Sáng 17-12-2020 trở thành một thời khắc lịch sử của ngành y tế Việt Nam khi liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do các nhà khoa học nước nhà nghiên cứu, điều chế được tiêm cho người tình nguyện.
Dược lực của vaccine ngừa Covid-19 của Việt Nam trên người sẽ dần được chứng minh tính hiệu quả nhưng có hai ưu điểm đã thể hiện. Thứ nhất, cả 3 người tình nguyện tiêm đầu tiên đều không gặp phải những triệu chứng phản vệ tức thì, sức khỏe bình thường. Thứ hai, vaccine ngừa Covid-19 “make in Vietnam” được lưu trữ ở tiêu chuẩn bình thường, khoảng 2-8 độ C. Điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với hoạt động tiêm chủng trên diện rộng, khi một số loại vaccine Covid-19 trên thế giới phải bảo quản ở nhiệt độ đặc biệt, có thể phải tới âm 70oC, gây khó khăn rất lớn cho công việc vận chuyển. Mặt khác, dự kiến, giá vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam chỉ khoảng 120.000 đồng/liều, thấp hơn nhiều so với một số loại đã lưu hành trên thế giới.
Trước khi thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người, các nhà khoa học Việt Nam cũng đã đạt được một thành tựu quan trọng giữa lúc đại dịch đang bùng phát mạnh mẽ. Đó là việc nghiên cứu, sản xuất thành công bộ kit xét nghiệm Covid-19. Tổ chức Y tế thế giới đã chấp thuận, hơn 20 quốc gia đã đặt mua bộ kit này.
Các y sĩ, bác sĩ lấy vaccine chuẩn bị tiêm cho tình nguyện viên. Ảnh: qdnd.vn
Hai thành tựu về y học trên đều có dấu ấn đậm nét của y học quân sự. Đó còn là thành quả của trí tuệ, sự cống hiến và thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao của các nhà khoa học thuộc Học viện Quân y. Để kịp thời cho ra đời những “vũ khí” chống lại “giặc” Covid-19, đã bao đêm những người thầy thuốc chiến sĩ phải thức trắng, phải đối mặt với nguy hiểm rình rập của loại virus chưa từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại.
Nhìn lại năm 2020, trong cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, Quân đội ta đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Trong cuộc chiến phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, Bộ đội Cụ Hồ đã chứng tỏ vai trò nòng cốt. Và trong nhiều lĩnh vực khác, như: Xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đem cái chữ tới vùng sâu, vùng xa... hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân đội nhân dân luôn tỏa sáng.
Lo cho sức khỏe, tính mạng nhân dân, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân là một trong những biểu hiện sâu sắc của giá trị nhân văn trong văn hóa quân sự Việt Nam.
Giá trị nhân văn quân sự ở Việt Nam được tích tụ trong hàng nghìn năm qua. Trong lịch sử Việt Nam, không có thời đại nào, thế hệ nào không dùng sức mạnh của tinh thần nhân văn trong đánh giặc và bảo vệ độc lập, chủ quyền dân tộc. Thời mất nước, chúng ta phải tiến hành các cuộc chiến tranh là vì kẻ thù muốn cướp nước ta, nô dịch nhân dân ta. Do đó, hoạt động quân sự của chúng ta là chính nghĩa, đối lập với sự xâm lược, nô dịch của bè lũ cướp nước. Sự đối lập này cũng cho thấy chỉ có mục đích quân sự chính nghĩa, tự vệ mới có giá trị nhân văn. Thời hòa bình, cùng nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, Quân đội ta trở thành lực lượng nòng cốt trong nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội... trở thành chỗ dựa vững chắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Đó cũng chính là những giá trị nhân văn của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bởi thế, nhân dân đã lấy tên vị lãnh tụ kính yêu để vinh tặng quân đội: "Bộ đội Cụ Hồ". Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh nên đã trở thành “Quân đội nhân dân”. Nội hàm ý nghĩa của hai tên gọi ấy đã nói lên đầy đủ giá trị nhân văn của Quân đội ta-quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng!
Huy Đăng
Nguồn: qdnd.vn