Sinh ra và lớn lên tại thôn Nghĩa An, xã Cam Thanh, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - địa danh đã ghi bao chiến công hiển hách - trong một gia đình có truyền thống yêu nước, năm 1952 - 1953, ông Kiêu đã tham gia vào đội thiếu niên ở thôn. Cuối năm 1953, ông đã cùng với anh em du kích tham gia canh gác giữ làng, canh gác vận tải và giúp việc cho tiểu ban thuế nông nghiệp ở thôn, do tham gia các công việc trên nên ông đã bị địch theo dõi và bắt giam trong nhà lao địch và bị tra tấn rất dã man. Ông cùng với các anh em khác bị giam giữ đã tổ chức đấu tranh bảo vệ quyền lợi (lúc này ông mới 17 tuổi). Đây là những lời nhận xét của ông Hồ Viết Thí, công tác tại Bưu điện Truyền thanh tỉnh Hà Tĩnh, là Đảng viên chính thức, người cùng quê và cùng bị giam cầm trong nhà lao với ông Kiêu chứng nhận: anh Hồ Sĩ Kiêu là một học sinh từ khi bị bắt cũng như thời gian giam giữ cùng với tôi, địch tra tấn dã man mà anh vẫn không tiết lộ một lời nào cả, anh luôn giữ tinh thần đấu tranh, khi nghe tình hình đối xử với tù binh cũng như thi hành các chế độ ăn uống, anh vẫn hăng hái đấu tranh cùng với anh em.
Kỷ vật đi B của đồng chí Hồ Sĩ Kiêu
Thực hiện các điều khoản trong Hiệp định Giơ-ne-vơ đã được ký kết, ngày 30/8/1954 ông Kiêu đã được trao trả tự do tại Cửa Hội - Nghệ An. Sau khi được trao trả, ông đã có quá trình công tác và học tập tại một số cơ quan, ngành tại miền Bắc như sau:
Tháng 5/1954: tham gia đắp đê Hưng Nguyên - Nghệ An.
Tháng 2 - 5/1955: Công trường đá Chi Lăng - Lạng Sơn.
Tháng 5-11/1956: Công trường đá Đền Rồng – Ninh Bình.
Tháng 11/1957-12/1958: Công trường đá Phủ Lý.
Tháng 12/1958-8/1959: Công trường đá Lương Phú – Vĩnh phúc.
Tháng 8/1959 đến 1964: Đoạn Toa xe Hà Nội - Tổng cục Đường sắt.
Trong thời gian công tác tại các cơ quan nói trên, với tinh thần và trách nhiệm cao, với tuổi trẻ năng động và nhiệt huyết ông đã được các cấp lãnh đạo có ý kiến nhận xét như sau: Tích cực, có tinh thần trách nhiệm trong công tác, luôn luôn cố gắng hoàn thành trách nhiệm trên giao, ý thức tổ chức kỷ luật tốt, thái độ vui vẻ, tác phong nhanh nhẹn, hòa mình với quần chúng, được quần chúng quí mến.
Ngày 18/6/1963 ông đã được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam, vinh dự này càng tiếp thêm nghị lực để ông hăng say lao động, sáng tạo, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội. Do có nhiều thành tích trong lao động sản xuất và tham gia phong trào của tổ chức Công đoàn, do vậy ông đã nhận được nhiều giấy khen, thư khen của cấp trên: (17 giấy khen, 4 thư khen, 2 bằng thành tích về phong trào);
Trong công tác chuyên môn ông hăng say là vậy, nhưng đất nước đang trong tình cảnh loạn lạc, chế độ ngụy quyền Sài Gòn dưới sự giúp sức của Đế quốc Mỹ, ngày đêm tăng cường các cuộc không kích và càn quét, tàn sát dân thường gây nên những cảnh chết chóc thương tâm, nước mất nhà tan. Đứng trước tình hình đó, ông Kiêu sẵn sàng nhận nhiệm vụ của Đảng để trở về Nam công tác, Trước khi đi B, ông công tác tại Đoạn Toa xe Hà Nội thuộc Tổng cục Đường sắt Việt Nam.
Với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 30/4/1975, đây là một huyền thoại đánh dấu lịch sử oai hùng của dân tộc Việt Nam, từ đây đất nước Việt Nam đã hoàn toàn độc lập, Nam - Bắc sum họp một nhà, non sông về một mối. Nhân dân Việt Nam luôn ghi sâu tình cảm, tôn vinh và tri ân các chiến sĩ anh hùng, các liệt sĩ, các thương binh, bệnh binh, các chiến sĩ quân tình nguyện, cán bộ công nhân viên trên cả nước, họ đã không tiếc máu xương để có được như ngày hôm nay, trong số những người được tôn vinh ấy có ông Hồ Sĩ Kiêu, người con đất Quảng Trị anh hùng.