Với tinh thần “Đoàn kết-Đổi mới-Bình đẳng-Hội nhập”, Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022 là sự kiện chính trị quan trọng, ngày hội lớn của phụ nữ cả nước; đánh dấu sự phát triển của phụ nữ và tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam.
Đại hội diễn ra trong bối cảnh nước ta có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức; phụ nữ cả nước đang cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, tạo nền tảng để sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đặc biệt, những thành tựu quan trọng, toàn diện sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, nhất là những thành tựu đạt được trong năm 2016-năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng là điều kiện hết sức thuận lợi để Hội LHPN các cấp và phụ nữ cả nước tiếp tục nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khẳng định vai trò; đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XII của Đảng mở ra vận hội mới cho đất nước và cơ hội phát triển toàn diện cho phụ nữ Việt Nam. Những thành tựu mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nỗ lực phấn đấu đạt được trong năm 2016 tạo dựng niềm tin, nền tảng vững chắc để phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp hội tiếp tục phát triển trong nhiệm kỳ 2017-2022. Công tác phụ nữ và bình đẳng giới trở thành nhiệm vụ chính trị trọng tâm của các cấp ủy, tổ chức đảng; được thể chế hóa và toàn xã hội triển khai thực hiện. Bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ tiếp tục là mối quan tâm toàn cầu. Tuy nhiên, phong trào phụ nữ và hoạt động của tổ chức hội các cấp vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Chủ trương tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tạo ra nhiều thời cơ và thách thức; sự chuyển dịch lao động trong các ngành nghề, khu vực dẫn đến những thay đổi về cơ cấu xã hội, sự đa dạng về nhu cầu, lợi ích trong các tầng lớp dân cư và phụ nữ. Đời sống của một bộ phận phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ tàn tật... còn khó khăn; tình hình tội phạm liên quan đến phụ nữ, trẻ em, bạo lực gia đình cũng có những diễn biến phức tạp; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận phụ nữ chưa được đẩy lùi... Thực tế trên đặt ra yêu cầu đối với các tổ chức hội phải phát huy tốt vai trò và chủ động, tích cực đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hiệu quả trong từng hoạt động. Theo đó, các tổ chức hội cần tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, nhất là Nghị quyết Đại hội XII; đẩy mạnh, triển khai sâu rộng các nội dung phong trào thi đua, cụ thể hóa, phù hợp với đặc điểm, tình hình thực tiễn; lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước. Thực hiện hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị không chỉ giúp các tổ chức hội ngày càng lớn mạnh; mà chính là cơ hội để bồi đắp nhân cách, phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của Phụ nữ Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới. Phát huy đầy đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức hội, chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng; đồng thời từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho đội ngũ cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ, nhất là những phụ nữ yếu thế. Nâng cao chất lượng hoạt động phong trào phụ nữ; thực hiện tốt hai khâu đột phá: Nâng cao chất lượng thực chất của công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ; nâng cao chất lượng tổ chức và hoạt động hội cơ sở, đa dạng hóa các hình thức tập hợp, phát huy quyền làm chủ của hội viên, phụ nữ.
Cùng với sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu của tổ chức hội và đội ngũ cán bộ, hội viên, các tầng lớp phụ nữ cả nước, một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với công tác hội và phong trào phụ nữ. Cần phải xác định việc quan tâm, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ; xây dựng tổ chức hội vững mạnh là trách nhiệm chính trị, là nhiệm vụ quan trọng của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng; khắc phục triệt để tư tưởng coi đây là việc riêng của tổ chức hội phụ nữ; là việc “nội bộ” của Hội LHPN Việt Nam.
Xác định rõ phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hội và phong trào phụ nữ, chính là điều kiện để khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội LHPN Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới; xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của phụ nữ cả nước.
Phụ nữ Quân đội là bộ phận quan trọng trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Gắn liền với lịch sử xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, Phụ nữ Quân đội luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Những năm gần đây, các tổ chức hội phụ nữ trong toàn quân luôn năng động, sáng tạo triển khai nhiều phong trào, nhiều hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội; xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; trực tiếp giúp đỡ, hỗ trợ hội viên, phụ nữ có cuộc sống ngày càng no đủ, hạnh phúc. Với vai trò, vị trí, chức năng của mình, cùng sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và cấp ủy, chỉ huy các cấp; với tinh thần cách mạng triệt để, cán bộ, hội viên Phụ nữ Quân đội tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị; góp phần tích cực vào nhiệm vụ củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Nguồn: qdnd.vn