Long Khốt không chỉ là vùng đất thiêng, thấm đẫm máu xương của các liệt sĩ, mà còn hội tụ những tấm lòng nhân ái, dạt dào tình yêu quê hương, đất nước, luôn hướng về cội nguồn dân tộc với sự thành kính, lòng biết ơn sâu sắc các anh hùng liệt sĩ.
Di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt được khởi công xây dựng vào ngày 3/9/2020. Đến nay, công trình đã hoàn thành giai đoạn 1
Khu vực Long Khốt có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Từ năm 1957 - 1975, chế độ ngụy quyền đã đặt quận lỵ Tuyên Bình và xây dựng chi khu quân sự để trấn giữ cửa ngõ biên giới phía Tây Nam.
Tháng 6 năm 1972, trong chiến dịch tấn công tổng hợp nhằm phá vỡ tuyến ngăn chặn của địch ở trung tâm Đồng Tháp Mười, Sư đoàn 5 được Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ tiêu diệt chi khu Long Khốt, giải phóng một số quận, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào quần chúng nổi dậy. Trung đoàn 174, lúc đó mang phiên hiệu Trung đoàn 2, là lực lượng chủ yếu tấn công chi khu quân sự Long Khốt. Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt, ta không nhổ được căn cứ địch. Lực lượng của ta bị tiêu hao nặng.
Trong chiến dịch mùa khô 1973-1974, Trung đoàn 174 lại được giao nhiệm vụ tiến công tiêu diệt chi khu Long Khốt. Từ đêm 28/4/1974 các đơn vị của ta chiếm lĩnh trận địa, bắn phá các mục tiêu trong Chi khu Long Khốt. Bị đánh quyết liệt nhưng Tiểu đoàn 502 biệt động quân ngụy vẫn ngoan cố chống trả và yêu cầu không quân cùng pháo binh từ gò Măng Đa và tiểu khu Mộc Hoá chi viện. Sau 1 ngày chiến đấu ác liệt giành nhau từng tấc đất với địch, ta đã giải phóng được chi khu Long Khốt, mở toang cánh cửa cho đại quân tiến về đồng bằng sông Cửu Long.
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trung đoàn 174 cùng các cánh quân của Đoàn 232 vượt Đồng Tháp Mười về chốt chặn quốc lộ số 4 và giải phóng Thị xã Tân An vào giữa trưa 30/4/1975.
Để có chiến công ấy, riêng tại khu vực Long Khốt, Thái Trị, Măng Đa... hơn 1.110 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 hy sinh. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ. Thực tế, Long Khốt không chỉ thấm đẫm máu xương của bộ đội Sư đoàn 5 thời kỳ chống Mỹ, mà trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978, đã có biết bao cán bộ chiến sĩ Công an vũ trang (nay là Bộ đội biên phòng tỉnh Long An), bộ đội địa phương, dân quân du kích và cả Nhân dân huyện Vĩnh Hưng hy sinh. Tiêu biểu là trận đánh 43 ngày đêm bảo vệ đồn Long Khốt diễn ra từ ngày 14/1 đến 27/2/1978, cán bộ, chiến sĩ đồn Long Khốt đã kiên trì bám trụ, phối hợp các lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Lễ cầu siêu các liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt
Trải qua những năm tháng chiến tranh ác liệt, mỗi tấc đất, gốc cây, ngọn cỏ tại khu vực Long Khốt đều thấm đẫm máu xương của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7, bộ đội biên phòng Long An và Nhân dân địa phương.
Để khắc ghi công lao to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, bà con Nhân dân Thái Bình Trung đã đề nghị chính quyền và bộ đội biên phòng chọn ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/5) làm ngày tưởng nhớ Bác Hồ và ngày tri ân các liệt sĩ. Gần 20 năm nay, cứ đến ngày này, bà con địa phương tự nguyện mang các lễ vật, hoa và bánh trái đến cúng giỗ. Buổi tối, bên dòng sông Long Khốt, diễn ra lễ cúng và thả hoa đăng với sự tham dự của các cựu chiến binh, bà con địa phương và khách về dự giỗ. 10 giờ sáng ngày 19/5, lễ giỗ bắt đầu. Sau bài diễn văn của đại diện chính quyền địa phương, của các cựu chiến binh ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chiến đấu, hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, là lễ trao học bổng cho các cháu học sinh nghèo, trao quà động viên các gia đình chính sách và bà con nghèo vùng căn cứ kháng chiến cũ.
Từ chiến trường Long Khốt trở về, những cựu chiến binh Trung đoàn 174/Sư đoàn 5, mà người khởi xướng là Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Trưởng ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Trung đoàn 174, đã cùng với đồng đội bàn bạc xúc tiến ngay việc xây dựng đền thờ Bác Hồ và liệt sĩ tại Long Khốt. Tấm chân tình của các cựu chiến binh đã nhận được sự đồng hành, góp sức của các Mạnh thường quân, doanh nghiệp; sự ủng hộ nhiệt tình của Bộ đội Biên phòng Long An, cấp ủy, chính quyền và bà con Nhân dân Thái Bình Trung - Thái Trị để xây nên ngôi đền linh thiêng nơi cửa ngõ biên giới Tây Nam này.
Ngày 19/5/2009, đền thờ Bác Hồ và liệt sĩ cạnh dòng sông Long Khốt được khánh thành. Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Trung đoàn 174 bước đầu tổng hợp danh sách gần 1.000 liệt sĩ đã hy sinh tại đây trên các bảng đá hoa cương. Xúc động trước sự hy sinh cao cả của các liệt sĩ, Đại tá Trần Thế Tuyển đã viết hai câu đối: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hoá linh khí Quốc gia!”, được khắc trên quả chuông đồng và trên hoành phi đền thờ.
Năm 1997, Di tích lịch sử Khu vực đồn Long Khốt được UBND tỉnh Long An xếp hạng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Tiếp đó, năm 2018, theo đề xuất của Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Trung đoàn 174, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sưu tầm tư liệu, lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận Khu vực Đồn Long Khốt là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Đúng dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh và lễ giỗ liệt sĩ (19/5/2019), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ra quyết định công nhận khu vực Đồn Long Khốt là Di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày 21/12/2019, tại đền thờ Bác Hồ và liệt sĩ Long Khốt, UBND tỉnh Long An trang trọng làm lễ đón nhận danh hiệu cao quý này.
Việc công nhận khu vực đồn Long Khốt là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia đã đáp lại sự mong mỏi của chính quyền, người dân và cựu chiến binh đã từng chiến đấu tại chiến trường Long Khốt năm xưa. Đây là tài sản vật chất, tinh thần vô giá của quốc gia cần được phát huy trong giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ.
Long Khốt - nghĩa tình hội tụ
Tri ân những người con ưu tú đã hy sinh vì Tổ quốc, không chỉ là trách nhiệm của riêng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương, mà còn của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An và các cựu chiến binh Trung đoàn 174/Sư đoàn 5.
Chính vì vậy, thời gian qua, Huyện ủy - UBND huyện Vĩnh Hưng và lãnh đạo tỉnh Long An đã có kế hoạch mở rộng diện tích, tích cực vận động, kêu gọi xã hội hóa đầu tư các hạng mục trong khu di tích lịch sử đồn Long Khốt. UBND huyện đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng cầu mới Long Khốt dẫn vào khu di tích.
Thông qua sự giới thiệu, kết nối của Bộ Tư lệnh Quân khu 7, mà trực tiếp là Thượng tướng Trần Đơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu 7; Trung tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân khu 7; Trung tướng Lưu Phước Lượng, nguyên Phó Tư lệnh Chính trị Quân khu 9, nguyên Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, Chủ tịch Hội hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hồ Chí Minh; huyện Vĩnh Hưng đã mời gọi được nhà tài trợ là Liên hiệp Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Đồng Nai (Dona Coop) hỗ trợ nguồn vốn để đầu tư xây dựng Khu di tích lịch sử quốc gia Long Khốt vào đầu năm 2020.
Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 3/9/2020, mang đậm ý nghĩa chính trị, xã hội sâu sắc; thể hiện tinh thần trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với sự hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ, đã đánh đổi máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân.
Đền thờ liệt sĩ tại Di tích lịch sử quốc gia khu vực đồn Long Khốt
Việc xây dựng khu di tích mang tầm quốc gia đã nhận được sự đồng thuận cao của các cấp, các ngành, đặc biệt là bà con nhân dân khu vực Long Khốt. Chính vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai nhanh chóng. Các hộ dân sinh sống gần khu di tích sẵn sàng di dời đến nơi ở mới để công trình được hoàn thành đúng tiến độ.
Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7 kiểm tra công trình Đền thờ liệt sĩ
Đền thờ liệt sĩ khu di tích lịch sử quốc gia khu vực Đồn Long Khốt là công trình có ý nghĩa lịch sử, chính trị, xã hội nhân văn sâu sắc, được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các bộ ngành chức năng của Trung ương, của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 qua các thời kỳ, của các tướng lĩnh, cựu chiến binh; của Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Long An, trong đó có huyện Vĩnh Hưng.
Với ý nghĩa đó, thời gian qua, Đảng ủy- Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các cơ quan đơn vị tích cực, chủ động nỗ lực tham gia cùng địa phương, đơn vị tài trợ và các lực lượng bằng tình cảm, trách nhiệm chính trị cao nhất thiết thực kỷ niệm các ngày lễ lớn của Đảng, của dân tộc, của Quân đội và 75 năm ngày truyền thống Quân khu 7, hướng tới Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Nhân dịp này, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Quân khu 7 trân trọng cảm ơn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, các địa phương đơn vị, các doanh nghiệp đã quan tâm chỉ đạo, phối hợp, giúp đỡ, đồng hành để công trình Đền thờ liệt sĩ hoàn thành, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, góp phần phát triển kinh tế văn hoá, xã hội địa phương, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.