(QK7 Online) - Lữ đoàn 75 là đơn vị binh chủng kỹ thuật, nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện và SSCĐ. Nhận thức sâu sắc yêu cầu, nhiệm vụ và đặc thù của đơn vị binh chủng chiến đấu, Đảng ủy, Ban chỉ huy lữ đoàn luôn đặc biệt coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác kỹ thuật, xác định đây là nhân tố quan trọng, trực tiếp góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của đơn vị.
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết 382
Những năm gần đây, nhiệm vụ của lữ đoàn có sự phát triển mới, với yêu cầu ngày càng cao, toàn diện và được biên chế nhiều chủng loại vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT). Tuy nhiên, vẫn còn một số VKTBKT được biên chế đã qua sử dụng nhiều năm, xuống cấp, tính đồng bộ không cao; kinh phí bảo đảm hạn chế, vật tư, phụ tùng khan hiếm; cán bộ, nhân viên kỹ thuật còn thiếu, trình độ không đồng đều... Để khắc phục thực trạng trên, lữ đoàn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, nhằm khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá Đặng Minh Phương, Phó Chủ nhiệm Kỹ thuật Quân khu (thứ hai bên phải qua) và thủ trưởng lữ đoàn tham quan các mô hình sáng kiến cải tiến kỹ thuật.
Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác kỹ thuật. Đảng ủy, chỉ huy lữ đoàn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các mặt công tác, trong đó tổ chức quán triệt sâu sắc Nghị quyết 382 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo công tác kỹ thuật trong tình hình mới.

Lữ đoàn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật mang tính ứng dựng thực tế cao.
Theo Đại tá Nguyễn Hoàng Bổng, Lữ đoàn trưởng cho biết, ngay sau khi Quân ủy Trung ương ban hành Nghị quyết 382, Đảng ủy, Ban chỉ huy lữ đoàn, cấp ủy, chỉ huy các cấp tập trung quán triệt nhằm nâng cao nhận thức, thống nhất hành động, xây dựng quyết tâm triển khai tổ chức thực hiện bằng nghị quyết chuyên đề, kế hoạch tổ chức thực hiện gắn với Cuộc vận động 50 một cách cụ thể, phù hợp với từng giai đoạn và điều kiện thực tiễn của lữ đoàn; nhất là xác định đúng, trúng các khâu đột phá về xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; xây dựng cơ sở bảo đảm kỹ thuật chính quy; chú trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật; khai thác, sử dụng có hiệu quả VKTBKT hiện có và VKTBKT mới; tập trung bảo đảm VKTBKT đủ số lượng, đúng chất lượng và đồng bộ tốt cho nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ; tổ chức tiếp nhận, cấp phát VKTBKT đúng quy định, bảo đảm an toàn tuyệt đối, hoàn thành 100% kế hoạch.
Thực hiện các biện pháp “đúng, trúng, hiệu quả”
Lữ đoàn coi trọng phát huy vai trò nòng cốt của ngành kỹ thuật trong tham mưu, tổ chức thực hiện; chỉ đạo Phòng Kỹ thuật phối hợp với các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát số lượng, chất lượng vũ khí, trang bị, đảm bảo tính đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ; kịp thời sửa chữa, bổ sung để duy trì tình trạng kỹ thuật, bảo đảm cơ số theo quy định. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm nền nếp công tác kỹ thuật, nhất là thực hiện nghiêm chế độ bảo quản ngày, tuần, tháng; kiểm tra tình trạng kỹ thuật các loại phương tiện, xe máy SSCĐ, kịp thời phát hiện, sửa chữa những hư hỏng phát sinh; duy trì, nâng cao chất lượng chế độ “Giờ kỹ thuật”, “Ngày kỹ thuật” ở đơn vị…

Lữ đoàn luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng xây dựng nguồn nhân lực.
Trước thực trạng lực lượng chuyên môn kỹ thuật của lữ đoàn thiếu so với biên chế, trình độ tay nghề có mặt còn hạn chế, lữ đoàn có nhiều biện pháp phù hợp, như: Thường xuyên nắm chắc số lượng, chất lượng, trình độ, chuyên ngành, bậc thợ của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật; thực hiện đúng quy trình quy hoạch, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ, nhân viên kỹ thuật bảo đảm sử dụng đúng chuyên ngành, phát huy sở trường của từng đối tượng. Đồng thời, tập trung huấn luyện toàn diện, chuyên sâu, lấy thực hành là chính; coi trọng kết hợp thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng, sửa chữa với huấn luyện; tăng cường truyền thụ kinh nghiệm cho nhân viên, thợ kỹ thuật trẻ.
Đi liền với huấn luyện, bồi dưỡng xây dựng nguồn nhân lực, lữ đoàn đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị; củng cố, nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật của đơn vị, nhất là xây dựng nâng cấp kho tàng, nhà xe, trạm xưởng; bảo đảm 100% VKTBKT được cất chứa trong kho. Bằng nhiều nguồn kinh phí, lữ đoàn tiến hành củng cố, nâng cấp khu kỹ thuật với tổng kinh phí 22 tỷ đồng. Lữ đoàn đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật như: Giá nạp đạn pháo BM14; Cải tiến dụng cụ huấn luyện đêm; Thiết bị nổ máy xe cơ động; Thiết bị tạo giả điểm nổ ban đêm; hệ thống làm mát bơm xăng xe chở bình điện đa năng,… làm cơ sở nâng cao năng lực bảo đảm kỹ thuật.

Lữ đoàn thường xuyên tổ chức nhiều hội thi sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm phát huy tính sáng tạo, chủ động nghiên cứu của mỗi cán bộ, chiến sĩ.
Từ 2007 đến nay, lữ đoàn có 1 đề tài sáng kiến cấp bộ, 20 đề tài sáng kiến cải tiến kỹ thuật cấp Quân khu. Hàng năm, toàn lữ đoàn có trên 15 sáng kiến tham gia hội thi sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cấp lữ đoàn. Kết quả hầu hết các sáng kiến đều đem lại hiệu quả thiết thực, áp dụng vào thực tiễn hoạt động huấn luyện, SSCĐ của đơn vị.
Công tác kỹ thuật trong tình hình mới theo tinh thần Nghị quyết 382 của Quân ủy Trung ương là yêu cầu khách quan và là nhân tố quyết định nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kỹ thuật; yếu tố có ý nghĩa quan trọng góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh SSCĐ, bảo đảm cho lữ đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Quỳnh Nhi