Trước năm 2003, trên tuyến biên giới dài gần 260km thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước chỉ có 9 đồn biên phòng, nên công tác nắm tình hình gặp nhiều khó khăn và chưa kịp thời. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 về việc xây dựng chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền bố trí xen kẽ giữa các đồn biên phòng, tỉnh Bình Phước đã triển khai xây dựng 13 chốt dân quân thường trực bố trí xen kẽ với 16 đồn, 4 trạm biên phòng tạo thành thế trận liên hoàn vững chắc. Tổng kinh phí xây dựng gần 44 tỷ đồng.
Chốt dân quân thường trực xã Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước tổ chức tuần tra, bảo vệ địa bàn đứng chân
Theo Trung tá Vương Sỹ Mốt, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Thanh Hòa, tỉnh Bình Phước, trong thời gian qua, Đồn Biên phòng Thanh Hòa đã chủ trì phối hợp với các lực lượng, chủ yếu là lực lượng chốt dân quân, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuần tra, kiểm soát, bảo vệ nguyên trạng đường biên, cột mốc. Trong đó, nổi bật nhất là trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ kép bảo vệ biên giới và phòng chống dịch bệnh, xâm nhập biên giới trái phép.
Đồng chí Vũ Viết Quý, Chốt trưởng Chốt Dân quân thường trực biên giới xã Thanh Hòa cho biết: “Từ khi được thành lập đến nay, Chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa thường xuyên phối hợp cùng các đơn vị như Đồn Biên phòng Thanh Hòa, đội tự vệ Trung đoàn 717/Binh đoàn 16, Công an xã Thanh Hòa tổ chức tuần tra, giữ vững đường biên, cột mốc, tạo điều kiện cho bà con an tâm sản xuất, ổn định và phát triển kinh tế. Ngược lại, bà con tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân chính là điểm tựa, là tai mắt, nắm tình hình cung cấp cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại biên giới”.
Chiến sĩ dân quân chốt Thanh Hòa luyện tập phương án chiến đấu bảo vệ chốt
Đến nay, Quân khu 7 đã xây dựng kiên cố được 63/65 chốt dân quân thường trực trên tuyến biên giới liền kề với 58 điểm dân cư biên giới.
Chốt dân quân Bàu Sen (xã Tân Hà, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) tổ chức luyện tập phương án chiến đấu bảo vệ chốt
Trung tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục Dân quân tự vệ, Bộ tổng Tham mưu đánh giá: “Đây là những mô hình được lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện rất chặt chẽ, bước đầu phát huy hiệu quả để các địa phương trên cả nước quan tâm, học tập, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Qua đó xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, góp phần củng cố, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc”.
Biên giới là “phên giậu” của Tổ quốc. Biên giới có bình yên thì đất nước mới phát triển. Do đó, bên cạnh việc xây dựng các chốt dân quân thường trực biên giới vững chắc, việc xây dựng các điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới đã góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, trọng tâm là xây dựng thế trận lòng dân, thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng biên phát triển. Các chốt dân quân thường trực biên giới cùng với các đồn biên phòng và các điểm dân cư liền kề tạo thành thế trận liên hoàn, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, từ sớm, từ xa.