(QK7 Online) Sáng ngày 7/4/2017. Huyện ủy – UBND huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) tổ chức mít tinh kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng (7/4/1972 -7/4/2017). Tới dự có đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên UVBCT, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; đồng chí Trương Mỹ Hoa, nguyên UVTW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Trung tướng Đặng Quân Thụy, nguyên UVTW Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội.; Đồng chí Nguyễn Văn Lợi, UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy Bình Phước; Đồng chí Nguyễn Văn Trăm, Chủ tịch UBND Tỉnh Bình Phước. Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy, Quân khu 7; Thiếu tướng Trần Hữu Tài, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7; Tham gia mít tinh còn có các vị tướng lĩnh, Cựu chiến binh, các mẹ Việt Nam anh hùng, bà con các dân tộc huyện Lộc Ninh.
Ngày 01/4//1972, chiến dịch Nguyễn Huệ chính thức mở màn bằng trận tiến công có xe tăng thiết giáp của ta phối hợp với các đơn vị tiến vào cứ điểm Xa Mát và cứ điểm Bàu Bưng trên đường 22 (Tây Ninh), địch trong các cứ điểm hướng Tây Ninh rất hoảng sợ, chống trả yếu ớt hầu hết bị tiêu diệt và bắt sống. Trong khi địch lưỡng lự điều chỉnh lực lượng, phòng giữ Tây Ninh. Vào lúc 05 giờ 30 phút ngày 5/4/1972, Sư đoàn 5 (hướng chủ yếu) do Tư lệnh Bùi Thanh Vân và Chính ủy Nguyễn Văn Cúc chỉ huy, có xe tăng phối hợp, dưới sự chi viện của Trung đoàn pháo 42 tiến công đồng loạt nhiều hướng và cụm cứ điểm phòng ngự của địch ở Lộc Ninh. Cùng lúc Sư đoàn 9 dùng lực lượng Trung đoàn 1 và một bộ phận của Trung đoàn 2 cắt đứt đường 13, chiếm cầu Cần Lê, cô lập hoàn toàn địch ở Lộc Ninh với thị xã An Lộc. Trong tình thế nguy ngập địch điều động các lượng về ứng cứu nhưng đều bị lực lượng của ta chia cắt đánh chặn và tiêu diệt. Sư đoàn 5 cùng các lực lượng tăng cường đã chiến đấu mưu trí dũng cảm, lần lược đánh chiếm các vị trị phòng thủ của địch. Địch ngoan cố chống trả, đồng thời điều lực lượng từ biên giới về và từ An Lộc lên để cứu viện. Nhưng trước sự tấn công dũng mãnh các đơn vị của ta đã làm cho địch thiệt hại nặng về lực lượng và phương tiện không còn khả năng chống cự nên rút chạy.
Cùng thởi gian này ngoài việc phối hợp với bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương của huyện và du kích đã tiêu diệt bọn lính bảo an, dân vệ ở các đồn Lộc Tấn, Làng 2, Lộc Thắng, Hoa Lư, Lộc Bình và vây chặn địch ở đồn Ngo Lơ. Đại đội 31 chiến đấu ngoan cường, tuy gặp tổn thất trong chiến đấu nhưng đã kịp thời nhận sự chi viện của trên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng quê hương. Lúc này hàng ngàn công nhân cao su và đồng bào dân tộc S’tiêng, Khơme đã nổi dậy phá kìm, cùng cán bộ, đảng viên, du kích làm chủ hoàn toàn các làng xã. Lộc Ninh đã được hoàn toàn giải phóng.
Đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên UVBCT, nguyên Chủ tịch Nước CHXHCN Việt Nam
tặng hoa cho Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh
Chiến thắng Lộc Ninh (7-4-1972) gắn liền với Chiến dịch Nguyễn Huệ nổi tiếng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần mở rộng vùng giải phóng, hoàn thiện căn cứ Bộ chỉ huy Miền tại Tà Thiết, đồng thời có tác động to lớn buộc Mỹ - Ngụy phải ký kết Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh Việt Nam vào ngày 27-1-1973.
Trong diễn văn ôn lại những chiến công hào hùng của quân và dân Lộc Ninh. Vượt qua thử thách khó khăn sau 45 năm xây dựng và phát triển. Đảng bộ - Chính quyền và nhân dân huyện Lộc Ninh đã vận dụng linh hoạt các nghị quyết của Đảng vào thực tế địa phương, ở từng thời kỳ đều có sự sáng tạo, thể hiện qua những quyết sách về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị phù hợp với đặc điểm, thế mạnh và nguồn lực của huyện. Các chỉ tiêu kinh tế đạt kế hoạch đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng trên 13%/năm. Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch đúng hướng, thu nhập bình quân (năm 2016) đạt 42 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 6,78%. Các hoạt động an sinh xã hội đều đạt bảo đảm tốt, 100% người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân trên địa bàn.
Các Đại biểu tham dự lễ mít tinh
Từ nay đến năm 2020, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lộc Ninh quyết tâm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 10%, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý (nông nghiệp chiếm 66%, công nghiệp - xây dựng 16%, thương mại - dịch vụ 18%); đầu tư xây dựng nâng cấp các công trình, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, không để tái đói; giảm tỷ lệ hộ nghèo. Xây dựng từ 3-5 trường đạt chuẩn quốc gia; 100% trạm y tế xã có bác sĩ, 16/16 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; hằng năm có 90% trở lên hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 70,76% trở lên khu dân cư, ấp đạt tiêu chuẩn văn hóa; số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,5%; số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt 97%, môi trường sinh thái được bảo vệ; hoàn thành xây dựng nông thôn mới từ 7-8 xã. Phấn đấu thực hiện thắng lợi những mục tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, trong giai đoạn mới.
Đã 45 năm ngày giải phóng Lộc Ninh đi qua nhưng lịch sử vẫn còn in đậm những trang sử vàng về chiến dịch Nguyễn Huệ trên vùng đất Đông Nam bộ nói chung và Bình Phước nói riêng.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính ủy Quân khu và các Đại biểu tham dự lễ mít tinh
Trần Rô.