70 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh trở lại lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (2-4-1947 – 2-4-2017),Tuyên Quang vẫn khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Bác cùng những sự kiện trọng đại đã diễn ra. Nhớ Bác, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng phấn đấu, xây dựng Tuyên Quang phát triển, xứng đáng với những tình cảm và mong muốn của Người.
Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Bác Hồ quyết định trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến.
Ngày 2-4-1947, Bác về đến làng Sảo, xã Hợp Thành (huyện Sơn Dương), ở nhà ông Ma Văn Hiến. Tại làng Sảo, Bác đã chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng cụ thể hóa đường lối kháng chiến và các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, bàn về ngoại giao, quân sự, tài chính, huy động lực lượng toàn dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời gian ở Tuyên Quang, Bác đã di chuyển hơn 20 địa điểm khác nhau, có nhiều quyết định quan trọng và các hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo cách mạng vượt qua gian khó đến ngày chiến thắng.
Di tích Làng Sảo, xã Hợp Thành (Sơn Dương), nơi Bác Hồ đặt chân khi trở lại lãnh đạo kháng chiến chống thực dán Pháp xâm lược. Ảnh: VH
Những nhân chứng sống ở thôn Làng Sảo giờ đây không còn nhiều. Người gần gũi nhất sự kiện này là ông Ma Kim Ngọc ở thôn Cây Mơ, xã Hợp Thành là em trai ông Ma Văn Hiến cũng đã qua đời. Nhớ lần gặp ông từ vài năm trước, ông còn xúc động chia sẻ: “Đó cũng là lần đầu tiên và là lần duy nhất tôi được gặp Bác. Khi đó, Bác có hỏi tôi làm gì và làm ở đâu? Bác ôn tồn bảo làm gì cũng là làm cách mạng, phải gắng làm cho thật tốt công việc của mình”.
Bây giờ trong thôn chỉ còn bà Vi Thị Hồi, dân tộc Tày, nay đã 90 tuổi. Bà Hồi là vợ ông Hoàng Văn Phúc - một trong những cận vệ của Bác, được Bác đặt tên là Hồ Nhất Trường. Dù đau yếu phải nằm một chỗ, nhưng mỗi khi gợi lại chuyện xưa, ánh mắt bà như sống lại. Bà bảo, ông đi biền biệt theo Bác phục vụ cách mạng, công việc nhà bà phải lo toan hết. Tuy vất vả, nhưng đó cũng chính là niềm vinh hạnh bởi bà cũng đã được tiếp sức cho ông, được đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho cách mạng.
Làng Sảo nay đã được khoác lên mình một chiếc áo mới với đường bê tông phẳng phiu, những ngôi nhà cao tầng nằm bên sườn đồi. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Duy Biền chia sẻ: “Người dân ai cũng hiểu giá trị lịch sử của mảnh đất quê hương. Dù kinh tế không mạnh, nhưng người dân cũng biết tận dụng những lợi thế có được để vươn lên. Thôn hiện đang tập trung trồng hơn 10 ha mía. Một số hộ duy trì chăn nuôi lợn quy mô lớn, làm xưởng mộc, tự tạo công ăn việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng”. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Nguyễn Duy Biền phấn khởi khoe công trình nhà văn hóa thôn vừa hoàn thành với tổng trị giá trên 300 triệu đồng, trong đó người dân đóng góp một nửa.
Quyết tâm làm theo lời Bác dạy
Những năm tháng sống và lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp tại Tuyên Quang, Bác Hồ luôn là tấm gương mẫu mực về tinh thần giản dị, tiết kiệm, quan tâm, yêu thương đồng chí, đồng bào. Bác luôn có quan niệm rằng, khi còn khó khăn, mọi cán bộ, nhân dân cần phải tiết kiệm, hy sinh để vì lợi ích chung.
Ghi nhớ sâu sắc và quyết tâm làm theo lời Bác dạy, trên nền tảng lịch sử, văn hóa, phát huy mạnh mẽ truyền thống của quê hương cách mạng, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, thi đua lao động sản xuất và công tác, giành nhiều thành tựu quan trọng, viết tiếp trang sử vẻ vang trong giai đoạn mới.
Diện mạo thành phố Tuyên Quang hôm nay. Ảnh: VH.
Trong thời gian qua, tỉnh đã hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tổ chức quán triệt, triển khai và cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển với việc hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đến năm 2016, GRDP bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.470 tỷ đồng. Lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, văn hóa - xã hội đã có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang hơn…
Đặc biệt, sự nỗ lực và cố gắng thể hiện bằng kết quả của việc ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả hai nghị quyết quan trọng là Nghị quyết số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ nhân dân gắn với sân thể thao và khuôn viên trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết số 16 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025. Các chủ trương đó đã bước đầu thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân, góp phần hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Thiếu nhi Tuyên Quang dưới Tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
Ảnh: VH
Những năm gần đây, tỉnh đã tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại, thu hút các nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Qua các cuộc xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại giúp cho kinh tế đối ngoại của tỉnh đạt được bước phát triển mới.
Mục tiêu của tỉnh hướng đến trong giai đoạn 2015 - 2020 là vươn lên trở thành tỉnh khá trong các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Với điểm đến được xác định rõ ràng và cụ thể, Tuyên Quang tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác xây Đảng và củng cố hệ thống chính trị, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; trong đó, các cơ quan cấp ủy, đơn vị và những người đứng đầu xây dựng kế hoạch nêu gương đảm bảo thiết thực và hiệu quả./.
Nguồn: dangcongsan.vn