
Dưới “áp lực” và những yêu cầu khắt khe của xã hội ngày nay, để giữ được làng nghề truyền thống điêu khắc tượng gỗ thì yêu cầu về tác phẩm càng phải cao. Nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ càng phải chân thật, mang tới sự gần gũi với người xem. Anh Lê Dương Thừa Hùng một nghệ nhân điêu khắc tượng gỗ ở Hóc Môn, Tp.HCM cho biết, mỗi nghệ nhân không chỉ cần có sự khéo léo của đôi tay, trí tưởng tượng của khối óc, mà còn cần nắm vững những quy định khắt khe về quy trình chế tác tượng, những động tác, dạng thế, kích thước, trang phục và những đặc tính cơ bản của mỗi loại tượng. Với tư duy sáng tạo, tinh tế cùng với đôi tay khéo léo, các nghệ nhân thỏa sức sáng tạo thả hồn vào những “đứa con tinh thần” của mình.
Nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ đã xuất hiện ở nước ta từ hàng ngàn năm nay, đặc biệt là khi xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của con người được nâng cao thì nhu cầu thưởng thức các sản phẩm nghệ thuật điêu khắc lại càng cao hơn. Thậm chí có người sẵn sàng chi số tiền lớn để có thể mua được một sản phẩm điêu khắc có giá trị, nhất là những sản phẩm điêu khắc thủ công.
Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống này, các nghệ nhân tìm kiếm những người thực sự yêu nghề, có tính sáng tạo và con mắt nghệ thuật để truyền thụ kinh nghiệm mấy chục năm trong nghề của mình. Nhờ vậy mà nghề tạc tượng gỗ mới phát triển tới ngày hôm nay. Nhiều nghệ nhân đang nỗ lực “giữ lửa” văn hóa, không chỉ muốn cộng đồng trong nước biết tới mà nhiều khách quốc tế trầm trồ trước nét đẹp của tượng gỗ Việt Nam.