(QK7 Online) - Đồng chí Võ Chí Công - Người cộng sản kiên trung, một cán bộ tài năng của Đảng trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; là tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ðồng chí Võ Chí Công trong một lần về thăm người dân huyện Hiệp Ðức, căn cứ cách mạng của Khu ủy Khu V. Ảnh tư liệu
Người con ưu tú của quê hương Quảng Nam
Ðồng chí Võ Chí Công tên thật là Võ Toàn, sinh ngày 7-8-1912, tại làng Khương Mỹ, xã Tam Xuân, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam – vùng đất văn hiến, giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng. Ðược nuôi dưỡng trong một gia đình trí thức yêu nước, đồng chí Võ Chí Công thừa hưởng truyền thống yêu nước, bất khuất của quê hương và gia đình, sớm trở thành một thanh niên yêu nước, nhiệt huyết tham gia cách mạng.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng liên tục, dấu chân của người chiến sĩ cộng sản trung kiên Võ Chí Công đã in dấu khắp chiến trường. Đối với quê hương Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công để lại dấu ấn sâu sắc với vai trò của một nhà lãnh đạo xuất sắc, nhà thực tiễn cách mạng có tầm nhìn chiến lược, luôn xuất hiện đúng lúc lịch sử cần. Đối với nhân dân Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công là đại diện tiêu biểu cho phẩm chất, tính cách và khát vọng của con người xứ Quảng. Ở con người ấy, toát ra sự giản dị, gần gũi, thân tình. Chính vì lẽ đó, đồng đội, đồng chí và đồng bào vẫn thường gọi đồng chí bằng những cái tên trìu mến “Anh Năm Công”, “Bác Năm Công” như cách gọi người thân trong gia đình...
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình cách mạng, trên quê hương giàu truyền thống yêu nước, kiên cường chống giặc ngoại xâm, điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến tư tưởng yêu nước, sự hình thành nhân cách, chí hướng cách mạng của đồng chí Võ Chí Công. Chính truyền thống của quê hương, gia đình đã góp phần rất quan trọng hình thành tư tưởng yêu nước, nhân cách, chí hướng cách mạng, bản lĩnh và sự kiên định lập trường giai cấp của đồng chí Võ Chí Công. Ngay từ khi còn nhỏ tuổi, qua những nhà nho hoạt động yêu nước tại quê nhà và qua những người thân trong gia đình, đồng chí đã tiếp cận từ rất sớm với tư tưởng “dân vi bản” - dân là gốc, dân phải là chủ, vì dân, do dân, thân dân...; các tư tưởng ấy đã thấm dần, sâu dần, định hướng cho việc lựa chọn con đường đi, sau này tiếp tục đến với tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm về dân tiếp tục thấm sâu, bền chặt trong trái tim khối óc đồng chí Võ Chí Công...”.
Với phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Nam, trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy (1952 - 1953), đồng chí Võ Chí Công đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang; tham gia chỉ đạo chiến dịch Hè - Thu 1952 giành thắng lợi, đánh bại âm mưu càn quét, chiêu an, dồn dân của địch. Đồng chí tích cực lãnh đạo chống đói, xây dựng vùng tự do vững mạnh. Do những tác động tiêu cực từ nạn đói năm 1952 ở vùng tự do và các đợt đánh lớn của quân Pháp ở vùng tạm chiếm và vùng du kích đã tác động mạnh đến tư tưởng của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đồng chí Võ Chí Công chỉ đạo tăng cường lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, chỉnh đốn tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc để nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ... Để hoàn thành sứ mệnh là trung tâm đoàn kết của Đảng bộ tỉnh, đồng chí Võ Chí Công luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, nhất là nêu gương trách nhiệm người đứng đầu trong mọi nhiệm vụ được giao. Trong mối quan hệ với cấp dưới, đồng chí đối xử rất chân tình nên được các đồng chí trong Tỉnh ủy và Đảng bộ mến phục, tin yêu. Thời gian đảm nhiệm chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (lần hai) chỉ sau hai năm, nhưng đồng chí Võ Chí Công đã để lại những dấu ấn rất quan trọng. Những chủ trương, chỉ đạo sắc sảo, nhạy bén của đồng chí đã góp phần khôi phục phong trào cách mạng vùng tạm chiếm; bồi dưỡng, xây dựng vững chắc vùng tự do...
Đồng chí Võ Chí Công là người con của quê hương Quảng Nam “trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí là Bí thư Khu ủy Khu 5, Chính ủy Quân khu 5, có đóng góp to lớn trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị hùng hậu, phát huy vai trò, sức mạnh nổi dậy của quần chúng nhân dân, tổ chức xây dựng LLVT 3 thứ quân vững mạnh, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước trên địa bàn Khu 5 vượt qua nhiều khó khăn, đi đến thắng lợi. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Chí Công là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, luôn trọng dân, gần dân, sâu sát cơ sở, bám sát thực tiễn cách mạng, phát huy được sức mạnh của quần chúng nhân dân...”.
Những cống hiến của đồng chí Võ Chí Công đã để lại cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam những bài học quý giá, cổ vũ, động viên nhân dân vượt mọi khó khăn, gian khổ, chung sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Đảng bộ và các tầng lớp nhân dân Quảng Nam luôn tự hào, ra sức học tập tấm gương của đồng chí Võ Chí Công và các bậc tiên liệt, phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công tới dự Cuộc gặp mặt trao đổi giữa các thế hệ anh hùng, chiến sĩ xuất sắc, do Bộ Nội vụ tổ chức ngày 20/7/1992, tại Hà Nội. Ảnh: Minh Điền/TTXVN
Nhà lãnh đạo xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Gần 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Võ Chí Công luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân. Trong những năm tháng đấu tranh giành chính quyền, kháng chiến, đồng chí không quản ngại hy sinh, gian khổ, luôn nêu cao tinh thần kiên cường, bất khuất trước kẻ thù. Khi đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đồng chí luôn là tấm gương sáng về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nói đi đôi với làm, nếp sống khiêm tốn, giản dị, giàu tình nghĩa, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào; luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc, giữ vững nguyên tắc, nhưng luôn bám sát thực tiễn, dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám nhận trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân. Đồng chí là tấm gương cao đẹp để mỗi chúng ta trân trọng, tri ân, học tập và noi theo...”.
Cuộc đời đồng chí Võ Chí Công gắn với sự nghiệp cách mạng, những sự kiện lịch sử oanh liệt của Đảng và nhân dân ta trong thế kỷ thứ 20; là tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước giai đoạn 1987-1992. Tại kỳ họp thứ nhất diễn ra từ ngày 17 đến 22-6-1987, phát biểu trước Quốc hội, đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công đã nêu rõ quan điểm: “Trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng “lấy dân làm gốc”, thực hiện đúng phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, cần bảo đảm cho Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Hiến pháp và luật định, nhằm góp phần tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, đồng chí đã có những đóng góp to lớn trong củng cố hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước, công tác lập hiến, lập pháp; tạo tiền đề thuận lợi cho thành công của công cuộc đổi mới của đất nước ta...
Trải qua nhiều năm hoạt động cách mạng, sống giữa lòng Nhân dân nên đồng chí Võ Chí Công đặc biệt quan tâm đến các tầng lớp Nhân dân, từ người cao tuổi đến các cháu thiếu nhi, các đối tượng chính sách, thương binh, liệt sĩ, người có công, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong công tác và sinh hoạt, đồng chí luôn thể hiện trách nhiệm, gương mẫu, giản dị, gần dân, trọng dân, toàn tâm toàn ý phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân...
Trong công cuộc đổi mới đất nước, đồng chí Võ Chí Công có những cống hiến rất to lớn. Trước tình hình đất nước sau chiến tranh kết thúc hết sức khó khăn, nền sản xuất nông nghiệp lâm vào tình trạng thiếu nguyên liệu, thiếu năng lượng, thiếu nguồn vốn sản xuất... Cùng với hậu quả của những sai lầm chủ quan trong quản lý Nhà nước, yếu kém trong quản lý kinh tế, sự bao vây cấm vận, chống phá của các thế lực thù địch, tác động đến mọi mặt của đời sống-xã hội. Nhất là sự trì trệ lỗi thời của cơ chế quản lý kế hoạch hóa quan liêu bao cấp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, không đáp ứng nhu cầu hàng hóa tiêu dùng của Nhân dân... Khi được Đảng và Nhà nước giao trọng trách lãnh đạo cao nhất của ngành Nông-Lâm-Ngư nghiệp, đồng chí Võ Chí Công đã dành thời gian đi nghiên cứu ở nhiều địa phương, cơ sở sản xuất, để nắm bắt thực tiễn, tìm hiểu những thuận lợi, khó khăn và cả những vấn đề thuộc về cơ chế đang trói buộc, kìm hãm sự phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn...
Với tư duy nhạy bén, sắc sảo, đồng chí Võ Chí Công đã đề xuất với Ban Bí thư và Bộ Chính trị về những vấn đề cần phải đổi mới. Chỉ trị số 100-CT/TƯ về cải tiến công tác khoán, mở rộng các hình thức khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp (gọi tắt là Chỉ thị 100). Với việc ban hành Chỉ thị 100 của Ban Bí thư đã tạo ra bước đột phá mới trong nông nghiệp. Nhờ cơ chế “khoán 100”, người nông dân được giải phóng sức lao động, yên tâm đầu tư thâm canh trên mảnh ruộng của mình. Từ thành công của Chỉ thị 100, năm 1987 Bộ Chính trị tin tưởng giao cho đồng chí Võ Chí Công làm Trưởng ban nghiên cứu đổi mới cơ chế quản lý kinh tế. Sau một thời gian, Nghị quyết 10-NQ/TW của Bộ Chính trị (tháng 4-1988) được ban hành, mở ra bước ngoặt cho sự phát triển của nông nghiệp, làm thay đổi mạnh mẽ đời sống của nông dân nước ta.
Đồng chí Võ Chí Công là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người suốt đời kiên trung với sự nghiệp của Đảng; luôn thể hiện rõ bản lĩnh và trí tuệ sáng tạo cách mạng. Đảm nhận nhiều trọng trách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, dù ở cương vị công tác nào, đồng chí Võ Chí Công cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, không ngừng học hỏi, tự rèn luyện, luôn sâu sát thực tiễn cuộc sống, gắn bó mật thiết với nhân dân, lấy sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Trong cuộc sống hằng ngày, đồng chí luôn giữ nếp sống khiêm tốn, giản dị, nghĩa tình, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào. Đồng chí xứng đáng là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nguyệt Phương