Ngày 19-3-1967, tại trường Bổ túc cán bộ dân tộc Trung ương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã công bố thành lập Binh chủng Đặc công. Sau khi Binh chủng Đặc công được thành lập, trước yêu cầu nhiệm vụ của chiến trường miền Đông Nam bộ, Trung ương Cục vàQuân ủy Miền quyết định xây dựng lực lượng đặc công với quy mô lớn hơn, đẩy mạnh tác chiến đặc công nhằm tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh quan trọng của địch. Trên cơ sở đó, ngày 4-2-1969, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Trung đoàn Đặc công 429, tại Chiến khu Dương Minh Châu (nay thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh), đây là đơn vị đặc công chủ lực cơ động đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Trung đoàn Đặc công 429 (nay là Lữ đoàn Đặc công bộ 429) được thành lập làmột sự kiện quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của bộ đội đặc công về tổ chức và xây dựng lực lượng.
Sau khi thành lập, Lữ đoàn Đặc công bộ 429 đã liên tiếp lập nên những chiến công vang dội trước lực lượng được trang bị vũ khí hiện đại của đối phương, như Sư đoàn Bộ binh 1 “Anh cả đỏ”, Lữ đoàn dù “Kỵ binh bay”, Sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới”… Theo thống kê, trong chiến tranh, lữ đoàn đã đánh trên 600 trận, loại khỏi vòng chiến đấu trên 30.000 tên địch và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Lữ đoàn đã phát huy cao độ lối đánh “Bí mật, bất ngờ, luồn sâu đánh hiểm” của bộ đội đặc công, góp phần đưa nghệ thuật tác chiến của binh chủng lên một bước phát triển mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế.
Viết tiếp truyền thống vẻ vang
Phát huy truyền thống vẻ vang của cha ông đi trước, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công bộ 429 hôm nay đã vượt qua mọi gian nan, khó khăn trong luyện tập, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống, phòng chống “Diễn biến hòa bình, “Bạo loạn lật đổ”, chống khủng bố, phòng chống cháy nổ, tìm kiếm cứu nạn… Đơn vị luôn nêu cao ý thức tựlực, tự cường, đoàn kết, nhất trí khắc phục khó khăn, từng bước chuyển biến, tiến bộ toàn diện, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ cấp trên giao, góp phần vào thành công chung trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Đại tá Nguyễn Đức Khánh, Chính ủy Lữ đoàn Đặc công bộ 429, cho biết với mục tiêu huấn luyện “Tinh nhuệ về bản lĩnh, kỹ thuật tinh thông, chiến thuật linh hoạt”, theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, lữ đoàn đã nghiên cứu đổi mới, cải tiến nội dung, phương pháp huấn luyện. Nét mới đáng ghi nhận đầu tiên chính là việc chuẩn hóa quy trình chuẩn bị giáo án huấn luyện, thông qua kế hoạch huấn luyện ở các cấp gắn với củng cố, nâng cấp thao trường, chuẩn bị đồng bộ vật chất phục vụ huấn luyện, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cán bộ. Được sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Binh chủng Đặc công, đơn vị đã xây dựng chương trình huấn luyện sát thực tế chiến đấu, trong đó chú trọng tăng cường huấn luyện dã ngoại, huấn luyện đêm, huấn luyện trong điều kiện địa hình, thời tiết phức tạp. Đơn vị cũng đã tăng cường thời lượng tổ chức huấn luyện các khoa mục võ thuật chiến đấu, chiến thuật, huấn luyện nhảy dù, lái xe ô tô, huấn luyện kỹ năng bắn súng và sử dụng thành thạo các loại vũ khí mới, học tiếng Anh… Đồng thời, lữ đoàn tăng cường các nội dung huấn luyện với tính chất khó, phức tạp, sát với thực tế nhiệm vụ để phát triển thể lực, rèn luyện lòng dũng cảm, khả năng xử lý tình huống linh hoạt, hiệu quả cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, trong biên chế của lữ đoàn hiện nay có một đơn vị đặc công chống khủng bố. Đây là lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt của lữ đoàn, được đầu tư huấn luyện theo hướng tinh nhuệ, tinh thông.
Với nhiều chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc lập được, Lữ đoàn Đặc công Bộ 429 đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, quân đội tặng nhiều phần thưởng cao quý. Đặc biệt ngày 11-6-1999, Lữ đoàn được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống, Lữ đoàn Đặc công bộ 429 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Ba.