Những “làng hoa” rộn rã
Hòa trong không khí đón xuân tưng bừng ấy, chúng tôi dạo quanh TPHCM và các tỉnh lân cận để quan sát không khí đón tết tại các “làng hoa” xem năm nay có gì mới. Tại làng hoa Gò Vấp, bà con nông dân đang tất bật chăm sóc nhiều loại hoa như: Mai vàng, cúc mâm xôi, vạn thọ, cẩm chướng, đồng tiền, hoa lan, hoa hồng... Hầu như không ai ngơi tay, người thì tưới cây, người thì tỉa cành, người thì nhổ cỏ, bón phân… để sao cho hoa nở đúng dịp tết nhằm đem lại niềm vui và sự may mắn cho gia đình người mua. Loài hoa được bà con “nâng niu” chăm sóc nhất vẫn là hoa mai, vì đây là loài hoa “chúa tể” của vùng đất phương Nam mỗi khi tết đến, xuân về. Ngắm hoa mai vàng từ 5 cánh đến 15 cánh tuy “đẳng cấp” khác nhau nhưng đều chung một vẻ đẹp dung dị của người con gái phương Nam và không thua kém gì hoa đào lộng lẫy của miền Bắc.
Tại thành phố Thủ Đức, nơi trước đây được xem như “thủ phủ” trồng hoa mai của TPHCM thì năm nay tuy diện tích trồng mai tuy có giảm nhưng hoa mai vẫn khoe sắc vàng rực rỡ cả một vùng…Tại vùng trồng hoa mai, có những cây mai khổng lồ trị giá từ vài triệu đồng đến vài trăm triệu đồng đang sẵn sàng chờ đón “thân chủ” đến “rước nàng về dinh”. Một bác nông dân nhiều năm trồng mai cho biết: “Những cây mai đắt tiền thường được các cơ quan, công ty, doanh nghiệp, đại gia… đến mua hoặc thuê về chưng trong các ngày tết, sau đó họ trả lại nhà vườn để chăm sóc cho năm sau…”. Đúng là “nghề hoa cũng lắm công phu”, có những cây mai cổ thụ với “thâm niên” và giá rất cao, tùy theo sở thích và túi tiền của người mua.
Đến làng hoa ở “vùng đất thép” Củ Chi đầy nắng gió, chúng tôi thấy bà con nông dân cũng hối hả trồng nhiều loài hoa, trong đó nhiều nhất là hoa phong lan đủ các màu sắc, chủng loại… Tại nhà ông Ba Thư, một nông dân sản xuất giỏi dành hơn 3.000m2 đất để trồng hoa lan. Ông hồ hởi khoe: “Mấy năm nay nhà trồng hoa lan mà thoát nghèo đó…”. Trong những ngày giáp tết này, cả nhà ông tập trung toàn bộ nguồn nhân lực để chăm hoa, bởi trồng hoa lan không dễ dàng chút nào, từ khâu ươm hoa, chăm hoa cho đến khi thu hoạch, đến khâu gói hoa, cho hoa ngậm nước để tươi lâu đều rất phức tạp. Cô con gái lớn của ông Ba Thư nay đã thay cha làm chủ vựa lan ở Củ Chi bộc bạch: “Vì hoa lan bền đẹp và sang trọng nên ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Giáp tết này đã có nhiều shop hoa ở các quận nội thành đặt “mua mối” của gia đình tôi rồi…”. Việc bán hoa có gì mới? chúng tôi hỏi? cô gái đáp ngay: “Giờ là thời buổi công nghệ 4.0 nên nhiều khách mua hàng qua mạng, chủ vựa hoa phải thuê shipper đưa hoa đi các nơi trao tận tay người mua. Những năm gần đây, có tín hiệu vui là hoa lan Củ Chi bắt đầu xuất khẩu nhỏ lẻ ra nước ngoài theo đường hàng không, nhiều du khách Thái Lan, Singapore, Trung Quốc… đặt hàng giao tại sân bay Tân Sơn Nhất để mang về nước làm quà. Nhờ bán chạy nên có những lúc hoa lan “hút hàng”, chủ vựa phải thu mua thêm của bà con quanh vùng để đáp ứng kịp thời nhu cầu thị trường.
Trở lại quê hương “18 thôn vườn trầu” huyện Hóc Môn, chúng tôi thấy bà con nông dân đang hối hả chăm tưới các loài hoa: Cúc đại đóa, vạn thọ, cúc vàng, hoa lài, cẩm chướng…Ngắm vùng đất “trăm hoa đua nở” như thấy sức xuân đang ùa về…. Tại các xã trù phú ven sông Sài Gòn như: Nhị Bình, Đông Thạnh, An Phú Đông… bà con nông dân còn trồng các loài hoa: mai, huệ, lài, cúc, thược dược, cau đỏ, dừa…tạo nên một bức tranh xuân rất phong phú, đa dạng. Tại huyện Bình Chánh, nơi được xem là vùng đất mặn và khô cằn năm xưa, thì nay đã có nhiều đổi thay đáng mừng. Ông chủ vườn mai Hữu Đức tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh cho biết: “Riêng xã Bình Lợi năm nay tăng thêm 10 ha đất trồng mai, trong đó không chỉ trồng cây mai lớn đắt tiền mà còn chiết cành trồng những cây mai bonsai trong các chậu nhỏ để bà con ít tiền vẫn mua được để cùng ngắm mai trong dịp tết…”
Thành phố mang tên Bác ngập tràn sắc xuân
TPHCM là một thành phố “đầu tàu kinh tế” của cả nước, có dân số đông, nhịp sống văn minh, hiện đại… nên mỗi dịp tết đến xuân về, các nguồn hàng hóa dồi dào, trong đó có các loại hoa tết độc đáo từ khắp các tỉnh thành trong cả nước đều tìm cách đổ về để đáp ứng nhu cầu thị trường đầy tiềm năng nơi này. Không chỉ nông dân các vùng ven ngoại thành trồng hoa cung cấp hoa tết cho Thành phố, mà các tỉnh thành cả nước cũng vận chuyển nguồn hoa xuân dồi dào cho Thành phố. Cụ thể như nguồn hoa từ các tỉnh: Đà Lạt (Lâm Đồng), Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và cả các tinh miền Tây Nam Bộ như: Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau… được vận chuyển bằng các đường: Hàng không, đường thủy và đường bộ đổ về thành phố. Tại sân bay Tân Sơn Nhất từ ngày 20 tháng Chạp trở đi là các chuyến bay chở hoa đào từ các vùng: Nhật Tân (Hà Nội), Tây Bắc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình… tấp nập “đổ bộ” xuống sân bay để góp mặt tại các Hội hoa xuân ở các công viên: Gia Định, Lê Thị Riêng, Lê Văn Tám, Hoàng Văn Thụ… Nguồn hoa mai, hoa cúc, hoa lan… từ các tỉnh miền Đông theo đường bộ đổ về thành phố và có mặt trên các nẻo đường khiến ta như đi giữa rừng mai vàng bao la. Chưa hết, nguồn hoa “khồng lồ” từ các tỉnh miền Tây được ghe xuồng chở về thành phố theo đường sông rồi cùng “tập kết” tại Bến Bình Đông, đường hoa Trần Văn Kiểu (Quận 8), chợ Hồ Thị Kỷ (Quận 10), phố đi bộ (Quận 1)… góp phần làm nên bức tranh thành phố rực rỡ sắc xuân…
Thưởng thức hoa xuân, chúng ta không quên công lao người nông dân trồng hoa. Để có những cành đào, cây mai hay các loại hoa khác, người nông dân phải đầu tư công sức, tiền của từ nhiều tháng trước. Vậy năm nay người trồng hoa nghĩ gì? Đa số bà con cùng chung một lời đàp: “Năm nay do kinh tế khó khăn, chúng tôi chỉ lo giá cả bán hoa có đủ vốn không thôi”. Trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Bộ ước tính có khoảng hàng trăm ha trồng hoa với hàng triệu chậu hoa các loại nhưng bà con cũng không biết giá cả thị trường sẽ ra sao nên rất thấp thỏm.
Hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của người trồng hoa mang niềm vui đến mọi nhà, chúng tôi chỉ ước mong sao cho cả người mua lẫn người bán đều cùng vui vẻ như bài hát “Hoa xuân ca” của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Cây sẽ cho lộc và cây sẽ cho hoa/Xuân đến bên kia rồi trời mở ra cánh én/Em đến bên tôi rồi đời mở ra cuộc tình…”.