(QK7 Online) - Ngày 25/8/1945, khoảng 5 ngàn quần chúng thị xã Phan Thiết họp điểm tại các Khu nhà ga, cùng diễu hành qua trước Dinh Tỉnh trưởng (Tóa xứ) rồi tiến về sân vận động. Giữa hàng ngàn người biểu tình, nổi bật lên đội ngũ đồng phục chỉnh tề, mũ ca lô màu cỏ úa giữa có ngôi sao 5 cánh, súng chắc trong tay, đó chính là Giải phóng quân của tỉnh. Ngày 25/8/1945 trở thành Ngày Truyền thống LLVT tỉnh Bình Thuận.
Nhân dân Bình Thuận tiếp tế ủng hộ bộ đội trong kháng chiến chống Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, LLVT tỉnh vừa chiến đấu, vừa xây dựng và trưởng thành nhanh chóng với lối đánh bí mật, táo bạo, thọc sâu. Suốt 9 năm kháng chiến, hầu như không một cứ điểm nào, một đồn bốt nào của địch tại Bình Thuận không bị LLVT tỉnh tiến công, trong đó nổi bật là các chiến thắng: Lầu Ông Hoàng, Duồng, Mương Mán, Ngã Hai, Sông Quao, Thạch Long, Mũi Né, La Dầy, Gia Bát... mãi mãi in đậm trong ký ức của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Bình Thuận.
Bộ đội Trung đoàn 812 LLVT tỉnh Bình Thuận làm lễ xuất quân năm 1965.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, LLVT cùng với Nhân dân tỉnh nhất tề đứng lên. Đến cuối năm 1960, đặc biệt sau chiến thắng Hoài Đức - Bắc Ruộng (tháng 7/1960) thì tiếng súng diệt ác, trừ tề liên tiếp nổ ra khắp nơi, bọn tề ngụy hoang mang, dao động. Sau những trận đánh giành thắng lợi giòn giã của LLVT, quần chúng đứng lên giành quyền khắp nơi, nhiều xã được giải phóng hoàn toàn. Năm 1975, sau 51 ngày đêm (từ ngày 6/3 – 27/4/1975) liên tục tiến công và nổi dậy, quân dân Bình Thuận cùng cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975).
10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn Campuchia (1979-1989), cán bộ, chiến sĩ Quân tình nguyện Việt Nam thuộc LLVT tỉnh đã vượt qua biết bao khó khăn, gian khổ, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, vừa đánh địch bảo vệ dân, giúp bạn tự đảm đương được mọi công việc của mình, để lại ấn tượng tốt đẹp về tinh thần quốc tế cao cả của Quân tình nguyện Việt Nam.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, LLVT tỉnh chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quân sự, quốc phòng địa phương. Tiềm lực khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được tăng cường. LLVT tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể gắn phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng- an ninh; thường xuyên tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ, diễn tập phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; làm tốt công tác vận động quần chúng, trong đó nổi bật là phong trào thi đua “LLVT tỉnh chung tay vì người nghèo – không để ai bị bỏ lại phía sau” và mô hình “LLVT tỉnh tăng cường đoàn kết với dân tộc, tôn giáo”, góp phần ổn định, nâng cao đời sống Nhân dân.
Bộ CHQS tỉnh Bình Thuận tặng nhu yếu phẩm giúp dân vượt khó chống dịch Covid-19.
Trước diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19, LLVT tỉnh phối hợp đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch, không để dịch lây lan trong cộng đồng; xây dựng, quản lý 140 khu cách ly (riêng LLVT tỉnh quản lý 2 khu cách ly với tổng số 300 giường); tổ chức cho hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ tham gia 401 tổ chốt, khu vực phong tỏa, điểm cách ly và tuần tra, kiểm soát địa bàn.
Bộ CHQS tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị vận động các tổ chức, cá nhân quyên góp, hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19; thăm hỏi, tặng quà các khu cách ly và chốt kiểm soát với tổng trị giá trên 35,9 tỷ đồng. LLVT tỉnh phối hợp với các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm thực hiện những “Chuyến xe nghĩa tình quân - dân”, “Siêu thị 0 đồng” hỗ trợ bà con có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hơn 800 triệu đồng, qua đó làm sáng ngời hình ảnh, phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong giúp dân phòng, chống dịch.
Phát huy truyền thống vẻ vang “Tự lực, tự cường, chiến đấu oanh liệt, thắng lợi vẻ vang”, cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh Bình Thuận hôm nay nguyện tiếp nối thành quả các thế hệ cha anh đi trước, nỗ lực phấn đấu thi đua xây dựng Đảng bộ Quân sự tỉnh trong sạch vững mạnh, LLVT tỉnh vững mạnh toàn diện, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Phạm Thanh Điềm