Bia truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 7 được xây dựng trong Trung tâm văn hóa xã Bình Hòa Nam.
Chúng tôi bắt đầu từ câu chuyện của bác Phạm Hữu Hí, (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Bình Hòa Nam). Ngược thời gian trở về thời điểm những ngày đầu Nam bộ kháng chiến. Bên bờ sông Vàm Cỏ, ngày 10-12-1945, Xứ ủy lâm thời Nam Bộ mở hội nghị quyết định nhiều vấn đề chiến lược, trong đó có quyết định thành lập Khu 7, tiền thân của lực lượng vũ trang Quân khu 7 ngày nay. Trung tướng Nguyễn Bình là vị tư lệnh đầu tiên của Quân khu 7.
Trong kí ức của bác Phạm Hữu Hí, khi đó chỉ là cậu bé mới 7 tuổi, Trung tướng Nguyễn Bình thường hay đến bàn bạc việc gì đó với cha mình rồi vội vã đi ngay. “Chừng một tháng hay nửa tháng ông ra một lần. Hồi đó tui còn nhỏ, đâu có biết cách mạng là gì. Hễ thấy Trung tướng Nguyễn Bình ra thì ba tui sai đi nấu nước. Trung tướng Nguyễn Bình đi chiếc ghe tam bản, 4 chèo, ở trước 2 chèo, ở sau 2 chèo, ông ngồi ở giữa” - bác Phạm Hữu Hí nhớ lại.
Trong kháng chiến chống Pháp, Bình Hòa Nam là nơi đóng quân của các cơ quan đầu não Khu 7, Khu 8 và Khu 9 do Trung tướng Nguyễn Bình trực tiếp chỉ huy. Tại khu vực ấp 1, kênh Lò Đường, quân Pháp đã sát hại dã man 64 người, trong đó có nhiều trẻ em và phụ nữ mang thai. Nơi đây từng được nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang về thăm và tổ chức xây dựng Bia truyền thống.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, Bình Hòa Nam là căn cứ của Tỉnh ủy Long An và lực lượng vũ trang Quân khu 7. Địch đánh phá rất ác liệt, rải chất độc da cam, biến nơi đây thành vùng trắng.
Ông Nguyễn Văn Thượng (Tư Thượng), ngụ ấp 3, nhớ như in giặc rải chất độc da cam năm 1965. Ông kể: “Nhiều lần, máy bay của giặc rải chất độc màu trắng, người dân phải đi tản cư, đất đai bỏ hoang vì không sản xuất được. Em tôi bị nhiễm chất độc da cam, sinh ra 2 người con bị dị tật”.
Do có thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 20/12/1994, quân và dân xã Bình Hòa Nam được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Hiện nay, trong khuôn viên Trung tâm văn hóa xã, tấm bia truyền thống lực lượng vũ trang Quân khu 7 như lời nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau mãi ghi nhớ công ơn những người ngã xuống vì màu xanh hòa bình, từ đó khơi dậy niềm tự hào dân tộc, truyền thống quê hương anh hùng để ra sức xây dựng Bình Hòa Nam ngày càng giàu, đẹp.
Từng ngày đổi mới
Đến Bình Hòa Nam hôm nay, không khó để bắt gặp những ngôi nhà khang trang, kiên cố được xây dựng trên mảnh đất nhiễm phèn nặng này. Người dân nơi đây sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp.
Ông Tư Thượng - nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, nhớ lại: “Lúc mới trở về, cuộc sống rất khó khăn, vườn hoang, ruộng trống, đường đi không có,... Vượt qua gian khó, người dân thử nghiệm nhiều loại cây trồng trên vùng đất này với hy vọng mang lại hiệu quả cao”.
Đầu năm 2003, khi xã phát động chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, người dân tích cực chuyển từ cây lúa, tràm sang trồng chanh, ổi. Với mục tiêu quy hoạch phát triển vùng chuyên canh, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp tạo sức cạnh tranh trên thị trường, Đảng bộ, chính quyền xã Bình Hòa Nam đẩy mạnh diện tích trồng chanh trên 2.000 ha, tạo thế cây chủ lực, cây chuyên canh của xã. Nhờ đó, đời sống người dân từng bước được cải thiện.
Đời sống của bà con nhân dân ngày càng được nâng lên nhờ chuyển đổi trồng chanh mang lại thu nhập cao.
Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích bà con trồng một số loại rau phù hợp với đất nhiễm phèn, như trồng rau má, trồng ớt… đã mang lại thu nhập cao cho người dân. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 51 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua từng năm, hiện chỉ còn 3,06%; trên địa bàn xã không còn nhà tạm, dột nát.
Từ khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Các cấp chính quyền quan tâm thực hiện chương trình Về nguồn, hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng nên bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới. Đặc biệt, từ khi Đường tỉnh 816 đi qua địa bàn xã được đầu tư, đường giao thông nông thôn của 3 ấp đều được bê tông hóa, xóa cầu tạm, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi hơn.
Bà Nguyễn Thị Vấn (ngụ ấp 3) phấn khởi: “Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi nên cảm nhận quê mình giờ thay đổi nhiều lắm. Nhiều công trình dân sinh được Nhà nước đầu tư xây dựng để chăm lo cuộc sống của nhân dân. Ai cũng mừng!”.
Những công trình sâu nặng tình nghĩa quân dân
Với tấm lòng hướng về nguồn cội, trong thời gian qua, lực lượng vũ trang Quân khu 7 đã xây tặng Bình Hòa Nam nhiều công trình đạt chuẩn nông thôn mới, như: Trung tâm văn hóa thể thao xã, đường giao thông nông thôn, trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, nhà tình nghĩa, nhà tình thương, góp phần cùng với địa phương xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, thúc đẩy kinh tế-xã hội ngày càng phát triển.
Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của LLVT Quân khu 7, đường giao thông trên địa bàn xã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa, đi lại cho bà con.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã bày tỏ: “Từ sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang Quân khu 7, Bình Hòa Nam đã hoàn thành một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, như: tiêu chí về đường giao thông nông thôn, trường học, nhà ở, cơ sở vật chất văn hóa... góp phần giúp địa phương hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.
Bình Hòa Nam đang đổi mới từng ngày, cơ bản hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tin rằng, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân, sự chung sức, hỗ trợ của LLVT Quân khu 7, Bình Hòa Nam sẽ làm nên những thành tích mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.