(QK7 Online) - Trong chuyến thăm Sư đoàn 5, Quân khu 7, Trung tướng Lưu Phước Lượng, Trưởng Ban liên lạc truyền thống (LLTT) Sư đoàn 5 tại TP.HCM, nguyên Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị Sư đoàn 5 đã có buổi trò chuyện, giao lưu truyền thống với cán bộ, chiến sĩ sư đoàn nhân kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2023).
Các đồng chí trong Ban LLTT Sư đoàn 5 tham quan sư đoàn.
Dự buổi giao lưu có Trung tướng Triệu Xuân Hòa, Phó Trưởng Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, nguyên Tư lệnh Quân khu 7, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5; Trung tướng Lê Thái Bê, Phó Trưởng Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2, nguyên Phó Sư đoàn trưởng về Chính trị Sư đoàn 5; Trung tướng Từ Ngọc Lương, Phó Trưởng Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, nguyên Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục Quân 2, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5; Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển, Ủy viên Thường trực Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM.
Về phía đại diện lãnh đạo tỉnh Tây Ninh có đồng chí Nguyễn Thị Minh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; đồng chí Lê Thị Bân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh.
Dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của sư đoàn đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển cho biết, chương trình là hình thức sinh hoạt chính trị văn hóa phù hợp với tình hình mới, tạo bầu không khí đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân. Thông qua người thật, việc thật sẽ làm sáng rõ truyền thống đơn vị, qua đó giáo dục lòng yêu nước, yêu Quân đội, tạo cảm hứng phấn đấu, rèn luyện tính kỷ luật của cán bộ, chiến sĩ, đặc biệt là chiến sĩ trẻ. Đồng thời, tạo cầu nối giữa Cựu chiến binh, những người đã trực tiếp chiến đấu, rèn luyện, thưởng thành từ đơn vị với cán bộ, chiến sĩ tại ngũ cùng các cơ quan, đơn vị, địa phương kết nghĩa.
Các đại biểu đến thăm sư đoàn vào ngày 25/4/2023.
Tại buổi sinh hoạt, các cán bộ, chiến sĩ sư đoàn được nghe Trung tướng Lưu Phước Lượng kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình chiến đấu và quản lý, chỉ huy sư đoàn; những trận đánh tiêu biểu của sư đoàn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần vào chiến thắng lịch sử 30/4/1975; những kinh nghiệm trong quản lý, chỉ huy bộ đội; biện pháp để phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục mọi khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển cho biết, chương trình là hình thức sinh hoạt chính trị văn hóa phù hợp với tình hình mới, tạo bầu không khí đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân.
Trung tướng Lưu Phước Lượng thường gọi là Năm Lượng, xuất thân từ gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng. Cha là Đại tá Lê Bình, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Phước Thành, nguyên Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 7. Mẹ là cơ sở cách mạng, hậu duệ của anh hùng dân tộc Thủ Khoa Huân. Đây là gia đình cả nhà là chiến sĩ (Ba mẹ và 7 người con, 3 trai 4 gái cùng tham gia kháng chiến).
Trung tướng Lưu Phước Lượng tham gia cách mạng từ năm 1965, đã trải qua các chiến dịch lớn và từng được giao nhiều trọng trách như: Phó Sư đoàn trưởng về chính trị, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 5, Quân đoàn 4, Quân khu 9 và Phó Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ...
Hiện ông là Trưởng Ban LLTT Sư đoàn 5 tại TP.HCM, cố vấn đặc biệt cho Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM. Ông còn là tác giả của nhiều tập sách và bài báo có giá trị, trong đó có cuốn “Dấu ấn cuộc đời” được cán bộ, chiến sĩ toàn quân và bạn đọc cả nước quan tâm.
Trong chương trình, Trung tướng Lưu Phước Lượng cũng chia sẻ về cuốn sách “Dấu ấn cuộc đời”. Từ một người lính, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ và tài năng của mình, Lưu Phước Lượng đã trở thành một vị tướng của Quân đội ta. Tất cả quá trình công tác, cống hiến đó đã được ông chấp bút qua cuốn sách này.
Trung tướng Lưu Phước Lượng chia sẻ về những kỷ niệm sâu sắc trong quá trình chiến đấu, quản lý, chỉ huy sư đoàn.
Trung tướng Lưu Phước Lượng cho biết, động cơ ông viết cuốn sách là để kể lại quá trình công tác trên các cương vị khác nhau, gắn với những đóng góp cụ thể, từ đó giúp cán bộ, chiến sĩ trẻ tiếp thu, nhận diện trong bối cảnh mới. Đồng thời, ông muốn bày tỏ tấm lòng đến các thủ trưởng, đồng đội đã cùng ông tham gia chiến đấu một thời, trong đó có người vợ của ông là Đại tá Mạc Phương Minh.
Sĩ quan trẻ sư đoàn đặt câu hỏi giao lưu với Trung tướng Lưu Phước Lượng.
Binh nhất Nguyễn Văn Tâm, chiến sĩ Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 chia sẻ: “Buổi sinh hoạt đã giúp chúng tôi hiểu hơn về lịch sử hào hùng của sư đoàn qua hơn 57 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; tỏ lòng tri ân những cống hiến, hy sinh của các thế hệ đi trước trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như ý nghĩa chiến thắng lịch sử 30/4/1975".
Cũng tại buổi sinh hoạt, Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển thông tin về những đóng góp của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM trong nhiều năm qua đến cán bộ, chiến sĩ sư đoàn.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Thông qua hoạt động, tạo sự gắn kết chặt chẽ, đầm ấm hơn nữa giữa Ban LLTT với sư đoàn; khơi dậy niềm vinh dự, tự hào về truyền thống oanh liệt, khí chất anh hùng; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ tiếp tục phát huy thành quả cách mạng của thế hệ cha anh đi trước, phấn đấu, ra sức học tập, rèn luyện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực, chủ động, sáng tạo, tự lực tự cường; khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao; góp phần xây dựng Đảng bộ sư đoàn trong sạch vững mạnh, sư đoàn vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Quỳnh Nhi