Qua 10 năm thực hiện đề án, đối với công tác đào tạo đã mở được 5 lớp với 400 học viên hệ trung cấp, 152 học viên hệ cao đẳng và 48 người được cử đi đào tạo hệ đại học; liên thông cao đẳng, đại học được 188 người. Đối với công tác đào tạo nguồn, sơ tuyển gắn với quy hoạch cán bộ cơ sở đã tuyển chọn được 320/384 người, đạt 83,33% so với nguồn của đề án đặt ra.
Số cán bộ tốt nghiệp cao đẳng, đại học là 188 người; được bố trí đúng chức danh theo nguồn quy hoạch của xã, phường, thị trấn là 109 người. Đến nay, 100% Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, phường, thị trấn qua đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở. Tổng kinh phí thực hiện đề án trong 10 năm qua là gần 32 tỷ đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Đặng Văn Lẫm, cho biết: Việc tuyển chọn cán bộ đi đào tạo phải đúng chỉ tiêu, cán bộ phải thuộc trong quy hoạch sử dụng cán bộ của địa phương, tránh chạy theo chỉ tiêu, tuyển chọn chất lượng đầu vào không đảm bảo ảnh hưởng đến đầu ra và việc hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi đào tạo, phải đảm bảo bố trí, sử dụng đúng chức danh đào tạo, ngành học để tạo điều kiện cho cán bộ Ban CHQS cấp xã phát huy trình độ, năng lực, kiến thức đã học vào thực hiện nhiệm vụ thực tế.
Kết luận hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuyết Minh đề nghị: Bộ CHQS tỉnh cần chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu cử cán bộ đi đào tạo theo lộ trình hằng năm, bảo đảm đến năm 2025 có 90% trở lên Chỉ huy trưởng, Phó chỉ huy trưởng Ban CHQS xã, phường, thị trấn đạt trình độ cao đẳng, đại học. Trong quá trình đào tạo phải quan tâm, bảo đảm tốt chế độ, chính sách, tạo điều kiện để học viên yên tâm học tập, rèn luyện tại trường. Sau đào tạo phải có kế hoạch sắp xếp, bố trí cán bộ đúng theo quy hoạch để cán bộ yên tâm công tác, có điều kiện phấn đấu vươn lên và gắn bó lâu dài với địa bàn cơ sở.