Một ngày làm việc của Đội K73 bắt đầu từ lúc gà rừng vừa cất tiếng gáy và kết thúc khi trời đã tối mịt. Đỉnh núi Pot ở ấp Ô Bêng, xã Stưng Kách, huyện Sla Krau, tỉnh Pailin với độ cao hơn 600m so với mực nước biển là nơi được người dân thông tin có 2 HCLS bộ đội Việt Nam. Dù băng qua nhiều nương rẫy, vượt những mỏm đá sắc nhọn, luồn trong những bụi tre đầy gai... cùng những cơn đau từ vết thương rỉ máu do gai đâm, côn trùng đốt hay bàn chân phồng rộp cũng không làm nao núng tinh thần của CBCS.
Mặt trời qua đỉnh đầu cũng là lúc các anh chinh phục được đỉnh núi Pot và nhanh chóng triển khai việc đào tìm HCLS. Từng nhát cuốc bổ xuống chạm vào đá tóe lửa. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng ai cũng quyết tâm, cẩn thận bóc tách từng tảng đá nhỏ. Khi những mảnh vải tăng xuất hiện, Binh nhất Nguyễn Thanh Sang xúc động reo lên: “Chú đây rồi!”. Tiến độ làm việc khẩn trương hơn, người trước khơi đất, rà soát tìm từng mảnh xương; người sau tiếp tục bốc lên tay từng nắm đất người trước đưa, rà soát kỹ lại một lần nữa. Những động tác được CBCS thực hiện nhịp nhàng, thận trọng để không bỏ sót mảnh hài cốt dù nhỏ nhất. Sau 2 ngày tích cực tìm kiếm, 2 bộ HCLS trên núi Pot được quy tập.
Hành trình tìm kiếm, quy tập HCLS không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có những ngày hành quân cả trăm cây số, làm việc xuyên trưa, CBCS đào lên, lấp xuống hàng chục mét khối đất đá nhưng vẫn không có kết quả.
Nơi trú quân vất vả, thực địa cũng không kém phần gian khổ, nguy hiểm. Hầu hết các ngọn núi nơi bộ đội tìm kiếm HCLS đều có bom mìn sót lại sau chiến tranh và rắn rết, côn trùng. Tại núi Doc Cram Bun, xã OOn Đông, huyện Sala Krau, tỉnh Pailin, công binh đi trước rà mìn, mở đường, người đi sau giẫm vào dấu chân người đi trước để tránh nguy cơ vướng bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh.
Thượng úy Nguyễn Tấn An, Tiểu đội trưởng Công binh, Đội K73, chia sẻ: “Có HCLS nằm bên vách đá, chỉ duy nhất một con đường mòn để đi lên nhưng bị cây cối bao phủ, khi đến vị trí đào tìm, sử dụng máy dò, chúng tôi phát hiện một quả mìn vướng nổ. Dùng thuốn kiểm tra, chúng tôi tiếp tục phát hiện thêm 3 quả mìn đè nổ. Đây là loại mìn có vỏ bằng nhựa nên máy dò không thể phát hiện, nếu không rà phá kịp thời thì quá trình đào tìm HCLS, mìn có thể phát nổ, nguy hiểm tới tính mạng anh em”.
Ngời sáng hình ảnh "Bộ đội Cụ Hồ"
Có những câu chuyện thật xúc động về những việc làm ý nghĩa của CBCS Đội K73 trong hành trình đi tìm đồng đội. Một buổi sáng, chị Phay - người dân địa phương, vào phụ giúp chùa Pà Hui thì bị chóng mặt, ngất xỉu. Thiếu úy Hồ Minh Nhật - y sĩ Đội K73, nhanh chóng xử lý và khám bệnh, cấp thuốc. Sau 2 ngày, chị Phay hồi phục sức khỏe. Hôm đơn vị chuyển địa bàn công tác, chị Phay khóc, bịn rịn không muốn chia tay.
Với cậu bé Via Sa Na, có lẽ những ngày bên CBCS Đội K73 là những kỷ niệm không quên. Cha mẹ Via Sa Na thường xuyên đau yếu, không thể chăm lo cho con, vì vậy, gia đình gửi em vào nương nhờ nơi cửa Phật. Biết được hoàn cảnh của bé, CBCS Đội K73 cùng nhà chùa chăm sóc Via Sa Na trong những ngày trú quân tại chùa. Khuôn mặt ngây thơ của Via Sa Na ánh lên niềm vui mỗi khi được nhận quà hay mặc những chiếc áo mới từ CBCS mua tặng. Mỗi buổi chiều, cậu lại quấn quýt bên CBCS chơi đá cầu, đá bóng...
Sau một thời gian, sư trụ trì chùa đã gặp Thượng tá Trần Chí Công đề nghị bộ đội vào ở trong chánh điện để thuận lợi trong sinh hoạt. Nhà sư Chan Pheak Kđey phấn khởi bày tỏ: “Chúng tôi rất vui khi được đón tiếp Đội K73 vào chùa ở. Bộ đội Việt Nam giúp nhà chùa nhiều việc. Về vấn đề tìm kiếm thông tin HCLS bộ đội Việt Nam, nhà chùa đã và đang phổ biến rộng rãi đến các phật tử. Khi có thông tin, nhà chùa sẽ cung cấp cho Đội K73”.
Những việc làm thiết thực xuất phát từ trái tim của CBCS Đội K73 đã chạm đến trái tim của đông đảo người dân nước bạn. Kể từ đó, những chuyến công tác tìm kiếm, quy tập HCLS bên nước bạn luôn được người dân ủng hộ, giúp đỡ. CBCS Đội K73 đã góp phần viết tiếp truyền thống của Quân đội Nhân dân Việt Nam, xây đắp, củng cố tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc Việt Nam - Campuchia.