Hành trình lên đỉnh
Theo người dân địa phương, địa danh núi Cậu bắt nguồn từ việc núi này nối liền với dãy núi Bà ở Tây Ninh, nhưng vì thấp và nhỏ hơn núi Bà nên được gọi là “núi Cậu”. Quần thể núi Cậu gồm 21 ngọn lớn nhỏ, cao nhất là núi Cửa Ông cao 295m so với mực nước biển.
Khác với nhiều năm trước, giờ đây đường lên đỉnh núi đã được xây bậc thang để việc lên núi được dễ dàng hơn. Tuy nhiên từ lưng chừng núi lên đến đỉnh chúng tôi vẫn phải theo lối mòn và vượt qua những khe đá chênh vênh trên sườn núi. Dọc suốt con đường những hàng le dày đặc men theo dốc núi. Tạo nên một khung cảnh nên thơ, trữ tình.
Vừa đi vừa nói chuyện, đại tá Nguyễn Văn Hải, Lữ đoàn trưởng, Lữ đoàn 23 giọng sang sảng: “Hôm nay đoàn đi là thuận lợi đấy. Thời tiết mát mẻ. Đường đi lại có bậc thang. Cảnh thì lại đẹp, thời gian lên đỉnh sẽ nhanh thôi.”
Bậc thang dẫn đến "Cổng trời"
Nói vậy chứ với người ít đi núi thì việc leo lên đỉnh quả là một thử thách. Bậc thang có thuận lợi cho người đi, nhưng cứ liên tục bước lên thì cảm giác mỏi chân dần đến. Hai chân cứ như đeo hai cục chì muốn nhấc lên cũng không được. Quả là khó khăn. Đi hết các bậc thang là đến một khoảng trống để cho mọi người nghỉ chân. Đoàn dừng lại nghỉ ngơi, ngắm cảnh lấy lại sức để chuẩn bị cho cuộc leo núi tiếp theo. Địa điểm này mọi người cũng thường gọi là “Cổng trời”
Đại tá Phạm Văn Tuyến, Chính ủy Lữ đoàn tiếp lời “Chúng ta lên đường thôi, thời gian nghỉ hết rồi, còn một đoạn nữa là đến cổng trời rồi. Đoạn này không có bậc thang nên đoàn phải đi cẩn thận, tránh trượt chân ngã là lăn xuống núi đấy”. Cả đoàn cười vang rồi ai nấy chuẩn bị tiếp tục hành trình lên đỉnh núi Cậu.
Dốc “Cổng trời”
Để có được con đường lát đá này từ năm 2004, sau nửa năm lao động gian khổ và liên tục, con đường dẫn đến “Cổng trời” đã được xây dựng xong bằng sức lực và quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 23, đặc biệt là của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 44.
Trạm trên đỉnh
Sau hơn 40 phút hành trình, chúng tôi đã lên đến đỉnh. Cổng trạm đã xuất hiện trước mắt. Đón chúng tôi ở cổng trung úy chuyên nghiệp Đỗ Thành Nhẫn, Đài trưởng Trạm SK13 vui vẻ bắt tay từng người và mời vào trạm nghỉ ngơi, tham quan. Trạm đang trong thời gian hoàn thiện xây mới nên vẫn còn ngổn ngang gạch đá. Tuy nhiên một trạm mới khang trang, sạch, đẹp đang dần hiện ra sau bao năm cán bộ, chiến sĩ của trạm phải sinh hoạt, học tập ở ngôi nhà cũ đã xuống cấp.
Bảo quản, bảo dưỡng thiết bị thông tin
Để vật liệu xây dựng lên được đến đỉnh núi cũng quả là một kỳ công vì tất cả phải dùng sức người vận chuyển. Chính vì vậy, để hoàn thành công trình thì có công sức, mồ hôi của cán bộ, chiến sĩ ở trạm và đơn vị thi công đã đổ ra rất nhiều.
“Cái ưu tiên và mừng nhất là đưa được nước lên đến đỉnh núi. Cán bộ, chiến sĩ của trạm không còn phải xuống chân núi vận chuyển từng thùng nước lên nữa. Để làm được đường ống ấy, ban chỉ huy Lữ đoàn đã không chỉ đầu tư kinh phí mà còn quyết tâm cao trong thực hiện, với mong muốn có nước sinh hoạt cho bộ đội đỡ vất vả”. Đại tá Phạm Văn Tuyến chia sẻ.
Bảo quản tấm năng lượng mặt trời
Hiện nay, điều kiện sinh hoạt trên trạm đã có nhiều thuận lợi hơn trước vì đã có điện năng lượng mặt trời, có nước sinh hoạt, có các thiết chế văn hóa để phục vụ sinh hoạt hàng ngày của bộ đội. Tuy nhiên, để có được những bữa cơm tươm tất thì việc vận chuyển thực phẩm cũng lại phải bằng sức người, không có gì thay thế được. Hàng ngày, chiến sĩ nuôi quân lại phải xuống núi tiếp nhận lương thực, thực phẩm để cõng lên núi chế biến thành những bữa cơm tươm tất cho bộ đội sau những giờ trực máy.
Trung úy Đỗ Thành Nhẫn chia sẻ: “Cuộc sống của chúng tôi trên trạm hiện nay đã cải thiện rất nhiều. Đường lên núi tuy xa, vất vả nhưng cũng không còn trở ngại như trước đây nữa. Dẫu còn những khó khăn trước mắt, nhưng chúng tôi vẫn đảm bảo tốt công việc của mình để mạch thông tin luôn thông suốt”.
Đại tá Lê Núi Ngự, Chủ nhiệm Thông tin Quân khu 7 kiểm tra thiết bị của Trạm SK13
Thời gian ở trên trạm không nhiều, chúng tôi lại phải chia tay những người làm nhiệm vụ trực và bảo đảm thông tin cho Quân khu 7. Đường xuống núi lại cả một chặng đường dài nữa, nhưng không xa lắm vì chúng tôi đã đến được nơi mà mình muốn đến. Được gặp và trò chuyện với những chiến sĩ thông tin ở đây chúng tôi ngày càng cảm phục những công việc thầm lặng của họ. Họ chính là những bông hoa trên đỉnh núi!.