Mới đây, HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại SMC (mã chứng khoán SMC) đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Công ty TNHH MTV SMC Đà Nẵng.
Doanh nghiệp thép này cho biết, đây là đất khu công nghiệp có diện tích gần 28.000 m2 nằm tại phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.
Phía SMC đưa ra mức giá chuyển nhượng là hơn 96 tỷ đồng, đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.
Thép SMC liên tục bán tài sản
Trên thực tế, từ cuối năm ngoái đến nay, doanh nghiệp này đã liên tục phải rao bán tài sản là bất động sản để bù đắp hoạt động kinh doanh.
Trước đó, trong bố cảnh kinh doanh thua lỗ 925 tỷ đồng năm 2023, HĐQT SMC đã thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê, vật dụng, kiến trúc trên đất tại SMC Bình Dương ở đường số 5, khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, Bình Dương. Khu đất này có diện tích 6.197 m2, giá chuyển nhượng 49 tỷ đồng.
Tới ngày 15/1/2024, SMC tiếp tiếp thông qua việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuê và tài sản trên đất tại SMC Tân Tạo 2. Khu đất này ở Lô số 62 - 64 đường số 3, khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP.HCM với diện tích 9.096 m2.
Mức giá chuyển nhượng cho toàn bộ tài sản này là 126 tỷ đồng, đã bao gồm thuế VAT phần tài sản gắn liền với đất và máy móc thiết bị theo quy định của pháp luật.
Tới tháng 4/2024, doanh nghiệp này lại thông qua chuyển nhượng tòa nhà văn phòng tại địa chỉ 681 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM (địa chỉ cũ là 396 Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Khu đất này có diện tích 329,5 m2, giá chuyển nhượng 170 tỷ đồng.
Việc liên tiếp chuyển nhượng tài sản tại Bình Dương, TP.HCM và mới đây là Đà Nẵng được xem là hành động cụ thể hoá Nghị quyết đã được HĐQT SMC thông qua hồi tháng 10/2023 về việc thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nhân sự trong toàn bộ hệ thống, tiết giảm tất cả các chi phí phát sinh.
6 tháng đầu năm 2024, SMC ghi nhận hơn 4.470 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 40% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhờ khoản tiền thu từ hoạt động bán tài sản, doanh nghiệp này báo lãi sau thuế hơn 89 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với khoảng lỗ 386 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Năm nay, hãng thép này đặt kế hoạch doanh thu đạt 13.500 tỷ đồng, lãi sau thuế dự kiến ở mức 80 tỷ đồng. Như vậy, sau 2 quý, công ty đã ghi nhận kết quả lợi nhuận vượt 11% kế hoạch.
Đáng chú ý, tại ngày 30/6/2024, SMC có khoản nợ xấu ngắn hạn hơn 1.288 tỷ đồng đối với các chủ đầu tư bất động sản. Doanh nghiệp này đã phải trích lập dự phòng gần 557 tỷ đồng cho các khoản nợ xấu này. Đây cũng là nguyên nhân chính tác động tiêu cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp thời gian qua.
Đồng thời, SMC còn ghi nhận lỗ khoảng 23% từ khoản đầu tư vào cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình, sau khi hoán đổi khoản nợ trị giá 104,7 tỷ đồng thành cổ phần.
Theo tìm hiểu, CTCP Đầu tư thương mại SMC được thành lập từ năm 1988, tiền thân là Cửa hàng vật liệu xây dựng số 15 thuộc trung tâm Bán buôn bán lẻ vật liệu xây dựng Miền Nam.
Năm 2004, đơn vị này cổ phần hóa và chính thức hoạt động dưới tên gọi CTCP Đầu tư Thương mại SMC. Hai năm sau, công ty này niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã chứng khoán là SMC.
Lĩnh vực hoạt động chính của SMC là thương mại, gia công Coil Center và sản xuất các sản phẩm thép. Trong đó, thương mại thép (thép xây dựng, thép tấm lá, thép hình, xà gồ) là lĩnh vực mũi nhọn, đóng góp tích cực về cả sản lượng và hiệu quả kinh doanh của công ty.
Đối với gia công Coil Center (gia công cắt, chặt, xả băng thép tấm cán nóng; gia công cắt, chặt xả băng thép lá cán nguội), SMC gia công thép và cung cấp ra thị trường.
Thúy Hà