Đóng quân trên địa bàn huyện Côn Đảo cách xa đất liền, điều kiện thời tiết bất lợi, nguồn con giống, cây giống phục vụ cho việc TGSX vẫn còn ít và đắt đỏ, nhưng ai có dịp đến thăm vườn rau tại một số đơn vị như: Tiểu đoàn Bộ binh 2, Đại đội Phòng không 7, Đại đội Pháo binh 9, Đại đội Pháo binh 10… thuộc Ban CHQS huyện Côn Đảo, mọi người không khỏi ngỡ ngàng khi nhìn thấy các chủng loại rau, củ, quả được chăm bón tươi tốt trong doanh trại của các đơn vị.
Các loại rau muống, dền, tần ô... xanh mơn mởn, mọc xum xuê dưới đất; trên giàn là các loại mướp, bầu, bí, khổ qua nặng trĩu quả. Đặc biệt, những loại rau khó trồng như xà lách, củ cải... cũng tươi tốt. Bao quanh vườn rau là hệ thống nhà lưới, nhà màng, giúp quá trình trồng trọt ít bị tác động của thời tiết, sâu bệnh. Khu chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm tại các đơn vị luôn được vệ sinh sạch sẽ. Nguồn nước phục vụ TGSX cũng được các đơn vị chủ động khai thác, sử dụng.
Theo Thượng tá Phạm Văn Non, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Côn Đảo, thực hiện theo Đề án TGSX trong LLVT giai đoạn 2015-2020, từ năm 2017 đến nay, các đơn vị thuộc Ban CHQS huyện Côn Đảo đã được đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất phục vụ TGSX (hệ thống nhà lưới, nhà màng, giàn leo, chuồng trại và các loại dụng cụ kèm theo); công tác tập huấn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho cán bộ, chiến sĩ cũng được triển khai, đã nâng cao hiệu quả về TGSX tại các đơn vị. “Sau khi được đầu tư cơ sở vật chất phục vụ TGSX, các đơn vị đã tiết kiệm được nước tưới, nhân lực chăm sóc, giảm được chi phí phân bón và thuốc trừ sâu bệnh, bảo đảm 100% nguồn rau sạch, một phần lớn thịt tươi ngon các loại cho bữa ăn bộ đội. Đồng thời, sản phẩm dôi dư còn cung ứng ra ngoài thị trường, vừa góp phần bảo đảm rau xanh, thực phẩm cho nhân dân trên đảo vừa tạo nguồn thu cho đơn vị”, Thượng tá Phạm Văn Non cho hay.
Đang cùng đồng đội nhổ cỏ, tỉa bớt trái nhỏ ở khu trồng dưa lưới, binh nhất Nguyễn Thành An, chiến sĩ Trung đoàn Minh Đạm (huyện Long Điền) chia sẻ: “Trước đây, đơn vị phải huy động khoảng 30 chiến sĩ làm nhiệm vụ tưới rau vào sáng sớm và chiều tối hàng ngày. Nhưng từ khi áp dụng trồng rau theo công nghệ mới, chỉ cần vài chiến sĩ là có thể chăm sóc tốt vườn rau của đơn vị. Hệ thống tưới tự động vừa đỡ tốn nhân công, tiết kiệm nước vừa tránh làm hư hại lá và tăng năng suất. Chất lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi tại đơn vị giúp bữa ăn của bộ đội ngon miệng hơn!”.
Đại tá Phạm Phú Ý, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết, ngày 8/10/2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2397/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án TGSX của LLVT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020 với tổng mức đầu tư hơn 24,5 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh; Bộ CHQS tỉnh được giao làm chủ đầu tư. Nội dung chính của đề án là đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển giao khoa học kỹ thuật ngành nông nghiệp, giải quyết vấn đề môi trường trong công tác TGSX của các đơn vị LLVT.
Sau 3 năm triển khai đề án, Bộ CHQS tỉnh đã đầu tư cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí hơn 16 tỷ đồng (đạt 66,4% kế hoạch) tại 17 đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh với tổng diện tích xây dựng nhà lưới, nhà màng hơn 15.200m2, hơn 3.800m2 giàn leo cùng với trang bị hệ thống tưới, vật tư đồng bộ phục vụ trồng, chăm sóc rau xanh. Diện tích chuồng trại đã được xây dựng, cải tạo gần 16.000m2; kèm theo đó là hệ thống xử lý chất thải trong chăn nuôi, bảo đảm vệ sinh môi trường trong và ngoài doanh trại. Sau 3 năm triển khai đề án, tổng sản lượng thịt chăn nuôi đạt 87 tấn, tổng sản lượng các loại rau xanh đạt 173 tấn.
Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án TGSX của LLVT theo lộ trình đến năm 2020, Bộ CHQS tỉnh giao Phòng Hậu cần căn cứ thực tế việc thực hiện đề án tại các đơn vị đã được đầu tư, tham mưu cho Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh điều chỉnh hợp lý các hạng mục, công trình để phát huy hết công năng sử dụng; yêu cầu chỉ huy các đơn vị phải chủ động, sâu sát trong chỉ đạo thực hiện TGSX; tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT, các đơn vị có liên quan tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao công nghệ, nâng cao kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi cho lực lượng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ TGSX tại các đơn vị. “Thông qua đẩy mạnh hoạt động TGSX, các đơn vị LLVT chủ động tạo nguồn thực phẩm sạch cho bữa ăn của bộ đội, góp phần bảo đảm sức khỏe của cán bộ, chiến sĩ trong thực hiện nhiệm vụ quân sự địa phương”, Đại tá Phạm Phú Ý nhấn mạnh.