Với trên 250 km đường hầm, địa đạo Củ Chi là một trong những di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước, được thế giới ngưỡng mộ về trí thông minh, sáng tạo, tinh thần chiến đấu anh dũng của dân tộc Việt Nam. Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử to lớn đó, ngay sau ngày đất nước thống nhất, Thành ủy - UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều chủ trương, giải pháp bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.
Đầu năm 1989, UBND Thành phố thành lập Xí nghiệp Liên doanh Sản xuất Vật liệu Xây dựng và Dịch vụ Du lịch (Xí nghiệp Liên doanh Du lịch 87), để khai thác du khách trong và ngoài nước đến với địa đạo Củ Chi. Từ năm 1991 trở đi, Khu di tích phát triển mạnh mẽ: Cơ sở hạ tầng được nâng cấp và mở rộng, tăng nhanh về số lượng khách và doanh thu. Năm 1994, UBND thành phố chuyển Xí nghiệp Liên doanh Du lịch 87 thành Khu Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi trực thuộc Bộ CHQS Thành phố (nay là Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh) với nhiệm vụ xây dựng, bảo tồn, phục chế, giữ gìn công trình địa đạo Củ Chi và các di tích cấp quốc gia khác được giao quản lý, nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ cũng như các đoàn khách ngoại giao, du lịch đến tham quan. Ngày 19/12/1995 – ngày khánh thành giai đoạn I Đền Tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 công nhận là Ngày Truyền thống Khu Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi.
Trong 25 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - UBND Thành phố, Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Thành phố, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng ủy – Ban giám đốc và tập thể cán bộ, công nhân viên, tầm vóc, quy mô của Khu Di tích Lịch sử Địa đạo Củ Chi không ngừng phát triển. Nhiều công trình đưa vào hoạt động làm thay đổi diện mạo, hình ảnh của Khu di tích.
Nổi bật giữa địa đạo Củ Chi là Đền Tưởng niệm Liệt sĩ Bến Dược - nơi lưu danh hơn 45 ngàn liệt sĩ khắp cả nước đã chiến đấu, hi sinh tại Sài Gòn – Gia Định. Đền gồm một quần thể hài hòa, mang đậm bản sắc văn hóa Việt với nhiều công trình kiến trúc độc đáo. Phía bờ sông công viên sau Đền chính là biểu tượng “Hồn thiêng đất nước”. Trong Đền trưng bày 9 không gian khái quát các sự kiện tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân Sài Gòn - Gia Định. Trên 3 mảng tường của Đền là 3 bức tranh về lịch sử và chiến tranh cách mạng. Năm 2005, sách kỷ lục Việt Nam xác nhận đây là “Bức tranh gốm lớn nhất Việt Nam”.
Năm 2003, Khu di tích đưa vào giới thiệu Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi giai đoạn 1961 – 1975 trên diện tích 50ha. Nơi đây không chỉ giúp du khách biết về một vùng quê Củ Chi thanh bình đã chịu nhiều mất mát do chiến tranh tàn phá, mà còn hiểu rõ và cảm phục về tinh thần yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc và sự sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ quê hương. Nhằm để giúp du khách có thể phần nào cảm nhận được sự ác liệt của cuộc chiến tranh, cùng sức chiến đấu kiên cường của đồng bào và chiến sĩ Củ Chi. Năm 2010, Khu Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi đầu tư xây dựng tại Khu tái hiện vùng giải phóng Sa bàn đánh bại trận càn Cedar Falls - trận càn lớn nhất của quân đội Mỹ vào vùng “Tam giác sắt” năm 1967. Và đầu tháng 11/2019, phòng chiếu phim 3D mô phỏng chiến dịch Cedar Falls với trang thiết bị hiện đại đã đưa vào khai thác, giúp du khách hiểu rõ hơn về cuộc sống, chiến đấu từ trong lòng đất của du kích Củ Chi.
Nhằm khắc họa sâu sắc lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường, vẻ vang của Đảng bộ và Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định; tôn vinh, tri ân các đồng chí lãnh đạo, đảng viên, đồng bào, chiến sĩ đã có công lao to lớn trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, năm 2010, Thành ủy, UBND thành phố đã xây dựng Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định để thờ những đồng chí có công lớn với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Tỉnh ủy, Khu ủy, Thành ủy, các đoàn thể, LLVT thành phố trong kháng chiến. Đền thờ được xây dựng trên diện tích 13,5 ha, khánh thành vào năm 2015.
Đến với Địa đạo Củ Chi, ngoài việc tìm hiểu, khám phá địa đạo dài nhất thế giới với những chiến công vang dội, du khách còn được tham quan “Hồ cảnh quan mô phỏng biển Đông” với rừng gỗ quý 3 miền theo hình dáng bản đồ Việt Nam cùng các đảo, quần đảo lớn của nước ta và 3 mô hình tiêu biểu đặc trưng của 3 miền đất nước gồm: Chùa Một Cột - đại diện miền Bắc; Ngọ Môn Huế - đại diện miền Trung và Bến Nhà Rồng - đại diện miền Nam. Khách tham quan còn được trải nghiệm nhiều loại hình dịch vụ hấp dẫn như: Trường bắn súng thể thao quốc phòng, trò chơi bắn súng đạn phun sơn, đi xe điện ngắm cảnh, chạy canô du ngoạn trên sông Sài Gòn và thỏa sức mua sắm các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của vùng đất Củ Chi.
Với ý nghĩa lịch sử và dịch vụ du lịch phong phú, trong những năm qua, Khu Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi đã tổ chức tiếp đón và phục vụ chu đáo, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hàng triệu lượt khách trong nước và quốc tế, đặc biệt là các đoàn khách quan trọng của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nguyên thủ nhiều nước đến tham quan. Năm 2015, Khu Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích quốc gia Đặc biệt, qua các đợt tham gia Hội chợ triển lãm “Ngày hội Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh”, đơn vị luôn được du khách trong nước và quốc tế bình chọn “1 trong 10 điểm tham quan hấp dẫn nhất Thành phố Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, Di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng thống nhất chủ trương và UBND Thành phố đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành lập hồ sơ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ghi vào danh mục di sản thế giới.
Tiếp nối truyền thống cách mạng của cha ông, truyền thống vẻ vang của đơn vị qua 25 năm hình thành, phát triển, tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc và toàn thể cán bộ, công nhân viên Khu Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi không ngừng đoàn kết, năng động, sáng tạo, hoàn thành trọng trách quản lý, phát triển, phát huy sứ mệnh giáo dục lịch sử, truyền thống của Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt nơi “Đất thép thành đồng” của Tổ quốc.
Giám đốc Khu Di tích Lịch sử địa đạo Củ Chi