Ảnh minh họa.
Dự án được thực hiện bởi Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Thăng Long, với quy mô 194ha tại thị trấn Xuân An và xã Xuân Viên. Tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 2.265 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là gần 340 tỷ đồng.
Thời gian triển khai dự án không quá 3 năm kể từ khi được giao đất và thời gian hoạt động là 50 năm.
Trước đó, ngày 13/7 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng ký Quyết định số 639/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Vinhomes Vũng Áng với diện tích 964,84ha và tổng vốn đầu tư hơn 13.276 tỷ đồng.
Hiện Hà Tĩnh đã có 2 khu kinh tế, 3 khu công nghiệp và 21 cụm công nghiệp. Trong đó, Khu kinh tế Vũng Áng rộng hơn 22.700ha, là một trong 8 nhóm khu kinh tế trọng điểm của quốc gia
Trong những năm qua, Hà Tĩnh đang khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhờ thu hút hàng loạt dự án công nghiệp trọng điểm. Nổi bật có thể kể đến như Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và 2, Nhà máy Sản xuất Pin VinES, cũng như Nhà máy Sản xuất Pin Lithium.
Tính đến hiện tại, tỉnh đã cấp phép hơn 1.500 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 145.000 tỷ đồng, cùng 72 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 16,2 tỷ USD.
Song song với các dự án đang được triển khai, Hà Tĩnh cũng đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ hợp tác quan trọng tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050. Nhiều dự án lớn đang từng bước được khởi động, bao gồm Khu công nghiệp Gia Lách mở rộng, Khu công nghiệp phía Tây TP Hà Tĩnh, Khu công nghiệp Bắc Hồng Lĩnh, khu phức hợp thương mại - dịch vụ - du lịch và thể thao phía Tây Nam huyện Thạch Hà…
Theo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hà Tĩnh hướng đến trở thành một trong những cực phát triển của vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh đã tập trung xây dựng các ngành công nghiệp trọng điểm và mở rộng các khu công nghiệp quy mô lớn.
Dự kiến, Hà Tĩnh sẽ hình thành 4 ngành công nghiệp trọng điểm, bao gồm: công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng: Hỗ trợ các ngành công nghiệp phụ trợ và xây dựng hạ tầng.
Bảo Minh