Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca hàng tháng đã và đang được tổ chức tại các thôn, tổ dân phố trong tỉnh, được cán bộ, đảng viên đón nhận với tình cảm đặc biệt, hoạt động này cũng đã lôi cuốn được người dân tham gia và dần trở thành ý thức tự giác của mỗi người. Đây là điều có thể khẳng định và minh chứng rõ ràng nhất từ cơ sở.
Chào cờ đầu năm học mới tại Trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt). Ảnh: Báo Lâm Đồng
Qua đó, đã phát hiện được nhiều mô hình hay đem lại hiệu quả thiết thực; trong đó có mô hình tổ chức chào cờ tại các thôn vào sáng thứ 2 đầu tháng của Đảng ủy xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Từ mô hình này, Ban Tuyên giáo, Bộ phận giúp việc ở một số địa phương đã chủ động tham mưu cho cấp ủy cùng cấp chỉ đạo triển khai tốt việc tổ chức chào cờ tại các thôn, tổ dân phố; qua đó, đã tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân về thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ và tích cực hưởng ứng tham gia.
Với thực tế diễn ra tại một số địa phương, Bộ phận giúp việc Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng nhận thấy đây là một cách làm tốt, có ý nghĩa trong thực hiện việc học tập và làm theo Bác; vì vậy, thường trực Bộ phận giúp việc của tỉnh đã hướng dẫn Bộ phận giúp việc các huyện, thành ủy nghiên cứu và tham mưu cho cấp ủy địa phương tổ chức, nhân rộng mô hình này.
Từ khi phát động (tháng 11 năm 2015) chỉ có 04 đơn vị triển khai mô hình chào cờ tại các thôn, tổ dân phố vào đầu tháng (Đức Trọng, Đạ Tẻh, Lâm Hà, Đam Rông) với tổng số 120 thôn, tổ dân phố trong toàn tỉnh. Đến nay, đã có 12/12 huyện, thành ủy triển khai mô hình này với tổng số 834/1.568 thôn, tổ dân phố (chiếm trên 53%): cụ thể, Đức Trọng 109/179 thôn, tổ dân phố; Bảo Lâm 98/136; Đạ Huoai 57/61; Đạ Tẻh 75/105; Cát Tiên 77/81; Di Linh 157/207; Lâm Hà 67/200; Đam Rông 22/52; Đơn Dương 54/105; Lạc Dương 18/33; Bảo Lộc 46/160 và Đà Lạt 54/249.
Trong quá trình thực hiện một số địa phương, đơn vị (nhất là ở thành phố) còn gặp những khó khăn nhất định như: một số thôn, tổ dân phố chưa có hội trường, nhà sinh hoạt cộng đồng, chưa chủ động được thời gian cũng như công tác vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia...Bên cạnh đó, ở một số địa phương, đặc biệt là ở một số xã ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống đã có nhiều sáng tạo, linh hoạt trong tổ chức chào cờ để cán bộ, đảng viên và người dân được tham gia. Điển hình như một số thôn ở xã Đạ Lây (Đạ Tẻh) tiến hành tổ chức chào cờ vào ban đêm gắn với sinh hoạt chi bộ, họp quân dân chính và mời người dân tham gia để phổ biến những chủ trương, chính sách, văn bản mới liên quan đến tình hình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới.... Hay như xã Gung Ré (Di Linh), xã có trên 60% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh sống; cấp ủy xã đã chỉ đạo mặt trận và các đoàn thể tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và bà con thấy được ý nghĩa của việc chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca, tạo đồng thuận trong nhân dân, từ đó có 100% chi bộ thôn tổ chức chào cờ và việc làm này đã diễn ra khá thuận lợi.
Có thể thấy, ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, việc làm ý nghĩa này đã thu hút được khá đông cán bộ, đảng viên và người dân hưởng ứng. Thông qua việc tổ chức chào cờ tại các thôn, tổ dân phố ở các địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân về ý thức trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân, đối với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội; giáo dục, nâng cao tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc, từ đó tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân thể hiện qua việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của mỗi cá nhân; việc tổ chức chào cờ ở các thôn, tổ dân phố cũng đã gắn với việc triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, phát động các phong trào thi đua, các cuộc vận động như: xây dựng nông thôn mới, xây dựng khu dân cư văn hóa,…
Thực tế cho thấy, thời gian tổ chức chào cờ đầu tháng tại các thôn, tổ dân phố không những không ảnh hưởng đến kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như lịch sinh hoạt thường ngày của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; ngược lại còn góp phần giúp địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thông qua những nội dung được phổ biến, trao đổi trực tiếp tại các buổi sinh hoạt chào cờ...
Để tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc ý nghĩa của việc tổ chức chào cờ tại cơ sở, đồng thời phải tiên phong gương mẫu thực hiện theo đúng tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, có như vậy mới vận động và lôi cuốn được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia. Chú trọng phân công, phân nhiệm, đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện ở các thôn, tổ dân phố, đảm bảo việc chào cờ đạt kết quả thiết thực, tránh phô trương, hình thức; nội dung sinh hoạt cần thiết thực, cụ thể gắn với những vấn đề sát với cuộc sống hàng ngày của người dân như việc đảm bảo vệ sinh môi trường, không xả rác bừa bãi, không thả rong gia súc, nhắc nhở người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật, chấp hành tốt luật an toàn giao thông,…; đa dạng hóa hình thức sinh hoạt nhằm tạo sự hấp dẫn để thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Một khi vai trò người đứng đầu được phát huy, cả hệ thống chính trị vào cuộc, chắc chắn việc tổ chức chào cờ ở thôn, tổ dân phố sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh và tạo được sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân./.
Hồng Vĩnh
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lâm Đồng