(QK7 Online) - Ngày 5/7, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Quận 1, TP.HCM, Quỹ “Mãi mãi tuổi 20”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam, Quỹ Hòa bình Mỹ Lai và Câu lạc bộ “Trái tim người lính” phối hợp tổ chức buổi gặp mặt tác giả và nhân chứng lịch sử bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2020).
Giao lưu với Nhà văn, Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng.
Đây là bộ sách của nhiều tác giả, do Nhà văn, Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chủ biên, được Quỹ “Mãi mãi tuổi 20” và Câu lạc bộ “Trái tim người lính” bản thảo, Nhà xuất bản Hội Nhà văn cấp phép ấn hành.
Phải mất 16 năm (2004 - 2020) Nhà văn, Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng và các cộng sự mới hoàn thành công trình tâm huyết này. Điều đặc biệt là nhiều tác giả góp mặt trong bộ sách này đã không còn nữa. Họ ngã xuống ở chiến trường, bị thương hoặc vì di chứng chiến tranh, nên đã mất sau khi trở về.
Nhà văn, Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng giao lưu, trò chuyện với thân nhân liệt sĩ.
Bà Trần Hồng Dung, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ "Mãi mãi tuổi 20" (bên trái) tặng sách cho khách mời.
Nhà văn, Cựu chiến binh Đặng Vương Hưng chia sẻ: "4 tập sách là những trang nhật ký đáng tin cậy. Tất cả những gì ta đọc được ở đây là sự thật, dù nó có thể thô ráp, nhưng tươi ròng và sống động, bởi hoàn toàn là những con người thật, những địa chỉ thật, những sự việc thật và những tâm trạng rất thật. Bởi họ viết những trang nhật ký này là viết ngay tại chiến trường, viết trong đói khát, trong bom đạn và chết chóc. Chỉ khi cái chết cận kề thì tiếng nói con người mới vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do và sự dâng hiến trọn vẹn cho Tổ quốc".
Tặng hoa cho nhóm tác giả.
Bộ sách là công trình có giá trị cao về nội dung tư tưởng, mang thông điệp về cái đẹp và mang tính nhân văn sâu sắc. Có thể xem là một tượng đài Di sản phi vật thể mà các Anh hùng - Liệt sĩ, các cựu chiến binh để lại cho thế hệ sau.
Quỳnh Nhi