(QK7 Online) – Sáng nay, 20/4/2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam đã khởi động dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa - điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất tại Việt Nam. Dự án sẽ xử lý ô nhiễm ở những khu vực có nguy cơ cao trong khoảng thời gian dự kiến là 10 năm với các phương pháp xử lý và cô lập như được sử dụng tại Sân bay Đà Nẵng.
Khu vực nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa cần được xử lý
Tham dự Lễ khởi động dự án về phía Việt Nam có đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Việt Nam; Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và đại biểu lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai. Về phía Quân khu 7 có Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7 dự lễ.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đón Ngài Patrick Leahy Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ đến dự lễ
Phía Hoa Kỳ có các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ: Ngài Patrick Leahy (đảng Dân chủ-bang Vermont) là trưởng đoàn cùng 8 Thượng nghị sĩ Hoa kỳ và Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink, Giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene.
Các đại biểu tham dự lễ khởi động dự án đều thể hiện rõ tầm quan trọng của những nỗ lực chung giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong việc làm sâu sắc hơn Quan hệ Đối tác toàn diện thông qua khắc phục hậu quả chiến tranh.
Dự án được Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ rất quan tâm trong khắc phục hậu quả chiến tranh
Năm 2016, USAID đã hợp tác với các cơ quan chức năng của Chính phủ Việt Nam hoàn thành đánh giá ô nhiễm dioxin tại Sân bay Biên Hòa - nơi lưu chứa và chiết nạp dioxin chính trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Theo kết quả đánh giá, khối lượng đất và trầm tích nhiễm dioxin cần xử lý là 500.000m³, gấp khoảng bốn lần so với khối lượng đã xử lý tại Sân bay Đà Nẵng. Tiếp sau hoạt động đánh giá, USAID đã ký các thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam vào đầu năm 2018 cho giai đoạn đầu kéo dài 5 năm với kinh phí cam kết là 183 triệu đô la cho dự án xử lý ô nhiễm dioxin tại khu vực Sân bay Biên Hòa.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Việt Nam: Dự án, đánh dấu một sự kiện quan trọng trong hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về khắc phục hậu quả chiến tranh
Về sự hợp tác giữa hai bên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Về hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực này, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng hai nước đã phối hợp chặt chẽ thực hiện nhiều hoạt động như: nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá môi trường bị ô nhiễm dioxin; thực hiện 8 dự án hỗ trợ y tế, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho người khuyết tật Việt Nam ở một số tỉnh bị phun rải chất da cam; gần đây nhất là xử lý thành công hơn 150 ngàn mét khối đất ở điểm nóng ô nhiễm chất độc dioxin sân bay Đà Nẵng, để bàn giao hơn 32,4 hét ta đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Những kết quả này tuy mới là bước đầu nhưng có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng trân trọng cảm ở sự quan tâm, ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, Nhân dân Hoa Kỳ đã cùng với Việt Nam khắc phục hậu quả chất độc hóa học/ dioxin ở Việt Nam trong những năm qua.
Là một trong những trụ cột quan trọng trong Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, hai nước tiếp tục hợp tác thực hiện sứ mệnh nhân đạo là kiểm kê quân nhân mất tích trong chiến tranh và khắc phục các vấn đề di sản chiến tranh, trong đó có loại bỏ vật liệu chưa nổ, hỗ trợ người khuyết tật và xử lý ô nhiễm dioxin - bao gồm việc hoàn thành dự án xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại Sân bay Đà Nẵng vào tháng 11/2018, một dự án kéo dài 6 năm với trị giá 110 triệu đô la.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Lễ khởi động dự án
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng: Khu vực sân bay Biên Hòa là một trong các điểm nóng bị ô nhiễm chất độc hóa học/dioxin với diện tích đất trên 52 hét-ta cần phải xử lý, tẩy độc, ước tính khối lượng đất là hơn 500 ngàn mét khối cần phải xử lý ô nhiễm dioxin. Theo ước tính của phía Việt Nam và Hoa Kỳ, chi phí xử lý cần trên 390 triệu USD tùy thuộc vào mức độ, yêu cầu xử lý và quy hoạch sử dụng đất.
Có thể nói, đây là một trong những dự án có quy mô lớn nhất thế giới về xử lý chất độc hóa học/dioxin. Cùng với đó là những khó khăn về lựa chọn công nghệ xử lý phù hợp với yêu cầu xử lý triệt để, bảo đảm an toàn đối với con người, môi trường. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tin tưởng rằng với sự nỗ lực của hai phía Việt Nam, Hoa Kỳ và với bài học kinh nghiệm từ dự án xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa sẽ thành công.
Ngài Patrick Leahy Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ: Chúng ta đang loại bỏ Dioxin
Ngài Patrick Leahy chia sẻ thông tin: "Mặt đất bên dưới và xung quanh chúng ta là điểm nóng ô nhiễm lớn nhất còn lại ở Việt Nam. Đây sẽ là một dự án lớn hơn nhiều so với Đà Nẵng và là một trong những dự án khắc phục môi trường lớn nhất thế giới".
Lễ khởi động dự án xử lý dioxin tại Sân bay Biên Hòa - điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất tại Việt Nam
Khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin đối với con người và môi trường là vấn đề được Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương và nhân dân đặc biệt quan tâm. Đây là hoạt động mang tính chất nhân đạo, nhân văn sâu sắc góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, hướng tới thực hiện tốt các mục tiêu phát triển bên vững mà Việt Nam cam kết thực hiện đối với Liên Hiệp quốc.
Tuấn Anh