Trong các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, có một chiếc chân giả, mà khi nghe hướng dẫn viên của bảo tàng kể về chủ nhân của nó, ai cũng thấy ấn tượng và khâm phục. Đó là câu chuyện về chiếc chân giả của đồng chí Nguyễn Bằng Phi, nguyên là nhân viên Ban Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Bình Dương.
Năm 1966, khi đang trên đường tiếp nhận thông tin, tài liệu, đồng chí Phi bị trúng bom, bị giập nát bàn chân phải; buộc phải cắt ngang ống chân và được điều trị tại Quân y viện tiền phương K24. Sau khi lành vết thương, đồng chí Phi đã mày mò suy nghĩ, thiết kế một chiếc chân giả phục vụ bản thân và giúp cho đồng đội.
Chiếc chân giả của đồng chí Nguyễn Bằng Phi trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Chiếc chân giả gồm ba phần: Phía trên là giá đỡ, như một chiếc phễu, để đút phần đùi còn lại vào, rồi được cột chặt bằng những sợi vải mềm; tiếp đó là phần khuỷu chân, với 4 thanh thép được vít bằng 2 ốc vít có thể chuyển động được như chức năng của bộ phận đầu gối; phần thứ ba là bàn chân được làm bằng gỗ. Điều đặc biệt là mọi chi tiết, bộ phận của chiếc chân giả đều được làm từ những vũ khí, trang bị thu được của quân Mỹ như: Vỏ bom bi, bom chụp, bom napan, đạn pháo sáng, ốc vít máy bay, xe tăng… Đồng chí Phi chia sẻ: “Tôi làm chiếc chân giả hoàn toàn bằng những vật liệu thu được của địch, với mong muốn để đối phương thấy được ý chí bất khuất, quật cường của quân và dân ta. Bom Mỹ đã lấy đi phần chân của tôi, thì tôi lại dùng chính những "sản phẩm" từ những thứ vũ khí giết người hiện đại nhất của chúng để làm chân giả cho mình và đồng đội, để tiếp tục đánh Mỹ”. Chiếc chân giả tự chế được đồng chí Phi sử dụng từ năm 1966 đến 1967 tại chiến trường miền Đông Nam Bộ.
Không dừng lại ở đó, đồng chí Phi còn "nhân mẫu" chiếc chân giả của mình cho nhiều đồng chí thương binh khác cùng bị cụt chân. Hàng trăm chiếc chân giả đã ra đời bằng các loại vật liệu từ vũ khí, quân dụng của Mỹ, giúp cho thương binh không những có thể sinh hoạt gần như bình thường mà còn có thể cầm súng đánh giặc, đồng thời giải tỏa được tư tưởng bi quan vì tàn phế.
Với mong muốn cho thế giới thấy được phẩm chất kiên cường, sáng tạo và lạc quan của những chiến sĩ Giải phóng quân, năm 2011 đồng chí Nguyễn Bằng Phi đã trao chiếc chân giả mà ông gọi là "chân giả của Giải phóng quân" tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, qua đó góp phần giáo dục truyền thống, nhất là cho thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh giành độc lập của dân tộc, những mất mát đau thương của chiến tranh và thêm trân trọng giá trị của hòa bình.
Bài và ảnh: ĐOÀN VĂN NAM
Nguồn: qdnd.vn