(QK7 Online) - Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích (1940 - 2015), có những ca khúc gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ, mà tiêu biểu trong số đó phải kể đến “Đưa cơm cho mẹ đi cày”. Ca khúc được ông sáng tác năm 1966, khi đất nước còn đang chia cắt hai miền, miền Bắc là hậu phương lớn cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam đánh giặc giải phóng quê hương.
Ảnh minh họa.
Bài hát “Đưa cơm cho mẹ đi cày” của nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích với những giai điệu ngọt ngào, mượt mà, trong trẻo, phù hợp với tâm lý của trẻ nhỏ, lời ca trong bài hát có lúc thật da diết, tình cảm: “Mai đây chiến thắng bố về, bố nghe mẹ kể chuyện con bé lon ton, khi con đưa cơm cho mẹ vui đi cày”.
Nhớ lại những năm tháng đó, người làm nông nghiệp ở các vùng quê miền Bắc phải canh tác ở những “cánh đồng làng” và cả trên những “cánh đồng xa”. Việc đưa cơm cho mẹ buổi trưa diễn ra cả ở những cánh đồng làng khi mà khoảng cách từ ruộng về nhà không đủ gần để mẹ có thể dắt trâu, bò về nhà ăn cơm, rồi lại ra đồng buổi chiều, bởi cày một thửa ruộng lớn thường mất cả ngày. Nếu mẹ không mang theo cơm nắm từ buổi sáng thì những đứa trẻ sau khi đi học về, ăn trưa xong thường phải đem cơm nắm, muối vừng cho mẹ và thường được gói trong những chiếc mo cau. Những bữa cơm đơn sơ ấy thường chẳng có rau và thịt bao giờ:
“Mặt trời soi rực rỡ
Gió đùa tóc em bay
Giỏ cơm trên tay
Em đi đưa cơm
Cho mẹ em đi cày”
Khi cơm được mang đến, mẹ thường chọn những chỗ có tán cây, dù có thể chỉ là tán cây mua ven những con mương để ăn trưa và nghỉ ngơi chốc lát. Trong khi đó chú trâu được người con “chăm sóc” bằng cách cho tắm bùn ở những mương nước và được ăn cỏ ở ven các bờ mương, bờ ruộng:
“Mẹ ơi, mẹ nghỉ tay
Trời trưa vừa tròn bóng
Mẹ ăn cơm cho nóng
Để trâu cho con chăn (ớ) chăn trâu”
Với những đứa trẻ thời ấy, việc được đưa cơm cho mẹ sau những buổi trưa đi học về như thế cũng thật là hạnh phúc. Và những câu thơ tiếp theo của bài hát là ước mơ về một vụ lúa bội thu.. trong mùa bội thu này là có công lao của người mẹ tảo tần cày, cấy, chăm sóc trên đồng và có cả công đóng góp bé nhỏ của người con khi tiếp sức đưa cơm cho mẹ, để mẹ được nghỉ ngơi đôi chút trong buổi trưa hè oi bức, nóng nực và lại tiếp tục cho công việc buổi chiều:
“Mai lúa thơm xóm, thơm làng
Lúa thơm lừng cả bàn tay
Là thơm nắng hôm nay
Khi em đưa cơm,
Cho mẹ em đi cày”
Những câu thơ trong lời 2 của bài hát là mô tả về những niềm vui và việc hang hái thi đua của bố trong giết giặc ở chiến trường giải phóng quê hương, đem thống nhất về cho đất nước, là mẹ cùng thi đua trong lao động sản xuất làm ra nhiều sản phẩm chi viện cho chiến trường góp sức đánh giặc, là người con thi đua chăm ngoan, học giỏi và biết giúp đỡ mẹ trong công việc, với việc “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” …đồng thời cũng là niềm tin vào thắng lợi của cuộc kháng chiến, khi đó bố sẽ trở về sum họp cùng gia đình, cùng dựng xây gia đình và quê hương, đất nước:
“Đường hành quân diệt Mỹ
Bố hỏi cuối thư vui
Lúa xuân thêm bông
Ngô khoai xanh tươi
Ai giỏi giang tay cày
Mẹ ơi mẹ hẳn vui
Chiều qua đọc thư bố
Lời bố khen con nhớ
Mẹ đảm đang, con chăm ngoan,
Lúa lên mau
Mai đây chiến thắng bố về
Sẽ nghe mẹ kể chuyện con
Rằng con bé lon ton
Khi con đưa cơm
Cho mẹ vui đi cày”
Nghe bài hát, chúng ta thật cảm xúc về người mẹ “ba đảm đang” và thật yêu nét nhí nhảnh, dễ thương, cái dáng lon ton của đứa con ngoan đội nắng đi đưa cơm cho mẹ. Những cảm xúc từ thời xưa ấy vẫn vẹn nguyên đến tận bây giờ và mỗi dịp về quê, ta thường hồi tưởng lại…mặc dù bây giờ việc cày cấy ở quê được cơ giới hóa gần như hoàn toàn, nhưng những kí ức đó không thể nào quên của một thời khó khăn, gian khổ của dân tộc ta, một dân tộc tự lực, tự cường từ đất dấy lên cùng chung sức xây dựng non sông giàu mạnh và bảo vệ vững chắc Tổ quốc của chúng ta từ xưa cũng như nay trong đó có sự chung tay góp sức của toàn thể người dân đất Việt: Già, trẻ, gái, trai và cả những thiếu niên với việc “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” để xây dựng non sông đất nước Việt Nam ta ngày càng hùng mạnh.
Lê Huy Chung