng phát triển đất nước.
Xây dựng Luật Quốc phòng (sửa đổi) theo hướng là luật khung, chỉ quy định mang tính nguyên tắc, chính sách lớn về quốc phòng, bảo đảm hợp hiến, phù hợp, thống nhất trong hệ thống pháp luật hiện hành về quốc phòng, an ninh và pháp luật có liên quan. Theo đó, Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ là luật gốc, điều chỉnh các luật khác có liên quan như Luật Dân Quân tự vệ, Luật Sĩ quan, Luật Nghĩa vụ Quân sự... Đồng thời, Luật Quốc phòng (sửa đổi) có quan hệ chặt chẽ với các luật về kinh tế-xã hội. Do vậy, Luật Quốc phòng (sửa đổi) sẽ hoàn chỉnh hơn nữa về chiến lược quốc phòng, chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay.
Luật Quốc phòng vẫn đưa vào luật nguyên tắc nhất quán: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt, Chính phủ điều hành, Chủ tịch nước thống lĩnh về lực lượng vũ trang; xác định đường lối về chiến tranh nhân dân, về quốc phòng toàn dân là chủ đạo.
Tuy nhiên, Luật Quốc phòng (sửa đổi) có nhiều điểm mới đáng chú ý. Luật xác định rõ hơn mối quan hệ sự nghiệp quốc phòng là sự nghiệp của toàn dân, sức mạnh quốc phòng là sức mạnh toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị. Luật cũng quy định rõ hơn cơ chế quản lý đất quốc phòng. Việc bảo đảm trang bị vũ khí, cơ sở vật chất cho hoạt động quân sự, cũng được đưa vào luật.
Một nội dung được đề cập sâu trong dự thảo luật là tình trạng khẩn cấp về quốc phòng. Theo đó, dự báo chuẩn bị tình huống khi đất nước có hoạt động chống phá trên một khu vực, để chuẩn bị trước một bước, huy động tiềm lực cơ sở vật chất, con người để bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, quản lý một số nội dung về đi lại, hệ thống phát thanh truyền hình, thông tin... chuẩn bị mọi mặt cho bảo vệ Tổ quốc
.
Đặc biệt, Luật cũng cụ thể hơn về tình trạng giới nghiêm, nhằm chuẩn bị trước khi đất nước có tình trạng chống phá, thậm chí bạo loạn lật đổ, trong đó hạn chế hoạt động, cấm tụ tập đông người....
PHƯƠNG THẢO (ghi)
Đại biểu NGUYỄN MINH HOÀNG (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh): Huy động sức mạnh của LLVT Quân khu là nội lực để phát triển kinh tế khu vực
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng.
Tuy đạt nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhưng qua tổng kết 10 năm thực hiện, đối chiếu với Hiến pháp năm 2013, Luật Quốc phòng 2005 còn nhiều bất cập, cần điều chỉnh, bổ sung. Nhiều vấn đề như công bố về tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp quốc phòng, phòng thủ khu vực cấp tỉnh, thành phố, việc lực lượng vũ trang tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, quyền và nghĩa vụ công dân, bình đẳng giới trong thực thi Luật Quốc phòng, việc thực thi của Hội đồng Quốc phòng - An ninh khi đất nước có tình huống chiến tranh, chiến sự hoặc xung đột vũ trang.... Đây là những nội dung mới mà Luật quốc phòng hiện hành chưa quy định hoặc quy định chưa đầy đủ để phù hợp với Hiến pháp mới. Hiện nay, trong bối cảnh việc tổ chức, vận hành nền quốc phòng toàn dân với phương châm phòng thủ, bảo vệ Tổ quốc là chính, thì mô hình, nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân của hệ thống chính trị chưa được làm rõ. Bên cạnh đó, vai trò khu vực phòng thủ của tỉnh, vai trò phòng thủ khu vực của các quân khu được nói trong nhiều văn bản của Chính phủ nhưng chưa được quy định rõ trong luật.
Song song với đó, Luật cũng chưa định ra chính sách về trách nhiệm hoạt động quốc phòng của một số bộ, ngành Trung ương và địa phương đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Luật cũng chưa quy định trách nhiệm của quốc gia với việc bảo vệ biên giới quốc gia, nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại biên giới, các cửa khẩu, hải đảo của Tổ quốc.
Từ những lý do trên, việc sửa đổi luật hiện hành là cần thiết nhưng cần phù hợp quan điểm, chủ trương của Đảng, Nghị quyết 28 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013; phạm vi, đối tượng điều chỉnh cần dựa trên nguyên tắc hoạt động của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và dân quân tự vệ trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Tôi tán thành việc đưa phòng thủ quân khu vào dự thảo luật lần này, nhằm giúp cho Bộ Quốc phòng quản lý về mặt quân sự quốc phòng trên một phạm vi, địa bàn chiến lược nhất định, sẵn sàng ứng phó với các tình huống, trước hết thực hiện nhiệm vụ phòng thủ, thực hiện nền quốc phòng toàn dân vững chắc. Thực tế vai trò, chức năng, nhiệm vụ của quân khu trong thực tiễn đang hoạt động có hiệu quả. Đây là một tổ chức quân sự quốc phòng theo vùng, lãnh thổ được Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, chỉ huy, lãnh đạo. Trong thực tế, từ năm 1945-1946, các tổ chức quân khu lần lượt ra đời, đáp ứng yêu cầu của công cuộc kháng chiến chống Pháp, giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đến nay, các quân khu có vai trò quan trọng góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, góp phần giữ vững an ninh chính trị, an toàn xã hội. Việc huy động sức mạnh quân sự của lực lượng vũ trang quân khu cũng chính là nội lực để xây dựng nền kinh tế phát triển cho khu vực.
QUỲNH PHƯƠNG (ghi)
Đại biểu NGUYỄN PHƯỚC LỘC (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh): Bổ sung quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam
Đại biểu Nguyễn Phước Lộc.
Theo Tờ trình của Chính phủ, nếu thông qua dự án Luật Quốc phòng, thì phải ban hành, sửa đổi 9 luật, pháp lệnh để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của Luật Quốc phòng, để luật đi vào cuộc sống. Nhưng đến nay, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2018 không có tên 9 dự án luật, pháp lệnh này. Trong khi đó, theo dự kiến, dự án Luật Quốc phòng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019. Như vậy, việc xây dựng, điều chỉnh luật, pháp lệnh năm 2019 để cho Luật Quốc phòng đi vào cuộc sống thì liệu có kịp thời, bảo đảm tính khả thi hay không? Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu kỹ, làm rõ, bổ sung vào Tờ trình của Chính phủ tính khả thi của dự án luật và các văn bản có liên quan.
Ngoài ra, Luật Quốc phòng (sửa đổi) được xây dựng theo hướng luật khung, trong dự thảo có dẫn chiếu nhiều khoản, quy định nhưng không dẫn chiếu theo quy định của pháp luật nào, để bảo đảm tính đồng bộ của luật. Nếu không quy định thì cũng cần làm rõ có ủy quyền Chính phủ quy định hay không. Nếu Chính phủ quy định thì cơ quan soạn thảo cũng cần rà soát lại nhằm bảo đảm tính minh bạch, khả thi của dự án luật.
Đặc biệt, cần nghiên cứu, rà soát lại các điều ước, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để luật phù hợp.
Bên cạnh đó, Điều 2 dự thảo luật quy định”Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Tuy nhiên, tại điều 6 lại quy định về quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam mà thôi, không đề cập đến quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Do đó, tôi kiến nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định này vào điều 6 hoặc thiết kế điều khoản riêng cho tổ chức, cá nhân nước ngoài để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự án luật.
NGỌC HẰNG (ghi)
Đại biểu THẠCH PHƯỚC BÌNH (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh): Đề nghị bỏ cụm từ “văn hóa” ở Khoản 4 Điều 5 trong Dự thảo luật
Đại biểu Thạch Phước Bình.
Việc sửa đổi Luật Quốc phòng sẽ đáp ứng và khắc phục được những bất cập trong thời gian qua khi triển khai Luật Quốc phòng 2005. Trong phần sửa đổi bổ sung gồm 7 chương, 45 điều, giảm 2 chương và 6 điều so với Luật Quốc phòng năm 2005.
Để hoàn thiện Dự án luật, tôi xin tham gia một số nội dung như sau: Về nguyên tắc hoạt động Quốc phòng ở Điều 5, tôi đề nghị bỏ cụm từ “văn hóa” ở Khoản 4 Điều 5 trong Dự thảo luật bởi vì theo Khoản 4 Điều 5 này thì trước đây sử dụng cụm từ “kinh tế với xã hội”, nay bổ sung là “kinh tế với văn hóa, xã hội”. Theo tôi, việc bổ sung này phù hợp, khẳng định tầm quan trọng của văn hóa trong vấn đề liên quan đến quốc phòng. Tuy nhiên, nếu như xác định văn hóa chỉ là một nguyên tắc hoạt động quốc phòng thì dường như để từ “văn hóa” trong này là thu hẹp lại nguyên tắc so với phạm vi Luật Quốc phòng hiện hành. Bởi vì, hiện nay, theo cách sử dụng phổ biến thì cụm từ “kinh tế, xã hội” được hiểu với phạm vi rộng bao gồm cả văn hóa, y tế, giáo dục, tôn giáo. Do đó, nếu để trong luật là “Nguyên tắc xây dựng nền quốc phòng” thì phải là huy động toàn nguồn lực tổng hợp, trong đó có khoa học, công nghệ. Để bảo đảm tính khái quát ở tầm nguyên tắc, tôi đề nghị giữ nguyên như luật hiện hành còn việc bổ sung, nhấn mạnh yếu tố văn hóa trong hoạt động quốc phòng thì đã được thể hiện ở các điều khoản khác trong dự thảo.
Trong Điều 5, tôi đề nghị Ban soạn thảo gộp nội dung Khoản 3, 4, 5 thành Khoản 3 tức là thành một khoản trong Điều 5 bởi vì 3 nội dung này có sự gắn kết chặt chẽ với nhau và đều thuộc nội hàm của nguyên tắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân.
Ở Điều 6 về quyền và nghĩa vụ của công dân về Quốc phòng thì Khoản 2, Điều 6 Dự thảo Luật sửa đổi đã bổ sung Quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của công dân quốc phòng. Tuy nhiên, tôi băn khoăn ở quy định “Công dân có nghĩa vụ chấp hành nghiêm các biện pháp của Nhà nước và người có thẩm quyền trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Theo tôi, như vậy chưa thật cụ thể và chưa rõ bởi vì để bảo vệ Tổ quốc thì Nhà nước, cá nhân có thẩm quyền không chỉ bằng các biện pháp. Khái niệm nhiệm vụ quốc phòng theo tôi vẫn còn mang tính chung chung, chưa rõ. Do đó, tôi đề nghị có thể quy định “Công dân phải chấp hành quy định, quyết định” sẽ rõ hơn, thay bằng từ “các biện pháp”. Bên cạnh đó, thuật ngữ “nhiệm vụ quốc phòng” còn chung chung. Tôi đề nghị viết rõ hơn, có thể là liệt kê những tình huống nào mà công dân phải chấp hành sẽ rõ ràng hơn, còn nói nhiệm vụ Quốc phòng chung chung thôi sẽ rất khó.
GIA KHÁNH (ghi)
Đại biểu TRẦN THỊ QUỐC KHÁNH (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội): Phải đầu tư khoa học công nghệ cho lực lượng quân đội, công an
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh.
Ở Điều 8 về nền Quốc phòng toàn dân tôi đề nghị ở Điểm b Khoản 2 là xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, toàn diện, có sức chiến đấu cao, làm nòng cốt bảo vệ Tổ quốc. Câu này đúng, nhưng tôi đề nghị bổ sung “cần phải bảo đảm tính gương mẫu, kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang”, để người dân mãi mãi thấy hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ từ nhân dân mà ra, vì nhân dân chiến đấu, quân với dân như “cá với nước”.
Vấn đề bảo đảm Quốc phòng ở Chương 5 bảo đảm con người là chính nhưng vấn đề ở đây là khoa học công nghệ. Trong Luật Quốc phòng phải đề cao mạnh mẽ vấn đề này. Phải đầu tư khoa học công nghệ cho lực lượng quân đội, công an. Đây là hai lực lượng phải đi đầu về khoa học công nghệ.
MINH ĐỨC (ghi)
Nguồn: qdnd.vn