Theo lý lịch khai trong hồ sơ của cán bộ đi B, Đỗ Chẩm sinh ngày 28/3/1937, quê quán thôn An Mô, xã Triệu Quang, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Bí danh của ông là Vũ An Sơn.
Là con trai trưởng trong gia đình có 5 anh em, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, là học sinh đang ở độ tuổi 16, 17, xác định việc ở lại phía Nam sông Bến Hải, ở bên kia giới tuyến sẽ không có trường học, không có cơ hội học tập, rèn luyện, nên ông cùng các bạn đã “rủ nhau” vượt tuyến với mục đích lớn nhất, rõ ràng nhất đó là“để học tập”. Ông vượt tuyến ra Bắc ngày 25/8/1954, Ty Công an Vĩnh Linh xác nhận, làm chứng về lý do và việc vượt tuyến của ông. Khi ra Bắc, ông có người chú thân nhất ở miền Bắc là Đỗ Quang Tuyến, công tác tại Trường Bổ túc Văn hóa Công nông Khu Việt Bắc, Thái Nguyên, cũng là địa chỉ “khi cần thiết để báo tin”.
Những kỷ vật của ông Đỗ Chẩm
Tinh thần học tập là một điểm nổi bật trong suốt quá trình sống, lao động của ông.Sau khi học xong lớp 7 Trường Phổ thông cấp II Vĩnh Linh, ông được Ty Giáo dục Vĩnh Linh giới thiệu đi dạy, ông trở thành một người giáo viên sư phạm Trung cấp. Từ ngày 20/8/1958 ông tham gia cách mạng tại Ty Giáo dục Vĩnh Linh, thuộc thành phần giai cấp tiểu tư sản. Đến ngày 20/10/1959 thì được giới thiệu đi học trường Sư phạm Trung cấp Quảng Bình và được kết nạp Đoàn ngày 3/3/1960 tại trường. Ông được kết nạp vào Đảng ngày 22/8/1962. Nhận xét về lý lịch và bản thân ông năm 1964, thời điểm trước khi ông nhận nhiệm vụ mới, Ty Giáo dục Vĩnh Linh viết: “Tinh thần thái độ công tác tốt, tích cực, tận tụy, đạo đức tư cách tốt”...
Nếu như trước đây, với quyết tâm ra đi để học tập, thì giờ đây, theo tiếng gọi của miền Nam, trước yêu cầu của cách mạng, ông lại xếp bút nghiên, tiến về miền Nam ruột thịt. Theo điều động của tổ chức - Bộ Giáo dục và theo Phiếu chuyển đi do Ty Công an Vĩnh Linh xác nhận ngày 17/9/1964, ông về Ban Tổ chức Trung ương nhận công tác, nhận nhiệm vụ mới. Trong lá thư gửi lại, ông viết:
“Chú kính mến của cháu.
Hôm trước cháu có gửi cho chú một lá thư chắc chú đã bắt được rồi thì phải. Nếu chú bắt được thì chú nên gửi thư cho cháu.
Cháu tin cho chú biết nay cháu đã ra tại Hà Nội ngày 21/9/1964 rồi. Cháu ra đây để chuẩn bi đi nhận công tác như hôm trước cháu tin cho chú.
Công tác sắp tới chưa biết thế nào và ở đâu, khi nào rõ ràng cháu sẽ tin cho chú biết.
Thời gian qua cũng như trong lúc đi đường đều khỏe cả, không có gì trở ngại.
Chú nhận được thư này của cháu, chắc chú cũng có phần nào băn khoăn về cháu, nhưng trong cái băn khoăn đó, cũng có điều phấn khởi và tự hào về đứa cháu của mình.
Lá thư này không phải lá thư cuối cùng, nhưng nếu nó là lá thư cuối cùng thì chú cũng thông cảm nhé.
Thôi cuối thư chúc chú khỏe để học tập. Sau này có gì thay đổi cháu sẽ biên thư cho chú sau.
À chú! Chú Yến có viết thư cho chú, chú nói với chú Yến đừng viết thư cho cháu.
Xiết chặt tay chú.
Cháu yêu quý của chú.”
Chiến tranh đã lùi xa... đọc lại hồ sơ của người chiến sĩ cách mạng Đỗ Chẩm, đọc lại lá thư ông chưa kịp gửi, càng làm chúng ta - những thế hệ trẻ- cảm nhận hơn nữa lịch sử dân tộc, càng tự hào hơn về thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương, không tiếc tuổi thanh xuân của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc.