Xuyên suốt tập thơ là tình yêu, là những rung động trước bao đớn đau của đời, của đất, trời, biển, đảo và của hiện thực xã hội: Những sinh linh vì miếng cơm manh áo…/Nay trầy trụa giữa cuồng phong lốc bão/Đồng loại gọi về vớt giữa lênh đênh… (Thương những sinh linh). Hay, Ta mưu tự do còn chim trong tù hãm/Vui thú gì cá chậu chim lồng?/Nén dạ! Nhìn theo đôi cánh mềm/Tôi nhẹ mình thanh thản…! (Phóng sinh). Đó là sự đớn đau trước những linh hồn dạt trôi trên biển và con chim trong lồng được anh trả về tự do. Còn đây: Em chào đời…/Nhỏ nhoi im lặng/Quặt quẹo thiếu thừa…/Nỗi đau/Chất độc/Chiến tranh! (Em tôi).
Chiến tranh đã để lại biết bao điều cay đắng! Nguyễn Tiến Nên đã lặn lội trước hiện thực, để tìm ra cái yêu, cái ghét, cái cần lên án, ngợi ca. Sau phút ngụp lặn vô biên đó, anh tự nhìn lại mình, tự tách mình ra thật xa, để ngẫm ngợi về nó: Khi ta tự biết mình/Đời không còn ghềnh thác/Khi em tự biết mình/Đời là hoa là nhạc (Em là)…
Nguyễn Tiến Nên nuôi dưỡng những tâm tình, suy ngẫm. Một thế giới khác được thắp sáng lên: Bến-gửi hồn theo sóng/Vỗ xôn xao khúc chiều/Trùng khơi hồng biển mộng/Ôm trọn khung trời yêu (Bến). Nguyễn Tiến Nên có tầm quan sát và cách liên tưởng khá hay: Âm thầm/Vầng trăng thai nghén…/Xé thân/Đón con chào đời/Tháng ngày phổng phao khôn lớn/Thân mẹ/Vít còng cây đu… (Liên tưởng mẹ). Âm thầm/Vầng trăng thai nghén... là câu thơ hay.
Thơ trong tập "Bến" mang những khoảng trống luôn đẹp. Một vẻ đẹp mộng mị, đa chiều, đa sắc… luôn day dứt tâm trí ta. Vì đó là những liên tưởng rất xa, nhưng lại đồng hiện, cấu thành, hội tụ: Đôi vai gầy/Chở mảnh trăng non/Gót trần/Sấp ngửa hết chợ Đồn, chợ Họa/Sáng bơ gạo mớ khoai/Chiều cọng rau con cá/Mảnh trăng gầy/Năm tháng nuôi con…”.
Đó là tiếng lòng! Thơ của tiếng lòng đắm say khao khát, tươi nồng, lắng xoáy: “Thôi nhún nhẩy trên vai/Đậu xuống tấm lưng gầy/Mảnh trăng mẹ vẫn là trăng khuyết/Con ngẩng lên/Lồng lộng bóng trăng đầy! (Mảnh trăng đời mẹ). Khi mẹ còn bên ta, vầng trăng tuy đã “Thưa dần chợ làng/Xa luôn chợ huyện”, thưa dần cái sự nhảy nhót khuya sớm trên vai, trên lưng gầy của mẹ. Nhưng rồi… lúc ta nhìn lại “Con ngẩng lên/Lồng lộng bóng trăng đầy!”. Câu thơ đọc lên làm ta cay cay nơi khóe mắt! Mẹ dẫu có đi xa nhưng mẹ luôn là vầng trăng tròn của đời con, luôn non tươi mãi mãi…!
Trong cái duyên của người cầm bút, tôi nhiều lần được gặp Nguyễn Tiến Nên miệt mài làm việc. Ông tự khẳng định mình trước những xô bồ của sóng gió cuộc đời: Và…/Những sợi nắng xanh/Rờn trên sóng/Giúp anh ghép lại/Chính/Tim/Mình (Trước sóng).
Tập thơ "Bến" của Nguyễn Tiến Nên là tiếng lòng của người con quê biển, giản dị, tự nhiên. Trong cái giản dị, tự nhiên, mòi mặn đó, ngân lên khúc tình của tác giả tri ân cuộc đời và gửi về quê hương yêu dấu.