Sáng kiến từ thực tiễn
Tốt nghiệp ngành Vũ khí, Trường Sĩ quan Kỹ thuật quân sự, Trung úy Ngô Trần Quang Minh về nhận công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Cần Đước với chức danh Trợ lý Quân khí, Ban Hậu cần kỹ thuật. Hơn 1 năm công tác tại đơn vị, Trung úy Quang Minh nhận thấy trong quá trình sử dụng đạn để kiểm tra bài bắn có một số lượng không nhỏ đạn bắn không nổ, phải tiến hành xử lý. Tuy nhiên, từ trước đến nay, việc xử lý số đạn này đều được thực hiện thủ công, vừa khó khăn, vừa tốn thời gian lại tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn.
Sau nhiều lần suy nghĩ, Trung úy Quang Minh đã tạo ra thiết bị có thể xử lý số đạn “lép” vừa nhanh lại an toàn. Khi có ý tưởng, anh bắt tay vào thiết kế bản vẽ kỹ thuật. “Những phác họa đầu tiên về mô hình thiết bị xử lý đạn kém chất lượng và đạn bắn không nổ dần hình thành. Chỉ mất khoảng 1 tuần và một vài điều chỉnh, góp ý nhỏ, tôi hoàn thành được bản vẽ chi tiết trước khi gia công sản phẩm”. Trung úy Quang Minh cho biết.
Theo Trung úy Quang Minh, thiết bị được anh hoàn thành khá đơn giản với 3 bộ phận chính gồm đế thiết bị được làm bằng thép, phía trên gắn các buồng chứa thân đạn, phía dưới có chân đế và vị trí để chìa bẻ đầu đạn. Phần buồng chứa thân đạn được gia công bằng 3 khối thép hình trụ được khoan lỗ với kích thước tương ứng với thân đạn. Phần cuối cùng của thiết bị là chìa bẻ đầu đạn.
“Với thiết bị xử lý đạn kém chất lượng và đạn không nổ, thao tác xử lý đạn sẽ nhanh hơn rất nhiều. Nếu trước đây xử lý thủ công cho 1 viên đạn phải mất từ 1-2 phút thì nay chỉ cần từ 5-10 giây là có thể xử lý xong. Hiện thiết bị có thể xử lý các loại đạn như K51, K56 và K53, đây đều là những loại đạn rất phổ biến trong huấn luyện, diễn tập. Với cấu tạo gọn, nhẹ, dễ sử dụng và an toàn, thuận tiện khi mang ra thao trường, tôi hy vọng thiết bị sẽ được ứng dụng rộng rãi cho nhiều đơn vị trong thời gian tới”. Trung úy Quang Minh chia sẻ.
Về dự định sau này, Trung úy Quang Minh cũng cho biết, tiếp tục cải tiến thiết bị để có thể xử lý thêm nhiều loại đạn, phù hợp với yêu cầu công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Tại Hội thi Sáng kiến kỹ thuật lực lượng vũ trang tỉnh năm 2022, thiết bị xử lý đạn kém chất lượng và đạn bắn không nổ của Trung úy Quang Minh được Ban Tổ chức trao giải nhì.
Khắc phục nỗi sợ cho chiến sĩ mới
Thượng úy Trương Thế Vuy, Trợ lý Dân quân tự vệ, Ban CHQS huyện Bến Lức, trưởng thành trong gia đình có truyền thống cách mạng tại xã Mỹ Hạnh Bắc, huyện Đức Hòa. Cách đây vài năm, khi đang công tác tại Trung đoàn 271, Sư đoàn 5, trong suốt quá trình huấn luyện chiến sĩ mới (CSM), Thượng úy Trương Thế Vuy thấy rằng giữa quá trình bắn đạn thật và quá trình luyện tập còn có khoảng cách nhất định. Trong huấn luyện trước khi bắn đạn thật, đa số các đồng chí trung đội trưởng, tiểu đội trưởng chỉ truyền thụ kinh nghiệm bắn súng cho CSM nghe và tưởng tượng quá trình bắn đạn thật. Điều này dẫn đến chiến sĩ chưa được tiếp cận một cách cụ thể, nhất là về độ giật và tiếng nổ của súng tiểu liên AK trong quá trình bắn đạn thật. Vì vậy, hầu hết CSM đều run, sợ trước tiếng nổ, sức giật của súng trong quá trình bắn đạn thật. Cũng từ đó, Thượng úy Trương Thế Vuy có ý tưởng thiết kế thiết bị mô phỏng độ giật và âm thanh của súng tiểu liên AK giúp CSM làm quen trước khi bắn đạn thật. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều, ý tưởng đó của anh vẫn chưa thể thực hiện được.
Sau khi về nhận nhiệm vụ tại Ban CHQS huyện Bến Lức, nhất là thời điểm tháng 3/2022, khi Thượng úy Trương Thế Vuy được tăng cường cho Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 738 huấn luyện CSM. “Trong quá trình huấn luyện, những câu hỏi rất bình thường như khi bắn đạn thật, súng có giật mạnh không, có đau lắm không? Súng giật có làm gãy xương mình không? Tiếng súng nổ có lớn lắm không, có làm ù tai mình không? của CSM dù thuần túy nhưng ẩn sâu là một nỗi lo khi lần đầu làm quen với súng. Bởi trước khi nhập ngũ, rất ít chiến sĩ đã tham gia bắn đạn thật, hầu hết đều tiếp xúc và sử dụng súng lần đầu tiên nên áp lực tâm lý trong quá trình bắn đạn thật là không thể tránh khỏi. Điều này càng thôi thúc tôi phải sáng chế bằng được thiết bị giúp CSM làm quen trước khi tham gia bắn đạn thật”. Thượng úy Trương Thế Vuy cho biết.
Ban đầu, Thượng úy Vuy chỉ nghĩ sẽ làm một thiết bị đơn giản nhưng càng làm những ý tưởng mới cứ thế nảy ra giúp anh hoàn thiện thiết bị. “Cái khó là khi tôi bắt tay thực hiện ý tưởng khi chưa định hình được khuôn mẫu, các bộ phận liên quan. Tất cả chỉ là những phác họa bằng tay trên giấy A4. Trong quá trình làm, tôi cũng phải sửa đi, sửa lại nhiều lần, có những lúc tưởng chừng đã thất bại. Khó nhất trong quá trình thực hiện là khi thiết kế âm thanh mô phỏng tiếng súng phải bảo đảm không có độ trễ. Tuy nhiên, thuận lợi là trước khi vào quân ngũ, tôi có thời gian làm cơ khí nên khi kết hợp với kiến thức quân sự nên những khó khăn dần được tháo gỡ. Sau 3 tháng vừa làm, vừa sửa, thiết bị mô phỏng độ giật và âm thanh của súng tiểu liên AK dần hoàn thiện”. Thượng úy Trương Thế Vuy chia sẻ.
Với thiết bị này, khi luyện tập bắn súng AK trên thao trường sẽ tạo độ giật và âm thanh như bắn đạn thật. Áp dụng mô hình này trong huấn luyện giúp bộ đội, nhất là CSM có cảm giác như bắn đạn thật. Bước đầu, thiết bị này được Ban CHQS huyện Bến Lức áp dụng vào huấn luyện dân quân tự vệ đạt kết quả tốt. Tại Hội thi Sáng kiến kỹ thuật lực lượng vũ trang tỉnh năm 2022, thiết bị mô phỏng độ giật và âm thanh của súng tiểu liên AK đoạt giải nhì; tại Hội thi nghiệm thu sáng kiến cấp Quân khu, thiết bị của Thượng úy Trương Thế Vuy được công nhận sáng kiến giải C.