Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) vừa công bố nghị quyết HĐQT về thời gian và địa điểm tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025.
Cụ thể, ĐHĐCĐ năm nay của Hòa Phát sẽ diễn ra vào sáng ngày 17/4/2025 tại Khách sạn Melia Hanoi, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông là 17/3/2025.
Được mệnh danh là “cổ phiếu quốc dân” nên trong các năm trước, đại hội thường niên của doanh nghiệp thép này luôn thu hút đông đảo người tham gia, hội trường thậm chí không còn chỗ trống.
Tại thời điểm cuối tháng 4/2024, Hòa Phát ghi nhận khoảng 166.000 cổ đông. Với quy mô nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu HPG kể trên, số lượng cổ đông Hòa Phát hiện tương đương dân số một vài quận trung tâm Hà Nội như Hoàn Kiếm hay Tây Hồ.
Cổ đông Hòa Phát quan tâm gì trước ngày đại hội thường niên 2025?
Hiện nội dung phiên họp và các vấn đề dự kiến trình cổ đông vẫn chưa được tập đoàn này công bố. Tuy nhiên, tiến độ dự án Dung Quất 2, chia cổ tức và triển vọng thị trường thép năm 2025 là những chủ đề nhiều khả năng sẽ thu hút sự chú ý của cổ đông Hòa Phát tại đại hội thường niên sắp tới.
Về kết quả kinh doanh năm 2024, Hòa Phát đạt 140.560 tỷ đồng doanh thu, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 12.020 tỷ đồng, tăng 77%.
Hòa Phát cho biết, trong năm 2024 đã sản xuất 8,7 triệu tấn thép thô, tăng 30%. Sản lượng bán hàng các sản phẩm Thép cuộn cán nóng HRC, Thép xây dựng, thép chất lượng cao và phôi thép đạt 8,1 triệu tấn, tăng 20%.
Các lĩnh vực kinh doanh khác cũng ghi nhận những dấu hiệu tích cực. Nông nghiệp Hòa Phát có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch, trong đó sản lượng trứng gà đạt 330 triệu quả.
Doanh nghiệp này hiện sở hữu hơn 1.100 ha đất công nghiệp, và sẽ tập trung thu hút FDI, dự kiến phát triển thêm 3 khu công nghiệp trong thời gian tới, tạo thêm quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật nhằm phục vụ nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tính đến hết năm 2024, tổng tài sản của Hòa Phát là 224.490 tỷ đồng, tăng thêm 36.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.
Trong đó, tài sản cố định chiếm tỉ trọng 30%, tương ứng với giá trị 67.400 tỷ đồng; chi phí xây dựng cơ bản tăng mạnh 146%, lên 63.700 tỷ đồng. Trong khi đó, hàng tồn kho tăng thêm 12.000 tỷ đồng lên 46.500 tỷ đồng, chủ yếu do doanh nghiệp này đầu tư mở rộng dự án Khu liên hợp gang thép Dung Quất giai đoạn 2.
Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả của Hòa Phát tăng thêm hơn 25.000 tỷ đồng trong năm 2024, lên mức 109.842 tỷ đồng.
Tổng giá trị nợ vay là 83.00 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng so với cuối quý 3 và cao hơn hơn 18.000 tỷ đồng so với đầu năm 2024. Trong đó, vay ngắn hạn là 55.882 tỷ đồng, chiếm 67% tổng nợ vay và còn lại là 27.000 tỉ đồng vay dài hạn.
Tại cuộc tiếp đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến thăm Khu liên hợp gang thép Dung Quất mới đây, ông Trần Đình Long cho biết Hòa Phát đang tập trung sản xuất các loại thép chất lượng cao để góp phần thay thế hàng nhập khẩu.
Hiện doanh nghiệp này đang ưu tiên hoàn thành và đưa vào vận hành dự án Dung Quất 2 nhằm đảm bảo ổn định và tiếp tục đầu tư phát triển chế biến sâu các sản phẩm thép chất lượng cao tại Khu kinh tế Dung Quất.
Mục tiêu là tự chủ sản phẩm phục vụ các dự án trọng điểm quốc gia, đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam giai đoạn 2026-2030.
Thúy Hà