Cầu Trần Hưng Đạo – Phương án đạt giải Nhì cuộc Thi tuyển phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo
Cụ thể, phiên họp xem xét thông qua tờ trình HĐND đối với 3 dự án nhóm A gồm: Dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên và đường dẫn hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa; dự án đầu tư xây dựng cầu Ngọc Hồi và đường dẫn hai đầu cầu; dự án đầu tư xây dựng cầu Trần Hưng Đạo.
Dự kiến ngày 25/2, HĐND TP. Hà Nội sẽ họp kỳ họp chuyên đề để thông qua các nội dung thuộc thẩm quyền; trong đó xem xét thông qua tờ trình của UBND TP Hà Nội về chủ trương đầu tư, xây dựng 3 cầu: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi.
UBND thành phố cũng xem xét thông qua tờ trình của UBND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về ban hành các tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn thành phố; xem xét thông qua tờ trình của UBND trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GRDP của thành phố Hà Nội năm 2025.
Trước đó, ngày 14/1, tại hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng vùng Đồng bằng sông Hồng và công bố quy hoạch Hà Nội, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết thành phố sẽ cố gắng khởi công sớm nhất các cây cầu qua sông Hồng, như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi, vào tháng 5.
Dự án xây cầu Tứ Liên có chiều dài toàn tuyến là 11,5km. Phần cầu chính và đường dẫn hai đầu cầu dài khoảng 5,5km, đường nối đến cầu trên địa bàn huyện Đông Anh dài khoảng 6km. Theo tính toán mới nhất, tổng mức đầu tư toàn dự án dự kiến là 19.000 tỷ đồng.
Cầu Ngọc Hồi có điểm đầu cầu kết nối với điểm cuối dự án vành đai 3,5 (đoạn từ Phúc La, Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ), điểm cuối nối với vành đai 3,5 trên địa phận huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 11.700 tỷ đồng.
Cầu Trần Hưng Đạo nằm khoảng giữa cầu Chương Dương và Vĩnh Tuy. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 14.500 tỷ đồng.
Tâm An