Bàng vuông chịu nắng, gió, phát triển tốt trên đất cát, tạo bóng mát chở che và là biểu tượng trường tồn cho sức sống mãnh liệt của tình quân dân trên đảo. Ở Lý Sơn, loài cây này được trồng không chỉ để chắn sóng chắn gió, giữ cát, chống xói lở và biển xâm thực mà còn để… làm duyên, làm cho vùng biển đảo lãng mạn và giàu chất thơ hơn.
“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”, gắn bó với đảo tiền tiêu, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Lý Sơn đã dày công nghiên cứu, tìm ra phương thức ươm trồng nhằm bảo tồn, nhân rộng loài cây đặc trưng của đảo.
Mô hình ươm giống bàng vuông được Ban CHQS huyện triển khai từ năm 2005, đến nay số lượng cây con đã lên đến hàng ngàn. Từ vườn ươm này, bộ đội đem cây trồng dọc các tuyến đường khu trung tâm hành chính huyện, quanh đảo, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, góp phần phát triển du lịch thân thiện, bền vững. Đây cũng là món quà “đặc sản” giàu ý nghĩa được các du khách thập phương tìm kiếm, sưu tầm, mang về ươm trồng trong đất liền.
Lá bàng vuông to, dày, xanh thẫm. Thân cây chắc và dẻo. Hoa thường nở về đêm, nhụy trắng nõn nà, vươn dài như chùm tia pháo hoa, phía đầu tím biếc với lớp phấn vàng. Khi hoa tàn, những trái bàng con đậu và lớn dần. Trái bàng vuông trưởng thành lớn hơn trái bàng thường gấp nhiều lần, nằm chật trong bàn tay người lớn, có 4 cạnh, nom như những chiếc đèn lồng xinh xắn, đan trĩu cành. Khoảng 3-4 tháng là bàng chín, trái chuyển từ màu xanh sang vàng thẫm và úa dần.
Lý Sơn thời tiết khắc nghiệt, quanh năm hứng chịu nắng gió, mưa bão, hơi nước biển mặn… Kỳ diệu thay, bất chấp những thử thách ấy, rễ bàng vuông vẫn bám chặt vào nền đất đá, vươn lên xanh tốt, cành lá sum suê, tạc nên dáng đứng hiên ngang, kiên cường của vùng đất đầu sóng ngọn gió.
Mỗi mùa xuân đến, hoa bàng vuông lại nở rộ khoe sắc, tỏa hương, nhắc người chiến sĩ thêm một tuổi đời, tuổi quân, càng bền lòng chắc tay súng canh giữ bình yên vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.