Tặng thưởng cờ Quyết chiến quyết thắng cho đơn vị tham gia Chiến dịch Bình Giã. Ảnh Tư liệu
Cụ thể hóa chủ trương của Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền quyết định mở Chiến dịch Đông Xuân 1964-1965 (Chiến dịch Bình Giã) trên chiến trường miền Đông Nam Bộ. Địa bàn tổ chức chiến dịch rộng gần 500km2, thuộc các tỉnh Bà Rịa (nay là tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), Long Khánh, Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai) và Bình Thuận. Hướng chủ yếu của chiến dịch là tỉnh Bà Rịa. Hai hướng phối hợp là Nhơn Trạch - Long Thành (tỉnh Biên Hòa) và Hoài Đức-Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận). Mục đích của chiến dịch:
Một là, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, làm chuyển biến tương quan so sánh lực lượng, chuyển biến cục diện có lợi cho ta; ngoài bảo an, dân vệ tại chỗ, phải tiêu diệt gọn từ 1 đến 2 tiểu đoàn chủ lực tổng trừ bị và cơ giới của địch đến tiếp viện.
Hai là, tích cực hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng nổi dậy phá thế kìm kẹp và phá ấp chiến lược của địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích. Qua tác chiến buộc địch phải tập trung lực lượng về đối phó, làm giảm lực lượng các nơi khác, tạo thuận lợi cho phong trào cách mạng phát triển đồng đều, phá kế hoạch bình định trọng điểm của địch.
Ba là, mở rộng căn cứ từ Hắc Dịch đến đông và tây Đường 2, nối liền địa bàn miền Đông Nam Bộ với vùng ven biển Quân khu 6; xây dựng các bến tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện trực tiếp bằng đường biển cho chiến trường miền Đông, đáp ứng nhu cầu chiến lược trước mắt và lâu dài.
Bốn là, rèn luyện tác chiến tập trung, nâng cao trình độ kỹ thuật, chiến thuật của bộ đội chủ lực, đặc biệt về chiến thuật đánh vận động; nâng cao trình độ chỉ huy của các cấp và rút kinh nghiệm cho việc tổ chức chỉ huy các chiến dịch sau này.
Cùng với quyết định mở chiến dịch, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Bình Giã được thành lập, bao gồm: Tư lệnh Trần Đình Xu, Chính ủy Lê Văn Tưởng, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Nguyễn Hòa, Phó Chính ủy Lê Xuân Lưu, Phó Tư lệnh Nguyễn Văn Bứa. Để thực hiện mục tiêu đề ra, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Bình Giã huy động lực lượng lớn tham gia, gồm 2 trung đoàn bộ binh (761, 762), Đoàn Pháo binh 80 (4 tiểu đoàn), 2 tiểu đoàn bộ binh (500, 800) chủ lực Quân khu miền Đông; Tiểu đoàn 186 chủ lực Quân khu 6, Đại đội 445 bộ đội địa phương tỉnh Bà Rịa cùng lực lượng dân quân du kích trên địa bàn chiến dịch.
Trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Bình Giã họp thông qua quyết tâm chiến đấu, xác định tư tưởng chỉ đạo, đề ra phương châm của chiến dịch là “tích cực tiến công tiêu diệt sinh lực địch, hỗ trợ cho phong trào chính trị phá ấp, mở vùng, bằng lực lượng ba thứ quân, phối hợp chặt chẽ tiến công quân sự với đấu tranh chính trị và binh vận bảo đảm đánh chắc thắng, tiêu diệt gọn từng đơn vị địch, xây dựng lực lượng ta, mở rộng vùng căn cứ và xây dựng được phong trào, càng đánh càng mạnh”. Phương thức tác chiến chủ yếu của chiến dịch là “đánh địch ngoài công sự, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật phục kích, tập kích vận động tiến công, đánh bại các chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch trên quy mô chiến dịch”. Tư tưởng chỉ đạo chiến dịch là “đánh chắc thắng”.
Vận chuyển khí tài cho chiến dịch Bình Giã. Ảnh Tư liệu
Cuối tháng 11/1964, Đảng ủy Quân khu miền Đông phân công đồng chí Nguyễn Văn Bứa trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 800 và LLVT tỉnh Biên Hòa đánh địch trên hướng Long Thành - Nhơn Trạch; Chính ủy Quân khu tham gia Ban Chỉ huy Hội đồng cung cấp bảo đảm hậu cần, quân y và vũ khí cho chiến dịch; đồng thời trực tiếp chỉ đạo các tổ chức Đảng trong LLVT Quân khu miền Đông tiến hành đại hội, kiện toàn đội ngũ cán bộ của các đơn vị tham gia chiến dịch.
Thực hiện đợt hoạt động nghi binh tạo thế, Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ cho các chiến trường miền Đông Nam Bộ và Quân khu 6 đẩy mạnh tác chiến nhằm tiêu diệt, tiêu hao sinh lực, phương tiện chiến tranh; đồng thời, đánh lạc hướng phán đoán của địch, tạo thuận lợi cho công tác chuẩn bị và mở màn chiến dịch. Thực hiện chủ trương trên, Quân khu miền Đông và Quân khu 6 tổ chức lực lượng tiến công tiêu diệt địch ở nhiều hướng trên địa bàn. Trên hướng Bình Thuận, tháng 11/1964, LLVT địa phương tập kích các ấp chiến lược quanh chi khu quân sự Hoài Đức. Ngày 15 tháng 11 năm 1964, Tiểu đoàn 800 phục kích vận động tiêu diệt 12 xe cơ giới địch, thu 52 súng tại xã Phước Thái, trên Đường 15 từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, buộc địch phải tập trung lực lượng đối phó. Cùng thời gian, Đại đội Công binh tỉnh Biên Hòa tổ chức nhiều trận phục kích giao thông trên tuyến Quốc lộ 1. LLVT huyện Long Thành, Nhơn Trạch phối hợp với du kích xã Phước An, Tam An, Tam Phước, Phú Hội... trụ bám đánh bại nhiều cuộc càn quét của địch, sau đó chuyển sang bao vây, bức rút bốt Phước Nguyên, Tam An, Phú Hữu, tập kích đồn Bình Sơn. Tại khu vực Đường số 2, các địa phương thuộc huyện Xuân Lộc (Long Khánh), LLVT huyện hỗ trợ Nhân dân nổi dậy phá ấp chiến lược Bảo Vinh, Bảo Định, Bình Lộc, Cẩm Mỹ, mở rộng vùng giải phóng bắc Xuân Lộc… Hoạt động của các đơn vị vũ trang thuộc Quân khu miền Đông, Quân khu Sài Gòn - Gia Định và Quân khu 6 ở xa địa bàn mở Chiến dịch Bình Giã đã căng kéo, đánh lạc hướng và làm cho địch phán đoán sai ý định của ta, giữ được bí mật, bất ngờ, chủ động cho hướng chủ yếu của chiến dịch.
Rạng sáng 2/12/1964, pháo binh Miền tập kích chi khu quân sự Đức Thạnh, mở màn chiến dịch. Trong Đợt 1 (2-17/12/1964), các lực lượng tham gia chiến dịch tiến công ấp chiến lược Bình Giã và một số cứ điểm để khêu ngòi, đánh bại cuộc hành quân “Bình Tuy 33” của quân Sài Gòn đến giải tỏa, diệt gọn Chi đoàn 3 thiết giáp. Bước sang Đợt 2 (27/12/1964-3/1/1965), ta tập trung toàn bộ lực lượng, cài thế, kéo địch đến để đánh những trận quyết định bằng các hình thức tập kích, phục kích, đánh quân đổ bộ đường không. Thực hiện nhiệm vụ được giao, LLVT Quân khu miền Đông phối hợp chặt chẽ với lực lượng cấp trên và địa phương, chiến đấu giành thế chủ động trong suốt chiến dịch; thực hiện tốt công tác bảo đảm hậu cần chiến dịch.
Trên hướng chủ yếu, LLVT Quân khu miền Đông và bộ đội địa phương hai tỉnh Bà Rịa, Long Khánh phối hợp bộ đội chủ lực Miền tiến công tiêu diệt ấp chiến lược Bình Giã, tiếp đó tiêu diệt gọn Tiểu đoàn biệt động quân 33, Tiểu đoàn thủy quân lục chiến số 4, đánh thiệt hại nặng 2 tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng trừ bị. Lần đầu tiên LLVT giải phóng diệt gọn một tiểu đoàn thuộc lực lượng tổng trừ bị chiến lược của địch, thu toàn bộ vũ khí. Địch tại chỗ hoang mang, dao động, khẩn cấp cầu cứu. Trước tình hình đó, Mỹ và chính quyền Sài Gòn buộc phải tổ chức cuộc hành quân “Hùng Vương 2” để giải tỏa. Các tiểu đoàn bộ binh của Quân khu miền Đông và Đại đội 445 tỉnh Bà Rịa bám trụ chiến trường, chặn đánh tiêu hao từng bộ phận địch.
Trên hướng phối hợp, LLVT các Quân khu và địa phương đẩy mạnh hoạt động phối hợp với chiến dịch. Ở hướng Nhơn Trạch - Long Thành, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu miền Đông chỉ đạo Tiểu đoàn 800 cùng công nhân cao su Bình Sơn cải trang, dùng 6 xe chở công nhân cạo mủ bất ngờ tập kích diệt đồn biệt kích A16 đóng tại sở cao su Bình Sơn giữa ban ngày, bắt 19 tên, thu 10 súng; phối hợp với du kích huyện Long Thành diệt đồn Tam An và đồn Phước Thọ, hỗ trợ phong trào chiến tranh du kích ở địa phương phát triển. Ở hướng Hoài Đức - Tánh Linh do Quân khu 6 đảm nhiệm, Nhân dân và LLVT tổ chức tiến công nhiều ấp chiến lược, diệt một số quân địch đi tiếp viện, làm tan rã hầu hết lực lượng dân vệ trên Đường 2 và huyện Hoài Đức, phá vỡ nhiều ấp chiến lược, giải phóng Phò Trì ven biển Hàm Tân, bảo đảm căn cứ tiếp nhận vũ khí của miền Bắc bằng đường biển, mở rộng căn cứ tỉnh Bình Thuận.
Phối hợp cùng chiến dịch, các địa bàn lân cận đẩy mạnh hoạt động tác chiến. Ngày 20/12/1964, bộ đội địa phương Vũng Tàu đột nhập trung tâm huấn luyện sĩ quan địch, diệt một trung đội. Ngày 24/12/1964, một tổ biệt động tiến công khách sạn Brink tại trung tâm thành phố Sài Gòn, diệt và làm bị thương trên 100 tên Mỹ, phá hủy 24 xe quân sự và phương tiện chỉ huy liên lạc. Ngày 30/12/1964, Đại đội 304 tỉnh Thủ Dầu Một phục kích diệt gọn đội biệt kích tại Đồng Sổ. Ngày 31/12/1964, bộ đội địa phương Long Khánh phối hợp biệt động thị xã dùng mìn đánh vào một đoàn xe lửa ngay trong thị xã.
Trải qua hơn 1 tháng liên tục chiến đấu, Chiến dịch Bình Giã kết thúc thắng lợi. Các lực lượng tham gia chiến dịch loại khỏi vòng chiến đấu trên 1.700 địch, trong đó diệt Tiểu đoàn Biệt động quân 33, Tiểu đoàn Thủy quân lục chiến 4 và 1 chi đoàn thiết giáp M113, đánh thiệt hại 3 tiểu đoàn biệt động quân (30, 35, 38), 7 đại đội bảo an, làm tan rã hầu hết lực lượng dân vệ trong khu vực; phá hủy và phá hỏng 45 xe quân sự (phần lớn là M113), bắn rơi, bắn cháy 56 máy bay các loại, thu hơn 1 nghìn súng và gần 100 máy thông tin. Phát huy thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã, các địa phương trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, Quân khu 6 liên tục tổ chức các trận đánh địch và giành nhiều thắng lợi; phá vỡ từng mảng ấp chiến lược - “xương sống” của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, làm tan rã phần lớn lực lượng dân vệ. Vùng giải phóng được mở rộng, hình thành thế liên hoàn từ Hắc Dịch và đông, tây Đường 2 nối liền với Chiến khu Đ và tỉnh Bình Thuận của Quân khu 6, mở ra các bến tiếp nhận vũ khí từ miền Bắc chi viện vào trong lúc chiến dịch triển khai và phục vụ lâu dài về sau.
Chiến dịch Bình Giã là chiến dịch tiến công quân sự đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây là loại hình chiến dịch tiến công quân địch bằng sức mạnh tổng hợp quân sự và chính trị, kết hợp cả du kích, bộ đội địa phương huyện, tỉnh và Quân khu với bộ đội chủ lực Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, tiến hành trên một khu vực địa bàn rộng lớn. Chiến thắng Bình Giã khẳng định sự đúng đắn đường lối cách mạng của Đảng, đó là đường lối chiến tranh nhân dân; chứng tỏ sự trưởng thành về mọi mặt của LLVT cách mạng; góp phần vào việc chuyển hóa tương quan so sánh lực lượng trên chiến trường có lợi cho cách mạng, bất lợi cho địch và làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Đánh giá về tác động của chiến thắng Bình Giã, Tổng Bí thư Lê Duẩn khẳng định: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được, đến trận Bình Giã thì Mỹ thấy sẽ thua ta trong Chiến tranh đặc biệt… Trước Bình Giã, Mỹ đã dao động, hoài nghi; tuy vậy, chúng còn tin phần nào các đơn vị cơ động của quân chủ lực nguỵ. Nhưng sau Bình Giã, chúng thấy rõ là Quân đội ta có khả năng tiêu diệt được quân cơ động ngụy”.
Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Bình Giã, một lần nữa chúng ta khẳng định giá trị, ý nghĩa thắng lợi của chiến dịch đối với tiến trình của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kinh nghiệm về quán triệt sự lãnh đạo của Đảng; về tổ chức sử dụng lực lượng; về giáo dục chính trị, động viên tinh thần bộ đội; về công tác dân vận và bảo đảm hậu cần trong Chiến dịch Bình Giã là những bài học quý. Phát huy tinh thần Chiến thắng Bình Giã và truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đoàn kết, quyết thắng”, LLVT Quân khu 7 luôn trung thành vô hạn với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, anh dũng chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân giành những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trong những năm gần đây, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 luôn chủ động nghiên cứu, nắm, dự báo tình hình, kịp thời tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng những vấn đề chiến lược về quốc phòng, an ninh và tổ chức thực hiện phù hợp với thực tiễn, tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện. Sức mạnh tổng hợp trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân trên địa bàn Quân khu được phát huy. LLVT Quân khu được xây dựng theo hướng tinh gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Tiềm lực trong khu vực phòng thủ không ngừng được củng cố, tăng cường. Nhiều đề án, chương trình, mô hình mới, cách làm sáng tạo được Quân khu và các địa phương phối hợp thực hiện có hiệu quả; chất lượng tổng hợp, khả năng SSCĐ của LLVT Quân khu được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn nhanh và bền vững.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7