Hằng năm, thông qua các cuộc kiểm tra, thanh tra của ngành chức năng và thống kê của Ngành Tài chính cho thấy chi phí cho trang bị phục vụ điều kiện làm việc của các cơ quan Nhà nước ở nước ta vào loại nhất, nhì thế giới. Nhu cầu mua sắm thay đổi “mốt mới” đã làm ngân sách Nhà nước mất đi nhiều tỷ đồng. Những cuộc sơ kết, tổng kết, nhận bằng khen, huân chương, kỷ niệm, ký kết thi đua…đều tốn kém hàng trăm triệu đồng để ăn uống, quà cáp biếu xén…
Lãng phí “anh em” của tham nhũng, ăn chơi xa xỉ, kích thích một số “quan tham” móc ngoặc để bòn rút tiền Nhà nước. Ngược lại, tiền tham nhũng thường cũng dành để ăn chơi xa xỉ, rồi sa đọa, nhiều vụ lãng phí, tham nhũng rất nghiêm trọng, có liên quan đến quan chức Nhà nước, trong đó có người là cán bộ cấp cao. Người có chức cấu kết với người có tiền; quyền sinh ra tiền, có tiền dựa vào quyền để sinh ra nhiều tiền. Người có tiền bám lấy người có quyền, đến chừng mực nào đó, chi phối người có quyền. Chúng cấu kết với nhau đục khoét công quỹ Nhà nước. Nói một cách hình tượng, ví như một khối ung thư nằm trong cơ thể con người.
Đại hội XII của Đảng đã nhận định: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nuớc, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước…”. Từ lãng phí, tham nhũng nhiều cán bộ giàu lên nhanh chóng, bất thường và họ biến chất cũng rất nhanh, mua chức, mua quyền, mua danh và chạy án… Đây chính là mối hiểm họa cho đất nước, việc chống lãng phí, tham nhũng là việc sống còn của đất nước, của dân tộc. Tham nhũng, một khi đã trở thành quốc nạn, đã mang tính “hệ thống” “ đe dọa sự tồn vong của chế độ”.
Chống tham nhũng, lãng phí là một nhiệm vụ cấp bách, bức thiết của nhân dân ta hiện nay. Luật Phòng chống tham nhũng, lãng phí đã ban hành. Đảng và Nhà nước cũng đã đề ra nhiều biện pháp, chính sách, dựa vào sức mạnh tổng hợp của nhân dân quyết ngăn chặn, đẩy lùi bọn “giặc nội xâm” này. Chúng ta xác định, đây là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp và không thể một sớm, một chiều được. Quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta đã rõ, từ ban hành Luật, quy định kê khai tài sản; thành lập các cơ quan chống tham nhũng; đến chiến lược chống tham nhũng tính tới năm 2020; có bước đột phá, công khai các thủ tục hành chính trên trang Web của Chính phủ…
Sinh thời, Hồ Chủ tịch căn dặn, nhắc nhở mỗi cán bộ, đảng viên phải trau dồi đạo đức cách mạng: cần, kiệm, liêm, chính; chí công vô tư; tẩy trừ thói tham ô, lãng phí, là những thói xấu phá vỡ đạo lý truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Tuy nhiên, tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu chưa thuyên giảm nhiều và với các thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn. Có thể khẳng định, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí đang được sự đồng thuận sâu rộng của nhân dân cả nước. Đảng đã và đang thể hiện quyết tâm chính trị, kiên trì đi theo con đường XHCN, phấn đấu vì quyền lợi của toàn dân tộc, quyết tâm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển và đến năm 2020 cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cho dù có nhiều chông gai, thách thức, niềm tin sắt son của nhân dân ta với Đảng, nhất định sẽ ngăn chặn, đẩy lùi nạn tham nhũng, lãng phí.
Đúng như bài phát biểu kết luận hội nghị toàn quốc về chống tham nhũng của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng… “Kiên quyết xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa để không tham nhũng, một cơ chế trừng trị, răn đe để không dám tham nhũng, và một cơ chế bảo đảm để không cần tham nhũng …”
Với ý chí quyết tâm và kiên quyết chống tham nhũng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cả hệ thống chính trị. Chúng ta tin tưởng sẽ đạt hiệu quả, nạn tham nhũng sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi. Đáp ứng nguyện vọng sự mong mỏi của nhân dân ta.